Kể từ ngày thống nhất đất nước, tháng 4/1975 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ oan sai mà nguyên nhân chính là do các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có một số vụ điển hình như:
• Khoảng tháng 9/1985 tại Hà Nội, Đại úy Nguyễn Hữu Ước, nguyên trưởng phòng thời sự báo Công an nhân dân, bị bắt vì “vi phạm pháp luật”, bị đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh bắt giam gần 3 năm. Trải qua 4 phiên tòa xét xử, Tòa án tuyên bố không đủ căn cứ buộc tội. Đại úy được trả tự do, về công tác bình thường ở tòa báo. Nay ông Nguyễn Hữu Ước đương chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công An, mang quân hàm Trung tướng.
• Tháng 5/1979, ông Trần Văn Chiến bị buộc tội giết người và bị kết án tù chung thân do bị cho là đã giết hại trưởng công an xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do có quá trình cải tạo tốt, ông Chiến được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù nhiều lần, nên sau 16 năm tù, ông Chiến đã được ra trại, mãn hạn tù… Đột nhiên Trần Văn U, kẻ giết người thực sự trở về làng, bị người dân bắt giữ. Tại cơ quan Công an, Trần Văn U đã khai nhận tội lỗi của mình. Sau đó, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương xin lỗi ông Trần Văn Chiến.
• Từ tháng 6/2001 đến tháng 7/2003, tại địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xẩy ra 7 vụ trộm cắp cổ vật ở các đình, chùa. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp và khởi tố, bắt tạm giam 8 người, trong đó có Dương Phúc Thịnh, Nguyễn Quý Đoan, Tạ Minh Đằng, Phan Hữu Hường…(Hường đã bị chết trong trại giam). VKSND tỉnh đã truy tố 7 người về tội trộm cắp tài sản. TAND tỉnh đã phải mở 3 phiên tòa để xét xử các bị cáo, nhưng đều phải hoãn để điều tra bổ sung. Từ ngày 19 đến ngày 23/6/2006, Tòa án đã mở phiên tòa lần thứ tư và đã phải tuyên không đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo về tội trộm cắp như Viện kiểm sát truy tố và tuyên trả tự do ngay cho các bị cáo. Tính ra, cả 7 người bị giam oan trái xấp xỉ 1000 ngày đêm, đến trung tuần năm 2008 VKSND tỉnh mới tổ chức xin lỗi và bồi thường cho những người bị oan.
• Ở Tây Ninh, vụ án Trần Minh Hùng bị truy tố, xét xử về tội vận chuyển trái phép chất ma túy (25 bánh hê rô in ). TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa lần thứ nhất, tuyên phạt tử hình Trần Minh Hùng; bản án này bị Tòa phúc thẩm tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai Trần Minh Hùng vẫn bị tuyên phạt tử hình. Sau đó, tên trùm buôn bán ma túy đã khai rằng, do điều tra viên mớm cung nên đã khai ra Hùng, chứ thực tế Hùng không tham gia. Khi có kết quả xác minh về lời khai này, năm 2008 Trần Minh Hùng đã được trả tự do.
• Ở Phường Cô Giang, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, vụ án Trương Thị Kim Hoan bị bắt giam cuối tháng 5/2004, bị truy tố và TAND Quận I xét xử, tuyên phạt 10 năm tù giam về tội buôn bán ma túy. Sau đó qua nhiều lời khai của những người nghiện ma túy, cùng nhiều lời khai của những người trong gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lý, đã có căn cứ kết luận, chị Hoan bị một số người trong gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lý vu oan, nhằm trả thù cá nhân.
Từ các vụ án oan sai kể trên cần nhìn nhận rằng các vụ án oan sai là một hiện tượng xã hội, là thực tế, không ai có thể chối cãi, phủ nhận và chắc chắn không thể tránh khỏi. Hàng năm, các cơ quan tư pháp có trách nhiệm xem xét, giải quyết hàng trăm nghìn vụ án các loại (những năm 2009, 2010, 2011 và 2012, trung bình 300 nghìn vụ một năm), trong đó khoảng 70% là các vụ án hình sự.
