Vì ở đơn vị sản xuất nên bộ đội không thể bị thương?
Ông Thái Công Phiên (SN 1956) nhớ như in sáng ngày 17/1/2008, khi ông thợ sửa xe còn đang loay hoay sửa xe đạp cho khách thì nhận được giấy triệu tập của công an huyện. Ông không kịp cất dọn đồ nghề, vội chạy xe đi ngay.
Cùng bị triệu tập với ông còn có thêm 3 đồng đội cũ cùng đơn vị gồm Trần Xuân Khang (SN 1951), Ngô Xuân Định (SN 1957) và Thái Công Tịnh (SN 1962).
Tại trụ sở công an huyện Cẩm Mỹ, bốn người được mời về trụ sở UBND xã Long Giao đọc lệnh bắt giữ. “Ai cũng bất ngờ, vợ tôi nghe tin chồng bị giam gào khóc rồi ngất xỉu luôn, còn bố tôi nổi cơn tai biến nhập viện luôn hôm đó”, ông Phiên nhớ lại.
Chừng hơn tháng sau lần lượt 5 cựu chiến binh khác cũng bị cảnh sát triệu tập gồm: Đoàn Hùng Cường (SN 1956), Trần Văn Huyên (SN 1953), Nguyễn Đức Thái (SN 1956), Lê Anh Xuân (SN 1955) và Lê Trọng Đạt (SN 1962).
Những người bị bắt đợt đó có người còn đảm nhận các nhiệm vụ trong bộ máy chính quyền như ông Cường lúc đó đang là Trưởng công an, trưởng ban mặt trận ấp Suối Cả. “Chúng tôi đều là đảng viên, sinh hoạt trong hội cựu chiến binh nên người địa phương càng quan tâm đến sự việc. Chín người chúng tôi bị bắt giữ thành 4 đợt”, ông Cường nói.
Vụ án làm giả hồ sơ thương binh tại xã Long Giao khép lại cách đây đã 5 năm, những bị cáo đã thụ án tù xong, nhưng dư âm vụ án chưa hết bởi họ đồng lòng kêu oan, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra lại vụ án.
Cáo trạng của VKSND huyện Cẩm Mỹ nêu 9 người trên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và sau cùng là tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo cáo trạng, từ tháng 9/1986 đến năm 1989, những người trên công tác tại nông trường cà phê 874 thuộc Lữ đoàn 874, QK7. Đến năm 1989, họ lợi dụng chủ trương, làm giả hồ sơ thương binh để hưởng tiền trợ cấp sau khi xuất ngũ.
Chín người xin mẫu chứng nhận bị thương của đồng đội rồi chép lại làm hồ sơ cá nhân, sau đó trình cấp chỉ huy kí duyệt.
Cáo trạng lập luận các bị cáo trong thời gian công tác tại Lữ đoàn 874 chỉ đảm nhận nhiệm vụ tăng gia sản xuất, không tham gia phục vụ chiến đấu và không hề bị thương ở chiến trường Campuchia.
Cáo trạng cho rằng trong hồ sơ đề nghị xét duyệt, tất cả bị cáo đều khai nhiều nội dung sai sự thật như: Cấp bậc, đơn vị, chức vụ, đơn vị, địa điểm khi bị thương.
Từ đầu tháng 8/2008, TAND huyện Cẩm Mỹ lần lượt đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt các bị cáo mức án tù 8 - 16 tháng tù giam. Riêng bị cáo Đạt do hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên được hưởng án treo. Sau phiên toà, chỉ duy nhất bị cáo Tịnh kháng cáo và không được giảm án.
Chỉ khai sai nơi bị thương mà dính tù tội?
Cả 9 người đều cho rằng có thời gian phục vụ trong quân đội, ít nhất 8 năm, nhiều nhất 17 năm. Quyết định xuất ngũ cho thấy họ đều từng tham gia phục vụ tại chiến trường Campuchia. Thanh minh về việc khai báo nơi bị thương không đúng như bản cáo trạng luận tội, nay 9 cựu binh khẳng định rằng họ không hề làm giả hồ sơ thương binh.
Bởi nếu làm giả hồ sơ mà không được lãnh đạo xét duyệt rồi cơ quan giám định bác bỏ thì làm sao được công nhận thương binh: “Chúng tôi được cơ quan cho đi giám định tại bệnh viện 7B hẳn hoi. Cả một hội đồng tham gia giám định, nếu chúng tôi không bị thương sẽ bị loại ngay”, ông Huyên nói.
