“Cao cấp” kiểu vận chuyển rác và người cùng thang máy
The Manor Crown Tower là công trình nhà phức hợp cao tầng thuộc dự án khu văn phòng và nhà ở tại lô LK2, khu A, đô thị mới An Vân Dương. Chủ đầu tư là Cty CP bất động sản Minh Điền Vital.
The Manor Crown có 6 tầng khối đế (tầng 1 đến 4 là 50 căn shophouse; tầng 5 và 6 là tầng dịch vụ); hai tháp đôi từ tầng 7 đến tầng 19 tổng cộng 200 căn hộ.
Theo quảng cáo, “Sống ở The Manor Crown Huế mà cứ ngỡ như giữa lòng Paris”, “Phong cách sống châu Âu giữa lòng Cố đô”, “Chiếc vương miện lộng lẫy giữa TP Huế”. Chủ đầu tư quảng cáo “luôn chú trọng tiến độ, chất lượng xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và vận hành quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ; chú trọng chất lượng những tiện ích nội khu đặc quyền, đầu tư mạnh về cơ sở vật chất theo chuẩn 5 sao; chăm chút đến từng phào chỉ, ban công, ô cửa, màu sơn cho đến mái ngói”.
Tuy nhiên, khi dọn về khu chung cư này sinh sống, nhiều cư dân cho rằng có cảm giác mình đã “bị lừa” vì chất lượng dự án không khiến họ hài lòng. Chị Đỗ Thị Ý Nhi (35 tuổi, chủ căn hộ B-1003) cho biết mình bỏ ra hơn 2 tỷ để mua căn hộ nơi đây. “Một khu chung cư được quảng cáo là “đẳng cấp” nhưng thực tế không phải vậy”, chị nói.
“Lúc thỏa thuận, chủ đầu tư hứa mỗi tòa nhà sẽ có 3 thang máy đưa cư dân lên tới tầng 19. Thế nhưng hiện chỉ có 2 thang, còn một thang chỉ lên tới tầng 6. Cư dân đông, nhà cao tầng, cảnh chờ thang máy rồi sẽ thành “đặc sản”. Chủ đầu tư đã thỏa thuận mà không thực hiện đúng”, chị Nhi nói.
Còn có bức xúc về chuyện rác. Theo thiết kế, rác ở các tầng được cư dân tập kết, thả vào ống rồi tự xuống tầng hầm, có hệ thống thông hơi. Thế nhưng chủ đầu tư lại không thực hiện đúng như thiết kế, mà làm thủ công khi cho người đi thu gom ở phòng rác, kéo ra, đưa xuống thang máy đi đổ. Việc làm này khiến cư dân khó chịu vì mùi hôi và không xứng tầm “cao cấp”.
Ngoài ra, khi rao bán chủ đầu tư hứa sẽ chăm chút đến từng ban công, ô cửa, màu sơn. Thế nhưng khi những mảng tường ngoài lô gia bị bong tróc, cư dân nhiều lần trình báo nhưng ban quản lý tòa nhà chỉ dừng lại ở việc “hứa” sẽ gọi nhà thầu lên xem lại.
Một cư dân bức xúc: “Rao bán quảng cáo sẽ có vườn treo, bể bơi hiện đại nhưng có thấy vườn treo ở đâu? Còn bể bơi dài tầm 10m, chiều sâu tối đa 1m6; giá tắm một lượt lên tới 250 nghìn. Cư dân không chấp nhận những chuyện lừa dối, “thổi phồng” này”.
Bên cạnh đó, chung cư được quảng bá “an ninh tuyệt vời”. Tuy nhiên thực tế người lạ ra vào khu này rất dễ dàng, không bị kiểm soát, thậm chí barie gác chắn cũng không có. Cách đây 3 tháng chủ căn hộ B-1408 bị kẻ trộm mở cửa trộm đồ trong nhà. Hỏi ra mới biết bộ phận quản lý chung cư đã giữ chìa khóa căn hộ này rồi làm mất.