Điều này cho thấy tỷ lệ các vụ án oan sai chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hàng trăm nghìn vụ án đã được giải quyết nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Ngay ở các nước phát triển trên thế giới cũng xảy ra các vụ án oan sai chứ không phải riêng ở Việt Nam như tại Trung Quốc, Hoa Kỳ. Gần đây nhất là vụ việc Kash Delano Registar 53 tuổi, bang Florida, Hoa Kỳ được trả tự do từ nhà tù Twin Towers ngày 9/11/2013, sau 34 năm bị giam, truy tố, xét xử, kết án oan về tội giết người. Hay như vụ Michael Morton bị kết án tù chung thân với tội giết vợ và sau 15 năm ngồi tù oan đã được trả tự do.
Một trong những lý do chính gây nên tình trạng án oan sai ở nước ta trước kia là do cán bộ làm việc tại các cơ quan Tư pháp (gồm các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án) chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ Tư pháp nói chung đã có trình độ đại học trở lên nhưng số lượng cán bộ Tư pháp vẫn còn thiếu so với nhu cầu cần thiết tối thiểu, chất lượng cán bộ chưa đồng đều. Ngoài ra, không thể phủ nhận thực tế là trong đội ngũ cán bộ Tư pháp có một bộ phận sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trong công việc,… Chính bộ phận này đã gây tổn hại không nhỏ cho người dân vô tội, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của các cơ quan Tư pháp, các cơ quan Nhà nước trước nhân dân.
Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, có thể kể đến những sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng như sau:
1. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ “khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Thực tế trong vụ án của ông Chấn, tính đến ngày ông Chấn bị khởi tố, bị bắt tạm giam thì cơ quan điều tra mới chỉ có Biên bản khám nghiệm hiện trường và một vài thông tin nghi vấn, chứ chưa hề có chứng cứ nào xác định ông Chấn đã thực hiện hành vi phạm tội. Điều này đồng nghĩa với việc chưa đủ căn cứ để xác định ông Chấn thực hiện hành vi giết chị Hoan. Do vậy việc Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Chấn là không có căn cứ, trái pháp luật. Rất tiếc là quyết định sai trái này không được Viện kiểm sát phát hiện, mà ngược lại kiểm sát viên đã không thực hiện đúng chức năng “kiểm sát trong việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự…việc khởi tố vụ án có căn cứ pháp luật…”. Chính sai sót này là xuất phát điểm cho việc oan trái của ông Chấn. Vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan điều tra, của Viện trưởng Viện kiểm sát đã không được thực hiện tốt ngay từ đây.
2. Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện rất rõ: “nạn nhân nằm trên vũng máu…phát hiện một lưỡi dao cạnh nạn nhân…nền nhà có nhiều vết chân trần dính máu…dấu tay có vết máu trên cửa…”. Hiếm có vụ án giết người nào mà có nhiều dấu vết để lại hiện trường như vụ án này. Rất đáng trách các cơ quan tiến hành tố tụng đã không khai thác triệt để các ý nghĩa, giá trị của những vật chứng,dấu vết tội phạm, đã không tiến hành giám định dấu vân tay, chân để xác định dấu vân tay, chân của ai để lại hiện trường, trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lý do vì sao mà lại đơn thuần, chủ quan, phiến diện, chỉ dựa vào số đo bàn chân để khẳng định ông Chấn đã để lại dấu chân ở hiện trường là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Cơ quan điều tra còn chưa khai thác vật chứng để lại hiện trường là lưỡi dao. Đáng lẽ ra, việc cần làm trong trường hợp cụ thể này là phải xác định nghi phạm và người thân của nghi phạm có loại dao này không? Nguồn gốc của con dao này?... Tuy nhiên, cơ quan điều tra không làm sáng tỏ những vấn đề cần thiết, mà đã bỏ qua tất cả. Trong nhiều vụ án, đôi khi chỉ dựa vào một cúc áo, một sợi tóc của nghi phạm để lại hiện trường, nhưng cơ quan điều tra xác minh đúng nguồn gốc, điều kiện, hoàn cảnh thu thập vật chứng, biết khai thác các ý nghĩa, giá trị của vật chứng nên đã xác định đúng kẻ phạm tội. Tuy nhiên, tại vụ án này thì ngược lại, quá nhiều vật chứng, dấu vết trực tiếp đã bị bỏ qua, không được khai thác, phục vụ công tác điều tra. Còn nữa, nhiều người biết, hàng ngày nạn nhân vẫn đeo nhẫn ở ngón tay, nhưng khi khám nghiệm hiện trường, chỉ thấy vết đeo nhẫn trên tay nạn nhân, mà không thấy nhẫn đâu. Tình tiết này cũng đã bị bỏ qua, mặc cho gia đình nạn nhân đã nhiều lần đề cập đến. Đây là biểu hiện của việc điều tra phiến diện, không đầy đủ, không toàn diện, khách quan.
3. Trong vụ này các điều tra viên có mớm cung, ép cung hay không? Đây đang là câu hỏi lớn, mặc dù những người có liên quan đang phủ nhận điều này, song nhiều người lại tin rằng điều này là thực tế, có thật. Chúng ta cùng tham khảo số liệu từ Cục điều tra của VKSND tối cao: năm 2011 Cục đã khởi tố 4 vụ với 8 bị can, năm 2012 Cục đã khởi tố 5 vụ với 8 bị can, 6 tháng đầu năm 2013 Cục này đã khởi tố 4 vụ với 10 bị can về tội dùng nhục hình. Như vậy, các vụ dùng nhục hình đang có chiều hướng gia tăng. Việc dùng nhục hình thông thường đi kèm với mớm cung, ép cung; mà đã mớm cung, ép cung thì tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là làm sai lệch nội dung, bản chất của vụ án. Cơ quan điều tra dùng thủ đoạn, mánh khóe “nghiệp vụ” như giam các bị can chung với đầu gấu, thuyên chuyển các bị can tới nhiều phòng giam khác nhau. Có thể nói, đây là thủ đoạn tra tấn các bị can rất hiểm hóc. Chỉ riêng cán bộ điều tra không thể làm được việc này, mà phải có sự tiếp tay, đồng lõa của Quản giáo, lãnh đạo trại giam và cơ quan điều tra. Đặc biệt trong những trường hợp này, vai trò kiểm sát giam giữ của Viện kiểm sát đã bị lu mờ, không phát huy được tác dụng như mong muốn.
4. Ngay tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, mặc cho gia đình bị hại đề nghị xem xét việc 2 chiếc nhẫn của bị hại đã mất, để lại dấu hằn ở ngón tay, mặc cho bị cáo kêu oan do bị đánh, ép cung, mớm cung; mặc cho hai luật sư Nguyễn Đình Biền và Bùi Văn Thấm phân tích những thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng và đề nghị trả hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, các Hội đồng xét xử đã tiếp tục bước theo vết chân của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, mà không thực hiện đúng nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Như vậy, việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan là do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở cả địa phương và trung ương đều chưa thực hiện đúng chức năng “áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ,làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…”
Từ những sai sót nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
1. Thủ trưởng cơ quan điều tra, cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát khi nghe báo cáo án cần phải thực hiện đúng yêu cầu chi tiết, cụ thể, khách quan, toàn diện, đầy đủ. Có thực hiện tốt yêu cầu này thì Thủ trưởng cơ quan điều tra, cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát mới phát hiện ra những sai sót của cấp dưới để kịp thời uốn nắn, khắc phục và có được những quyết định đúng pháp luật, tránh được những quyết định khởi tố, bắt giam trái pháp luật và sự phê chuẩn thiếu căn cứ. Từ đây thấy cần thiết phải xem lại cơ chế kiểm sát của Viện kiểm sát trong những việc khởi tố, bắt giam, điều tra đã hiệu quả chưa, hay mới chỉ là hình thức, chưa thực chất.
