Tháng 12/2011, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được khởi công. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng Việt Nam.
Ngay những ngày đầu hay tin có cầu ngang sông, nhân dân 2 tỉnh, thành phố trên vô cùng hồ hởi vì giao thông đi lại sẽ thuận tiện, không còn cảnh đò giang cách trở. Nhưng chỉ một thời gian sau ngày khởi công, bà con ở đây bỗng gặp chuyện phiền toái.
Theo phản ánh của hàng chục hộ dân sống ở thôn Trại Trì, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình thi công Dự án cầu Vĩnh Thịnh, Xí nghiệp Cầu 17 (TCty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco 1) ép, khoan cọc bằng các thiết bị có công suất cực lớn đã gây nên chấn động mạnh khiến một loạt nhà dân và nhiều công trình phụ trợ khác của họ bị nứt và sụt lún nghiêm trọng.
“Nhà tôi cấp 4, xây từ năm 1998, suốt nhiều năm qua vẫn vững chãi không có vấn đề gì. Nhưng từ cuối năm 2011, khi Xí nghiệp Cầu 17 triển khai dự án thì nhiều nhà, trong đó có nhà tôi bị nứt chằng chịt…” - ông Nguyễn Mạnh Quân (xã Vĩnh Thịnh) phản ánh với PLVN.
Được biết, trước khi xảy ra sự cố nêu trên, nhân dân ở đây đã hết lòng tạo điều kiện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (PMU Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải) và nhà thầu, nhưng kể từ khi dự án triển khai đến phần trụ cầu thì nhà dân “rung” lên theo từng nhịp búa ngoài công trình, do vậy đã phát sinh tình trạng chống đối, cản trở thi công.
Theo thống kê, cuối năm 2013 tại địa bàn thôn Trại Trì có gần 70 hộ phải chịu ảnh hưởng do nhà ở, công trình phụ có hiện tượng rạn nứt; tại thôn lân cận (thôn Liễu) hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra với rất nhiều hộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh xác nhận: “Chính quyền có nhận được đơn phản ánh tình trạng hư hỏng công trình của gần 150 hộ dân vào giữa năm 2013, nhưng đến nay sau khi đánh giá tác động, Cienco 1 đã bồi thường, hỗ trợ cho dân”.
Tuy nhiên, một số hộ ở Trại Trì thì lại cho rằng họ đã nhiều lần kiến nghị với các cấp liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu… song nguyện vọng được khắc phục sự cố một cách thỏa đáng vẫn chưa được giải quyết. Và đó chính là lý do khiến nhiều hộ sống quanh khu vực này từng đứng ra cản trở việc thi công hai trụ cầu P21 và P34 hồi nửa cuối năm ngoái.
Trả lời về vấn đề này, tại thời điểm đó, đại diện Cienco 1 nói: “Một số hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đã nhận tiền đền bù, song vẫn còn một số hộ cho rằng giá đền bù thấp, chưa nhận tiền nên nhà thầu chưa thể thi công tiếp các trụ cầu”.
Hiện tại, cầu Vĩnh Thịnh đã hợp long. Tổng Giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai trong những ngày cuối năm 2013 tự hào tuyên bố với báo chí rằng, các đơn vị của “Tổng 1” thi công tại dự án trên (trong đó có Xí nghiệp Cầu 17) đều rất tinh nhuệ nên theo ông Lai: “Chỉ 23 tháng kể từ khi khởi công, hình ảnh cây cầu đẹp như dải lụa mềm bắc ngang sông Hồng đã hiện ra trước mắt”.
Thực tế này có thể hiểu cầu xây nhanh thì nhà dân cũng nhanh nứt? Được biết, đến thời điểm này công trình cầu Vĩnh Thịnh chuẩn bị khánh thành, nhà thầu cũng sắp rút, nhưng một số thắc mắc của dân thì vẫn chưa được giải quyết triệt để.