Những gã bảo vệ hung hăng
Cuối tháng 2/2013 vừa qua ông N.T – cán bộ một cơ quan tại TPHCM trong lúc dừng xe chờ con trước cửa trung tâm thương mại D.P, trước cửa nhà thờ Đức Bà, Quận 1 đã bị các bảo vệ ở đây “tịch thu” khóa xe? Ông T bức xúc nói, tôi đậu xe ngoài vỉa hè gần hàng cây, ngay sát mép đường và cách xa tòa nhà cả gần 10 mét, thế nhưng không hiểu sao bảo vệ tòa nhà vẫn “mời” tôi xuống đường đứng.
Không đồng tình tôi liền giải thích lại với bảo vệ rằng, vỉa hè là đất công cộng, thuộc quyền quản lý của nhà nước. Chính vì thế người dân có quyền đi lại trên phạm vi này và bảo vệ tòa nhà cũng không có thẩm quyền gì để xua đuổi như vậy…
Không chịu tiếp thu lắng nghe, lực lượng bảo vệ ở đây còn hành xử rất côn đồ khi rút chìa khóa xe của ông T, đồng thời yêu cầu ông T vào… lập biên bản. Bức xúc, ông T bỏ luôn xe và đến tố cáo các cơ quan chức năng.
Làm việc với PV báo Pháp luật VN, đội trưởng đội bảo vệ và quản lý tòa Trung tâm D.P đều thừa nhận sai phạm khi buộc người dân rời khỏi vỉa hè công cộng, đồng thời đề nghị được xin lỗi và giao trả lại chiếc xe cho ông T. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ của các bảo vệ đối với người dân, trong khi vỉa hè không thuộc quản lý của Trung tâm thương mại.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đáng báo động về cách hành xử lạm quyền của lực lượng bảo vệ hiện nay. Nhiều người hẳn còn chưa quên vụ bảo vệ đánh người xảy ra tại quán cơm Minh Đức, Quận 1, TPHCM hồi năm 2010.
Sau khi ăn tối tại quán cơm Minh Đức ra về, ông Lê Văn Ngai (62 tuổi, quốc tịch Hà Lan) nhờ nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ bảo vệ mô tô Thành Công làm nhiệm vụ giữ xe cho quán cơm lấy giùm xe. Tuy nhiên, bảo vệ không giúp khách mà còn nạt: “Mày qua bên kia đường mà lấy!”.
Ông Ngai vừa lên tiếng góp ý thì ba bảo vệ xông đến đánh tới tấp, dùng roi điện chích ông Ngai té xuống đường. Khi ông Ngai gượng dậy, chạy ra đường nhờ người gọi cảnh sát 113 thì thêm bảy nhân viên bảo vệ của Công ty Thành Công đi xe ô tô đến vây đánh, chích điện ông lần hai. Kết quả, ông Ngai bị thương tích 8%. Ba nhân viên bảo vệ bị bắt giam và truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Một vụ đánh người khác mới diễn ra cuối tháng 5/2011 khiến dư luận bất bình không kém về lực lượng này. Đó là nhóm bảo vệ của tòa nhà The Everrich trên đường Lê Đại Hành (Phường 15, Quận 11, TPHCM) tấn công các học sinh trung học khiến nhiều em phải nhập viện.
Tối 30/5, 41 học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cùng hai cô giáo tổ chức tiệc chia tay tại tòa nhà The Everrich. Tiệc tàn, các em ra về có đùa nghịch, lớn tiếng thì bị bảo vệ nhắc nhở, hai bên lời qua tiếng lại. Khi xuống tầng hầm, sự việc lại căng thẳng khi một học sinh bị mất mũ bảo hiểm nên hỏi bảo vệ, dẫn đến cãi nhau. Thấy bạn gái bị bảo vệ chỉ tay vào mặt, một nam sinh dùng mũ lao vào tấn công. Lúc này các bảo vệ tập trung kéo xuống tầng hầm bao vây, dùng hung khí tấn công nhóm học sinh khiến 5 em phải nhập viện. Có em tỉ lệ thương tật 12% phải bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Công an Quận 11 đã khởi tố, bắt giam bảo vệ tên Phạm Bá Dũng.
Tuyển chọn tràn lan?
Theo báo cáo của cơ quan chức năng TPHCM, hiện toàn TP đã có gần 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ ra đời với hàng chục ngàn người làm việc trong lĩnh vực này. Chính vì thế có thể nói loại hình kinh doanh này đã phát triển với tốc độ chóng mặt.
Mặc dù người dân để xe trên vỉa hè nhưng bảo vệ tòa nhà D.P, Q.1 vẫn xua đuổi |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ở hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ, tiêu chuẩn chung để tuyển dụng nhân viên thường là nam cao trên 1,68 m, cân nặng trên 57 kg; nữ cao trên 1,58 m, nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, trong độ tuổi lao động, dẻo dai, nhanh nhẹn, tư cách tốt, lý lịch trong sạch.
Nhiều đơn vị đặc biệt ưu tiên tuyển dụng những người đã qua quá trình đào tạo của bộ đội và công an. Về học vấn, các nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp THPT. Nhưng đó là trước đây, đến thời điểm bây giờ tình trạng còn thảm hại hơn. Nhiều doanh nghiệp không cần quan tâm đến chất lượng mà tuyển dụng ào ạt, chưa đủ tuổi, chiều cao, cân nặng không đủ cũng cho qua hết.
Việc đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức pháp luật, giáo dục về đạo đức cho nhân viên cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế nhiều bảo vệ có lời lẽ, cử chỉ thiếu lịch sự, thậm chí đánh người, hành xử côn đồ… diễn ra ngày càng phổ biến như “cơm bữa”, khiến người dân hoang mang lo lắng.
Phải tuân thủ pháp luật
Theo LS Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa, TPHCM: Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã tương đối đầy đủ. Vấn đề chỉ là việc áp dụng thực hiện và cơ chế giám sát của các cơ quan quản lý tới đâu.
Cụ thể là tại Điều 9 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP (về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ), gần đây nhất là Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn đều quy định rõ “DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đăng ký mức vốn pháp định là 2 tỉ đồng”.
Nhưng thực tế là hiện có mấy doanh nghiệp làm được điều này? Riêng phạm vi tác nghiệp của các bảo vệ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, ngân hàng… liên quan đến phần vỉa hè trước cửa những trụ sở này LS Lễ cho rằng: Các bảo vệ chỉ có thẩm quyền quản lý nếu các đơn vị trên có chứng nhận quyền sử dụng phần đất này, còn không nó là của Nhà nước và đương nhiên các bảo vệ chiếm dụng, xua đuổi người dân ra khỏi khu vực vỉa hè là việc làm trái pháp luật.