Sự sống sinh sôi trên đồn thù

Anh Liệu bên cánh một “cửa sổ” của “căn phòng hạnh phúc” suốt 10 năm.
Anh Liệu bên cánh một “cửa sổ” của “căn phòng hạnh phúc” suốt 10 năm.
(PLO) - Có lẽ làng Phù Yên (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là làng quê hiện còn nhiều lô – cốt nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Trẻ em ở làng thường được bố mẹ, ông bà kể lại sử làng với dẫn chứng minh họa là những dấu tích chiến tranh này. Câu chuyện một thời chiến đấu oanh liệt của dân làng chống lại ách xâm lược thực dân Pháp, những tháng ngày biến nỗi ám ảnh từ những “cặp mắt diều hâu” một thời thành những “lũy hoa” thời bình đều được tìm thấy trên lô – cốt đồn thù.
Chứng tích một thời thương đau
Từ dốc Đặng trên tỉnh lộ 286, men theo triền đê hữu sông Cầu gập ghềnh khúc khuỷu một đoạn đường là tới làng Phù Yên. Ngay đầu làng nơi bến đò Phù Yên nối đôi bờ sông Cầu sang xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), một lô cốt đã lừng lững hiện ra ngay phía bờ sông và cứ cách vài chục mét lại có thêm một lô - cốt khác. 
Người lạ thường bất ngờ nhất trước một boong - ke được thiết kế hai tầng liền kề mái đê phía trong làng mà người Phù Yên thường ví như “tháp nghiêng Pisa” của quê mình. Ngay dưới chân “tháp nghiêng” ấy là căn nhà nhỏ của vợ chồng ông bà Đặng Văn Đáng - Nguyễn Thị Lư năm nay đều ngoài 80 tuổi.
Ở làng Phù Yên này, vợ chồng là một trong số ít ỏi những nhân chứng sống của thời kỳ kháng chiến chống thực dân. Bà Lư cho biết, cuối năm 1947 thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng những lô cốt quanh làng, khi ấy bà Lư 19 tuổi. 
“Tháp nghiêng Pisa” được thực dân Pháp xây vào khoảng tháng 8/1947 với thiết kế hai tầng hình trụ cao khoảng 6m, chân đế phình to làm nơi ở cho một viên quan hai người Pháp, bên trên có mâm pháo. Các lô cốt còn lại đều được thiết kế hình ngũ giác bám theo triền sông, xung quanh có các lỗ châu mai phòng thủ. 
Làng ngày ấy oằn oại vì lô cốt. Trong cả năm ròng xây dựng, quân Pháp thường vào làng bắt dân phu ra phục dịch. “Không một đồng tiền công, thậm chí còn bị đám lính đánh đập, bữa cơm chỉ có vài con cá mắm khô”, bà Lư nhớ lại. 
Mất cả năm trời, cụm boong – ke mới hoàn tất. Những hình khối bằng gạch, đá, bê tông cốt thép, bề dầy tường từ 70 - 80cm, có lỗ châu mai hướng ra bên sườn đê và phía sông tạo thành một hệ thống phùng thủ kiên cố, bóp nghẹt làng quê, đồng thời cũng làm nơi ăn nghỉ cho quân giặc. 
Bà Lư bên một chiếc lô cốt
Bà Lư bên một chiếc lô cốt 
Kháng chiến thành công, làng quê sạch bóng quân thù. Những lô cốt trơ trơ bên bờ sông Cầu trở thành chứng tích chiến tranh.
Phòng tân hôn trong lô cốt
Năm 1976, gia đình bà Lư được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất ngay sát lô cốt hai tầng bên triền đê. Nhà chật con đông, vợ chồng bà đành tận dụng ngay cái đồn thù để ở. Bà Lư cho biết bên trong lô cốt rất sạch sẽ, có thể kê được 3 giường nằm cùng một cái phản ở giữa để nghỉ ngơi uống nước, đó là chưa kể 3 ngách chứa đồ xung quanh. 
Điều đặc biệt là ở trong lô cốt, mùa hè thì mát mẻ còn mùa đông lại rất ấm áp. Cùng tận dụng lô cốt làm nhà ở còn có nhiều gia đình khác như vợ chồng ông Ngô Văn Đình, bà Nguyễn Thị Mùi nhà cạnh bến đò Phù Yên. 
Không những thế, ngay thời kỳ chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, dân làng thường trú ẩn trong các lô cốt tránh bom rơi đạn lạc. Năm 1971 khi vỡ đê Mai Lâm, nước ngập trắng ruộng vườn nhà cửa, lô cốt chính là nơi tránh trú bão lụt của người Phù Yên.
Anh Nguyễn Văn Liệu năm nay 43 tuổi (con trai út của bà Lư) mỉm cười khi nhớ về những kỷ niệm với lô – cốt. Năm 1987 khi anh lấy vợ, đồn thù xưa được cha mẹ thu dọn làm “phòng tân hôn” cho đôi trẻ. 
Nhớ lại ngày cưới năm ấy, bà con làng xóm đến chia, chúc phúc vui chật kín cả sân. Vào thăm buồng hạnh phúc của cô dâu chú rể, không ít người phải trầm trồ bởi tường vôi mới quét sáng bóng, từng ô phòng được chia nhỏ gọn gàng ngăn nắp chẳng kém gì một “dinh thự bề thế tiện nghi”. 
Cô dâu khi đó thì có chút ái ngại vì như chị kể lại: “Nhìn quanh bạn bè cùng trang lứa khi về nhà chồng ít ra cũng có nơi ở tươm tất do chính cha mẹ xây cất, đằng này mình lại đi chui vào lô cốt để ở”. 
Thế nhưng dần dà ở lâu rồi đâm ra “mê” bởi chính sự thoải mái, tiện ích của nó. Từ “phòng cưới” có một không hai này, bốn người con của vợ chồng anh chị đã chào đời và đến giờ đều phương trưởng thành đạt.
Cũng như đại gia đình anh Liệu, các hộ dân trong làng đều luôn trân trọng, gìn giữ những di tích này, coi đó như chính tài sản không thể tách rời của thôn xóm. Vào ngày hội chùa 11/2 và hội đình 12/9 âm lịch hàng năm, Ban tổ chức địa phương thường chọn mặt bằng lô cốt ven đê làm nơi tổ chức các trò chơi truyền thống như chọi gà, đánh cờ, bịt mặt đập niêu. 
Đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 và Quốc khánh 2/9, chi đoàn thanh niên Phù Yên thường phối hợp với chi hội Cựu chiến binh thôn và Hội Cựu chiến binh xã Dũng Liệt tổ chức sân khấu thu nhỏ ngay trên nền lô cốt để sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao và kể chuyện truyền thống cho thanh thiếu nhi. 
Ông Đặng Văn Thành, Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Phù Yên cho biết: “Mỗi câu chuyện kể hôm nay luôn thấm đẫm những hy sinh xương máu, mồ hôi và nước mắt của cha anh đi trước; đặc biệt là chuyện kể của những dân phu một thời phải phục dịch đám quan quân cướp nước xây đồn bốt để hại chính lương dân. Qua đó giúp cho tuổi trẻ nơi đây ngày càng hiểu hơn về lịc sử làng quê”.
Năm 1997, cơ quan quân sự tỉnh Bắc Ninh về địa phương triển khai bịt toàn bộ các cửa ra vào của hệ thống lô cốt Phù Yên. “Họ nói rằng để bảo toàn nguyên trạng di tích, tránh sự hư hỏng đáng tiếc. Nếu không đến giờ nhà mình chắc chắn vẫn còn ở trong căn phòng đặc biệt ấy”, anh Liệu cười nói.
Theo hồ sơ của cơ quan văn hóa địa phương, hệ thống lô cốt phòng thủ này được xây dựng dưới sáng kiến của tướng De Lattre - Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương. 
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, do không đủ sức căng ra kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Pháp cho rút các khu vực trung du và miền núi để lui vể củng cố đồng bằng. Phần lớn các lô cốt được bố trí ở những tuyến đường, tuyến đê trọng yếu và những vị trí “đắc địa” để chúng tiện theo dõi và khống chế mọi động thái chiến sự của quân dân ta. 
Những lô cốt được xây dựng dày đặc ở Phù Yên không ngoài mục tiêu kiểm soát tình hình chiến sự, nhất là khi đối diện bên bờ bắc sông Cầu là xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa Bắc Giang - vùng tự do Việt Minh kiểm soát. 
Dọc theo triền đê hữu Cầu, thực dân Pháp còn cho xây dựng một loạt các vị trí, đồn bốt ở Đông Xuyên, Ngã Ba Xà, thị trấn Chờ, Yên Phụ, Đáp Thị Cầu để cô lập vùng tự do Hiệp Hòa. 