2. Hội đồng xét xử nếu thực hiện tốt, đúng nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, phát huy tính ưu việt, hiệu quả của việc tranh luận tại phiên tòa, biết lắng nghe ý kiến của những người tham gia tố tụng và phải dũng cảm thì chắc chắn sẽ có chính kiến đúng đắn, hợp pháp. Chúng ta thấy, cũng ở TAND tỉnh Bắc Giang, nhưng Hội đồng xét xử vụ án đối với Dương Phúc Thịnh cùng 6 bị can khác, đã biết lắng nghe ý kiến của những người tham gia tố tụng, đã dũng cảm, kiên trì, nên sau 4 phiên tòa, đã ra được quyết định đúng đắn, hợp lòng dân; không những thế mà còn góp phần minh oan cho các bị cáo, những người dân vô tội.
3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án”, phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội thì sẽ tránh được oan sai. Trong vụ án của ông Chấn, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ dấu vết, vân tay, chân để lại hiện trường, làm rõ nguồn gốc, tung tích luỡi dao bên cạnh nạn nhân, cũng như dấu hằn trên ngón tay nạn nhân do đeo nhẫn lâu ngày để lại…thì rõ ràng sẽ làm sáng tỏ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.
4. Để tránh, hạn chế hiện tượng dùng nhục hình, ép cung, mớm cung cần phải có sự kiểm tra sát sao hơn nữa của các cấp lãnh đạo, quản lý trại giam, tạm giam nhằm đảm bảo chế độ giam giữ đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong giam giữ. Chế độ kiểm sát giam giữ của Viện kiểm sát cũng cần phải được đổi mới, tăng cường hơn nữa nhằm đảm bảo tính đúng pháp luật của việc giam giữ. Đã đến lúc phải xem xét lại chế độ tạm giam,quyết định ra hạn tạm giam, tránh hiện tượng gia hạn tạm giam tùy tiện, gây oan trái kéo dài như những người trong vụ án của ông Dương Phúc Thịnh bị tạm giam oan trái đến 1000 ngày đêm.
Cách đây hơn 10 năm, chập tối ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết ngay trong nhà của mình và đến ngày 29/8/2003 thì ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt giam, bị khởi tố về tội giết người. Ngày 23/12/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang có Kết luận điều tra và ngày 10/2/2004 VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 26/3/2004 TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án, đã kết tội và tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội giết người. Trong thời hạn quy định của pháp luật, ông Nguyễn Thanh Chấn chống án, kêu oan, nhưng tiếng kêu oan của ông chưa thấu. Ngày 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo và giữ nguyên mức án tù chung thân đối với ông Chấn về tội giết người.
Sau phiên tòa phúc thẩm, ông Chấn và những người thân (như bà Chiến, vợ ông Chấn, bà Thân Thị Hải…) có nhiều đơn khiếu nại, kêu oan cho ông Chấn, gửi các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương nhưng đều không có hồi âm. Từ tháng 5 năm 2011, vụ án bắt đầu hé lộ những tình tiết mới và những người thân của ông Chấn từ giữa năm 2013 mới gửi đơn tới VKSND Tối cao, cung cấp những tình tiết mới.
Dựa trên kết quả điều tra xác minh ban đầu, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành bản kháng nghị tái thẩm số 01 ngày 4/11/2013 và đề nghị trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xét kháng nghị tái thẩm số 01 của Viện trưởng VKSND Tối cao và quyết định chấp nhận kháng nghị tái thẩm, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.