Vì đâu nên tội?
Tìm hiểu sự việc, phóng viên được biết tháng 9/2012, ông Thọ bị mất con trâu đực do chăn thả rông theo tập quán ở thôn bản. Đột nhiên, sau khoảng 3 tháng có một con trâu đi vào vườn nhà ông; kiểm tra khoang khoáy, ông Thọ thấy đúng con trâu của gia đình mình bị thất lạc. Ông làm 5 mâm cơm ăn mừng, cảm tạ tổ tiên đã chỉ đường mách lối cho con trâu trở về. Nhưng đúng một ngày sau khi tổ chức ăn mừng, người hàng xóm là ông Hoàng Văn Hoặc lại nhận đó là con trâu của nhà ông đã bị mất trước đó hơn một tháng.
Vụ tranh chấp trâu đã được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Chấn và TAND tỉnh Yên Bái xét xử, buộc ông Thọ phải giao trả trâu cho ông Hoặc. Ông Thọ thua kiện vì qua xét nghiệm, con trâu có kháng thể vắc- xin lở mồm long móng trong người, trùng với lời khai của ông Hoặc về con trâu bị mất. Cho rằng đó chưa phải là căn cứ thuyết phục, ông Thọ kháng cáo đề nghị giám định tuổi của con trâu nhưng bản án phúc thẩm đã bác đề nghị này vì “việc xác định tuổi trâu bằng phương pháp thông thường có độ chính xác không cao”.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Thọ tiếp tục kiện tới TANDTC. Mong chờ sự soi xét lại bản án nên ông không giao trả con trâu ngay như án tuyên mà giữ lại chăm sóc, chờ ngày được minh oan. Tuy nhiên, hành động thiếu hiểu biết đó đã bị cơ quan Công an huyện Văn Chấn quy cho tội “không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự và ông bị bắt tạm giam vào ngày 1/11/2013.
Cũng theo bà Trường, vài ngày sau khi bắt chồng bà, cơ quan chức năng đã đến bắt luôn con trâu giao cho ông Hoặc quản lý. “Chồng tôi bị bắt tạm giam là quá nặng so với hành vi vi phạm. Tôi rất lo cho sức khỏe của ông ấy vì thấy sức khỏe sa sút nghiêm trọng”- bà Trường lo lắng nói.
Vợ ông Thọ đi kêu oan cho chồng |
Suy nghĩ nông cạn của ông Thọ có nguyên nhân từ một vụ án oan về tranh chấp trâu tương tự như của ông nhiều năm trước trên địa bàn (Báo PLVN đã có nhiều bài điều tra về vụ án oan này). Đó là vụ ông Sa Văn Khạng và ông Hoàng Văn Viên cũng tranh nhau một con trâu lạc vì cả hai trước đó đều bị mất trâu do chăn thả rông. Qua các cấp xử, ông Khạng đều thua nhưng sau nhiều năm, khi TANDTC xem lại bản án, minh oan cho ông Khạng thì người giữ trâu là ông Viên không chịu trả lại trâu. Chính vì “tiền lệ” đó, ông Thọ quyết không giao trâu để nhỡ đâu khi mình được minh oan thì đỡ phải đòi lại trâu từ phía nguyên đơn.
Ông Phạm Mạnh Dũng - người đại diện cho ông Thọ tại Tòa cũng khẳng định cùng với suy nghĩ đơn giản như trên, ông Thọ không hề có một sự chống đối nào như tẩu tán tài sản, chửi bới hay cản trở lực lượng chức năng trong quá trình thi hành án; trong tất cả các lần triệu tập, ông đều có mặt đầy đủ.
“Khi nhận được thông báo của Chi cục Thi hành án, chồng tôi có mặt ở gia đình để cùng làm việc với đoàn cưỡng chế. Chồng tôi cũng đúng hẹn theo giấy triệu tập của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Chấn. Tại cơ quan điều tra, chồng tôi thật thà nói khởi tố là quyền của cơ quan điều tra, nhưng ông ấy không có tội chống đối và đề nghị trước khi khởi tố, cơ quan công an phải xem lại vụ án. Hôm đó, chồng tôi đi xe máy đến xã thì điều tra viên bảo chồng tôi đến Hội trường bản Đồn và bắt giữ luôn. Công an bắt nhưng sau 13 ngày gia đình mới nhận được thông báo bắt tạm giam”- bà Trường cho hay.
Có thể thấy, việc quy cho ông Thọ có hành vi không chấp hành án và bắt tạm giam là hơi nặng. Xuất phát từ nhận thức có hạn nên ông Thọ hành động cảm tính chứ không cố tình cản trở, chống đối; mặt khác, Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định“Tội không chấp hành án” phải thỏa mãn dấu hiệu là cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết mà vẫn cố ý không chấp hành bản án. Trong vụ này, liệu cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế đúng quy định chưa, bởi việc cưỡng chế giao con trâu không khó để thực hiện?
Nhận định về tính chất pháp lý của việc bắt tạm giam ông Thọ, Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cần phải làm rõ vai trò của Thi hành án trong trường hợp này, có căn cứ về việc ông Thọ không hề giấu tài sản, vẫn chăm sóc con trâu bình thường thì không thể khép tội “không chấp hành án”. Chỉ khi có dấu hiệu ông Thọ chây ì, cất giấu, tẩu tán tài sản là con trâu thì mới đủ dấu hiệu khởi tố tội này.
Giả sử có hành vi không chấp hành án thì việc bắt tạm giam cũng không cần thiết vì theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự, biện pháp tạm giam chỉ áp dụng trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Nếu là tội ít nghiêm trọng (như tội không chấp hành án) thì phải kèm dấu hiệu có căn cứ người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đề nghị Công an huyện Văn Chấn xem xét lại sự việc trên, tránh hình sự hóa sự việc, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.