Đọc thêm

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.

Huyền thoại kép độc hiếm có của làng cải lương

Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)
(PLVN) - Nhờ phong cách ca ngâm và diễn xuất tài tình, NSND Diệp Lang là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam. Đặc biệt, ông gây ấn tượng với khán giả với những vai kép độc diễn như không diễn mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Lễ hội Sayangva của dân tộc Chơ Ro tỉnh Đồng Nai (ảnh Hoàng Long).
(PLVN) - Khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sỹ, đồng bào các dân tộc sẽ tham gia Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại

 Các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô (Ảnh: Xuân Thắng).
(PLVN) - Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Đa cảm xúc với 'Dù chỉ một lần thôi'

"Dù chỉ một lần thôi" của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc (ảnh Thảo Phương).
(PLVN) - “Dù chỉ một lần thôi” của ca sĩ HÚH đa màu sắc, đa cảm xúc, từ sôi động với những màn biểu diễn bốc lửa, cho đến lắng đọng, cảm động qua những bài học về đam mê, gia đình.

117 bộ phim trình chiếu Liên hoan phim quốc tế Hà Nội

Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Với khẩu hiệu: “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024 hứa hẹn là sự kiện quan trọng không chỉ của điện ảnh mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế. Liên hoan phim sẽ trình chiếu 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ca sĩ Ngọc Châm cháy bỏng khi được hát ca khúc mình mê đắm

Ca sĩ Ngọc Châm hy vọng hát bằng trái tim thì sẽ được mọi người yêu mến. (Ảnh: Bình Quách)
(PLVN) - Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật rất phong phú của mình, Ngọc Châm ở rất nhiều vai trò, nhưng với "Giai nhân 2", cô sẽ chỉ là ca sĩ để được sống trọn vẹn trong tình yêu âm nhạc của một người ca sĩ, để thỏa nỗi khao khát hát của cô bấy lâu nay, để được hát những gì mình thích, mình yêu, mình say đắm.