Nhiều “tâm thư” cầu cứu đã được gửi đi khắp nơi nhưng đến nay những thắc mắc của người dân vẫn chưa được giải đáp. PLVN đã có cuộc tìm hiểu vấn đề này.
Không đóng góp, không được chứng nhận giấy tờ?
Nhiều tháng nay, câu chuyện về con đường bê tông nông thôn ở xã Cao Bồ chưa hết “nóng”. Nhiều gia đình chạy vạy khắp nơi cũng chẳng vay đủ được khoản tiền để “đóng góp” làm đường. Không đóng đủ tiền, chính quyền sở tại không xác nhận cho bất kỳ một loại giấy tờ, thủ tục nào.
Một người dân ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên cho biết: “Theo quy định của xã, mỗi hộ phải đóng tạm thời 2 triệu đồng để làm đường bê tông. Nhà tôi khó khăn nên không có, vay mãi mới được một triệu đồng để nộp. Nhưng khi tôi lên xã xin dấu xác nhận để làm lại sổ đỏ thì không được cán bộ hành chính chấp thuận vì tiền đóng góp vẫn còn thiếu”.
Hoặc một trường hợp khác có cháu ngoại đột ngột lâm bệnh nặng phải đi cấp cứu, theo quy định, nếu có giấy xác nhận là người dân vùng 3 (vùng miền núi khó khăn) sẽ được miễn viện phí, thế nhưng, quyền lợi chính đáng ấy đã bị từ chối thẳng thừng, vì gia đình ông không “nộp” đủ các khoản tiền đã quy định.
Thực tế trên đã khiến nhiều gia đình chưa đóng được tiền không dám đến xã xin dấu vì biết có đến cũng mất công mà còn bị thúc giục nộp tiền. Hoang mang, lo lắng, bà con đã cùng nhau gửi nhiều đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp trên để “cầu cứu”, có lá đơn kèm theo chữ ký của 37 hộ gia đình.
Lý giải về việc này, ông Đặng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, xác nhận: Đúng là chúng tôi không chứng thực khi các gia đình chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp các khoản phí như an ninh quốc phòng, bảo trợ trẻ em, quỹ nhân đạo… Trong khi làm thủ tục chứng thực, chúng tôi cũng có “gắn một tí" việc đóng tiền đường để kiểm tra xem hộ nào đóng rồi, hộ nào chưa mà nhắc nhở…
Đầu tháng 3/2013, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên đã ký Quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán công trình đường xi măng trung tâm xã Cao Bồ đi thôn Lùng Tao (2 km giai đoạn I), giao cho UBND xã Cao Bồ làm chủ đầu tư. Thông tin này khiến bà con vô cùng phấn khởi và hi vọng một ngày gần nhất sẽ thoát khỏi cảnh lầy lội đã tồn tại từ bao đời.
Theo dự toán, nguồn vốn được lấy từ ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Công trình có tổng giá trị dự toán trên 2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 1,3 tỷ đồng. Ngay khi bắt tay vào thực hiện, xã Cao Bồ đã giao cho thành viên Ban chỉ đạo xuống các thôn và đưa ra chủ trương mỗi hộ gia đình đóng góp 2 triệu đồng để xây dựng 2 km đường.
Theo đông đảo người dân, việc đóng góp kinh phí làm đường họ không hề được bàn bạc từ trước, chỉ khi xi măng và vật liệu xây dựng đã chở vào thôn thì cán bộ xã mới thông báo. Việc làm này khiến nhân dân càng bức xúc hơn khi xã Cao Bồ giao cho Trưởng thôn thu số tiền bình quân 2 triệu đồng/hộ, thậm chí cả hộ có người tàn tật, thuộc diện đang hưởng chế độ chính sách bảo trợ xã hội… Đối với các xã miền núi khó khăn, việc đóng một lúc vài triệu đồng không phải là số tiền nhỏ, trong khi thôn Thăm Vè có 113 hộ thì có tới 96 hộ thuộc diện trung bình và nghèo.
Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường liên thôn từ trung tâm xã Cao Bồ đi thôn Lùng Tao có tổng chiều dài khoảng 9 km mới chỉ triển khai giai đoạn I, số tiền 2 triệu đồng/hộ cũng chỉ là tạm thu. Theo kế hoạch, tổng tuyến đường nếu được xây dựng xong sẽ tốn hơn 8,3 tỷ đồng; Nhà nước hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng; số tiền hơn 5 tỷ đồng còn lại do 250 hộ dân ở 3 thôn Tát Cao, Thắm Vè, Lùng Tao tự đóng góp, trung bình mỗi hộ sẽ phải đóng gần 21 triệu đồng nếu muốn hoàn thành tuyến đường liên thôn. Con số ấy khiến nhiều người dân miền xuôi còn phải giật mình chứ nói gì đến đồng bào miền núi.
Người dân bức xúc cách làm việc của chính quyền
Ông Cháng Văn Sơn (ngụ thôn Thăm Vè, xã Cao Bồ) - người đại diện cho 37 hộ dân viết đơn khiếu nại bức xúc: Việc xây dựng nông thôn mới, Nhà nước và nhân dân cùng làm là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng phải làm thế nào cho hợp tình hợp lý, hợp với điều kiện hoàn cảnh của dân thì dân mới phục… Trong làng còn nhiều gia đình nghèo, có những trường hợp tàn tật, ăn còn không đủ mà xã thu bình quân như vậy là rất bất cập.
Để giải quyết những thắc mắc trong đơn khiếu nại của nhân dân, một buổi làm việc bao gồm cán bộ tỉnh Hà Giang, cán bộ huyện Vị Xuyên và lãnh đạo xã Cao Bồ đã được tổ chức tại thôn Thăm Vè vào ngày 15/1/2014, nhưng vắng mặt các hộ dân có tên trong đơn khiếu nại. Lý do được ghi rõ trong báo cáo là cán bộ thôn có mời nhưng không ai đến.
Qua tiếp xúc trực tiếp, đông đảo người dân đều một mực khẳng định chưa hề nhận được bất kỳ một giấy mời hay thông báo nào để tham dự cuộc họp trên. Người đại diện cho nhân dân đứng đơn khiếu nại, ông Cháng Văn Sơn còn nhất quyết sẽ cùng với bà con viết đơn “giãi bày” để gửi lên cơ quan cấp trên. Bởi theo ông Sơn, việc báo cáo được viết ra như thế là không đúng.
Một vấn đề nữa khiến cho bức xúc của người dân tăng cao là chất lượng công trình xây dựng đường không đảm bảo. Theo dự toán công trình, đường bê tông có bề rộng 3 m, dày 18 cm, bên dưới có làm móng đá dăm sỏi sạn lu chèn chặt. Hiện nay, con đường dài 2 km (giai đoạn I) mới chỉ hoàn thành được khoảng 70%, phần còn lại do nhiều khúc mắc về kinh phí nên vẫn còn để… chờ giải quyết.
Theo phản ánh của người dân cũng như ghi nhận thực tế của phóng viên, chiều dày của đường chưa tới 10 cm, bên dưới toàn cát chứ không có sỏi và đá dăm. Nhân dân lo lắng, nếu chất lượng công trình như vậy thì chả mấy mà con đường tiền tỷ sẽ hỏng, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân. Về việc này, ông Cháng Văn Chanh - Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên lý giải: Do chưa có kinh nghiệm, trong quá trình thi công cũng không có sự giám sát thường xuyên nên khó tránh khỏi sai sót.
Gần một năm đã trôi qua kể từ ngày thi công, con đường 2 km vẫn chưa thể hoàn thành, lòng dân bức xúc… Việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn là cần thiết nhưng với cách làm như vậy, thiết nghĩ, Đảng bộ và chính quyền xã Cao Bồ cần nghiêm túc xem xét lại.