Theo phản ánh của ông Nguyễn Đăng Hồng (trú tại đường Phan Đình Phùng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), sau nhiều tháng ăn đói mặc rét vào rừng phát rẫy, chặt hạ cây bụi, gia đình ông khai hoang được 25,7ha đất tại xã Sa Nhơn (nay là xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy). Ngày 22/6/1998, ông được UBND huyện Sa Thầy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số G:164376, diện tích 257.000m2.
Được cấp GCNQSDĐ, gia đình ông càng thêm hăng say lao động, ngoài trồng cây cao su trên diện tích đất trên, ông còn thâm canh thêm ngô sắn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vốn đã quá nhiều khó khăn của mình.
Tuy nhiên, đến năm 2001 do trong gia đình có nhiều biến cố xảy ra và để lo cho công việc của mình, ông không thể canh tác trên thửa đất này được nữa nên đã viết giấy cho hộ ông Vũ Mai An (thôn Tân Sang, xã Hơ Moong) mượn để trồng sắn và trông coi giúp gia đình ông.
Đến năm 2006, khi mọi chuyện trong nhà đã ổn định, ông quay trở lại mảnh đất trên để tiếp tục canh tác, thế nhưng khi vừa đặt chân đến nơi, ông đã không tin nổi vào mắt khi toàn bộ diện tích (25,7ha) đất của gia đình ông bao năm khổ cực khai hoang đã bị UBND huyện Sa Thầy lấy cấp cho 12 hộ gia đình làng Đăk Yo (thuộc diện tái định cư của thủy điện Plei Krông).
Trước việc đất của mình "bỗng nhiên" được cấp cho người khác, ông Hồng đã nhiều lần đội đơn khiếu nại lên UBND huyện Sa Thầy nhưng lần nào cũng vậy, ông chỉ nhận được câu trả lời rằng diện tích đất cấp cho 12 hộ gia đình thôn Đăk Yo không nằm trong diện tích đất mà trước đó UBND huyện Sa Thầy đã cấp GCNQSDĐ cho ông, và điều làm ông bức xúc hơn cả là tại Báo cáo số 126/TNMT-TTr ngày 31/5/2007 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kon Tum cho rằng: "Đoàn kiểm tra xác định ông Hồng khiếu nại yêu cầu bồi thường không đúng vị trí".
Vấn đề trên, trao đổi với PLVN, ông Đào Duy Hiến - Trưởng phòng TN&MT huyện Sa Thầy cũng khẳng định: “Từ khi được giao đất đến khi khiếu nại, ông Hồng không sử dụng và không biết vị trí đất ở đâu”.
Trước câu trả lời trên, ông Nguyễn Đăng Hồng bức xúc cho biết: “Do hai vợ chồng tôi nghèo khổ quá nên mới nắm tay nhau đến vùng đất này lập nghiệp. Khi đến đây, vùng đất này mênh mông, vắng bóng người nhưng hai vợ chồng đều thích vì có đất canh tác nên quyết tâm bám đất lập nghiệp. Thời gian đầu gian khổ lắm, bao năm bỏ công sức khai phá, “chín nắng mười sương”, mồ hôi, nước mắt và cả máu của vợ chồng tôi đã đổ xuống mảnh đất này, không lẽ tôi lại không biết vị trí đất của tôi ở chỗ nào, nói như vậy thì GCNQSDĐ của gia đình tôi trước đây đã được cấp sai so với thực địa?” .
Cũng theo phản ánh của ông Hồng, 25,7ha đất rẫy của ông đã được cơ quan chức năng huyện Sa Thầy công nhận tại "Biên bản kiểm tra thực địa" ngày 20/7/2006 để lập hồ sơ đền bù với sự tham gia của đại diện Phòng TN&MT, đại diện Phòng Đền bù tái định cư thủy điện Plei Krông, UBND xã Hơ Moong và các hộ liên quan.
Tại Biên bản này, các cơ quan chức năng đã xác nhận diện tích rẫy của gia đình ông bằng cách xác định tứ cận của thửa đất. Tiếp đó, tại "Biên bản kiểm tra thực địa" lập ngày 12/2/2007 với sự có mặt của ông Đào Duy Hiến - Trưởng phòng TN&MT, ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, sau khi xác định tứ cận của thửa đất, một lần nữa cơ quan chức năng huyện Sa Thầy đi đến thống nhất: “Chúng tôi lập biên bản về ranh giới lô đất (của ông Hồng) có sự chứng kiến của các thành phần trên, được thông qua, có sự đồng ý nhất trí".
"Như vậy, rõ ràng cơ quan chức năng huyện Sa Thầy đã xác định vị trí đất của gia đình tôi, nhưng tôi không nhận được bồi thường" - ông Hồng nói.
Liên quan đến vụ việc trên, được biết sau khi nhận được khiếu nại của ông Nguyễn Đăng Hồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đã vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, việc làm rõ đúng, sai như thế nào, thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cần phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm, tránh khiếu kiện kéo dài để ổn định tình hình địa phương.