Nhiều cư dân thất vọng với “Chiếc vương miện lộng lẫy giữa TP Huế”. |
Nhiều cư dân cho rằng họ phải tự bỏ tiền ra thuê điều chỉnh cao độ đầu phun, đầu báo cháy, dù trước khi bàn giao nhà thiết bị này đã nghiệm thu. “Lúc chúng tôi hoàn thiện nhà thì hệ thống PCCC không phù hợp, đành phải thay đổi. Không biết nhà đầu tư tính toán thiết kế như thế nào mà cũng phải bỏ tiền triệu, thậm chí lên tới chục triệu để làm việc này, quá thiệt thòi cho khách. Việc này là do nghiên cứu, thiết kế kém mà ra”, anh Đặng Văn Bảo Phước (chủ căn hộ B-904), nói.
Chủ đầu tư: ““Cao cấp, hiện đại” là tùy quan điểm mỗi người”
Trả lời những vấn đề cư dân phản ánh, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thanh Tú (Phó Phòng quản lý khu đô thị, Cty Minh Điền Vital) cho rằng nơi đây đã có nhiều cư dân vào ở. Tuy nhiên, do chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ bên Sở Xây dựng nên tòa nhà chưa chính thức đi vào hoạt động, dù đã có vận hành.
Về bể bơi, vườn treo, bà Tú cho rằng “cao cấp, hiện đại” là tùy quan điểm mỗi người. “Bể bơi của The Manor Crown sử dụng công nghệ khử trùng bằng muối là hiện đại. Còn vườn treo thì có cây ở tầng 6. Có lẽ vườn không dính mặt đất gọi là vườn treo”, bà Tú cười.
Vấn đề cư dân gửi chìa khóa nhưng bị phòng quản lý làm mất, bà Tú cho biết giữ chìa khóa của cư dân để dùng trong trường hợp khẩn cấp như ngập nước, hỏa hoạn ... “Công nhận bên mình quản lý chưa tốt nên mới xảy ra chuyện mất chìa khóa”, bà Tú nói.
Việc an ninh không tốt, thiếu barie gác chắn, bà Tú lý giải, tòa nhà rộng, bảo vệ còn phải đi tuần nhiều nơi, làm nhiều việc khác. “Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng. Hạ tầng đó đã bàn giao lại cho tỉnh. Tỉnh đã quản lý nên việc mình đặt barie ngăn cách sẽ vi phạm nên không thể đặt được”, bà Tú nói.
Còn thang máy, khi rao bán mỗi tòa 3 thang phục vụ cho khu dân cư nhưng thực tế thiếu 1 thang, bà Tú không trả lời được và chỉ nói “không rõ hồi đầu kinh doanh như thế nào”.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy không hợp lý, cư dân phải tự bỏ tiền thiết kế lại. |
Về việc cách xử lý rác hiện tại khác với hợp đồng mua bán, đại diện Minh Điền Vital cho rằng “có những ưu điểm của việc thu rác thủ công”, còn vì sao khác với thiết kế thì không trả lời không.
Mảng tường phía ngoài rơi rớt nhếch nhác, trời mưa nước dễ thấm vào căn hộ, bà Tú nói: “Mình sẽ khắc phục nhưng do bên nhà thầu chậm tiến độ. Việc thi công sẽ có những lỗi, phải tìm cách khắc phục dần dần. Xét cho cùng, dự án bên mình ở thời điểm mở bán đắt nhất Huế nên mọi người quá kỳ vọng vào chữ “cao cấp”. Nhiều tòa chung cư “đẳng cấp” ở Hà Nội cũng tắc nước khi trời mưa to là chuyện thường”.
Việc thiết kế PCCC bất hợp lý, cư dân phải tự bỏ tiền điều chỉnh, bà Tú nói: “Việc này cũng đã xảy ra rồi, bên nào cũng phải chấp nhận thực tế là như vậy thôi (…) Tiếc hay không là việc đã rồi”.
Theo tìm hiểu, tại dự án này, còn có tình trạng giá trông giữ xe cao hơn so với mức quy định của UBND tỉnh, việc bàn giao chậm so với hợp đồng, nhiều vấn đề pháp lý chưa được đảm bảo.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin ở các số báo sau.