Những cựu binh vừa mãn hạn tù cho biết chuyện từng tham gia phục vụ chiến trường Campuchia là thật, chuyện họ bị thương cũng là thật. Sai sót duy nhất của họ lúc đó là khai báo không đúng nơi bị thương. Ông Huyên giải thích: “Trước khi chuyển về Lữ đoàn 874, chúng tôi mỗi người hoạt động ở một đơn vị khác nhau. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, nhiều đơn vị theo chỉ đạo phải giản tán sau đó mới tập trung về Lữ đoàn 874.
Chúng tôi thừa nhận khi làm hồ sơ vì lí do khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị cũ, lãnh đạo cũ để xin giấy xác nhận bị thương nên khai báo bị thương trong thời gian phục vụ ở Lữ đoàn 874. Chỉ một ý đó mà kết tội chúng tôi làm giả toàn bộ hồ sơ là không thuyết phục”.
Xin được nói thêm từ năm 1988, Lữ đoàn 874 chuyển từ nhiệm vụ huấn luyện phục vụ chiến đấu sang sản xuất kinh tế. Theo chỉ thị của ban chỉ huy QK7, Lữ đoàn giải thể vào năm 1989 sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cũng trong năm đó tất cả cán bộ Lữ đoàn xuất ngũ đồng loạt.
Do đơn vị giải thể đột ngột, ban chỉ huy QK7 ra chủ trương giải quyết tồn đọng hậu quả chiến tranh đối với các quân nhân trong đơn vị. Nhóm cựu binh kêu oan cho biết thời điểm làm hồ sơ công nhận thương binh, có hơn 60 đồng đội cùng làm hồ sơ đề bạt lên các cấp trên xét duyệt, nhưng chỉ 9 người bị khởi tố?
“Nếu cho rằng chúng tôi cố ý làm giả tại sao không mời chỉ huy cũ đối chứng? Nếu chúng tôi làm giả tại sao không mở rộng vụ án cho rõ trắng đen mà chỉ định tội công khai vài người như kiểu “thí điểm””, ông Xuân đặt vấn đề.
Cựu binh bán đất, cắm sổ sổ đỏ nộp tiền thi hành án
Đợt đặc xá phạm nhân dịp Quốc khánh 2/9/2009, phạm nhân cuối cùng trong vụ án nêu trên đã ra tù. Cho rằng bị oan sai, tất cả cựu binh cho biết 5 năm trước họ bị ép cung, vả lại khi đó biết “kêu trời chẳng thấu” nên ai cũng cắn răng nhận tội, mong sớm đi tù.
Đó cũng là lí do suốt 5 năm nay 9 ông lão này gõ cửa khắp cơ quan chức năng kêu cứu. Họ trình bày thiệt thòi về kinh tế, sức khoẻ có thể tái tạo được, nhưng danh dự thì khó.
Đơn cử như trường hợp ông Khang, khi quay trở lại cuộc sống thường nhật, bị hàng xóm xem là kẻ tù tội, lừa đảo, ngại tiếp xúc. Ngày rời trại giam, ông Khang chỉ vỏn vẹn 45kg, sụt gần 10kg so với trước đó. Nhiều đồng đội cũng tỏ thái độ né tránh.
Trước áp lực dư luận, ông Khang phải đóng cửa ngôi nhà ở xã Long Giao chuyển lên TP.HCM sống cùng con cái mang theo nỗi ấm ức “đi tù oan”.
Trong vụ án, như phán quyết của tòa, 8/9 bị cáo phải bồi hoàn toàn bộ số tiền trợ cấp đã thụ hưởng suốt gần 20 năm, người nhiều nhất lên tới gần 50 triệu đồng.
Các bị cáo cho biết sau khi xuất ngũ trở về địa phương, hầu hết đều lao động phổ thông, khi bị yêu cầu bồi thường, ai nấy lâm cảnh cực kỳ khó khăn. Ông Huyên nói:
“Tiền trợ cấp hàng tháng từ vài chục ngàn sau cả chục năm tăng lên vài trăm ngàn. Nhận nhỏ giọt như vậy nhưng khi bị kết án, chúng tôi phải hoàn trả tiền triệu. Ai cũng phải vay mượn họ hàng, bán đất hoặc thế chấp sổ đỏ”.
Bi đát nhất à trường hợp ông Cường, thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Để có đủ số tiền 49 triệu khắc phục hậu quả để giảm án, gia đình đã phải cắt nửa mảnh đất đơn vị cấp ngày trước “bán chạy bán tháo”. Hai đứa con đang học cao đẳng của ông cũng phải thay phiên nhau bảo lưu kết quả ở nhà phụ giúp mẹ làm rẫy rồi năm sau học tiếp.
Các cựu binh cho biết đã gửi đơn thư kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng yêu cầu điều tra lại vụ án.