Hướng về quê hương
Là doanh nhân thành đạt tại Sài Gòn, năm 2006 ông Lương Hạnh (SN 1952) về quê hương huyện Đại Lộc lập Cty CP Quảng Cường kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản và du lịch sinh thái.
Ngày 14/5/2007, Cty Quảng Cường được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác, chế biến đá xây dựng tại mỏ đá Tân Đợi, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc. Tiếp đó, ngày 28/9/2007, Cty này được cấp phép sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá.
Ngày 27/11/2008, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 3945 cho phép Cty Quảng Cường khai thác, chế biến vàng gốc tại thôn Hà Thanh, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc. Ngày 04/02/2009, Công an tỉnh Quảng Nam cấp giấy xác nhận Cty đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác vàng gốc và ngày 14/12/2010 UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số A184 cho phép Cty Quảng Cường sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác vàng gốc tại mỏ Hà Thanh.
Đang đầu tư và phát triển, năm 2011 ông Hạnh bị Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố, bắt tạm giam về tội “Mua bán và sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Sau đó, ngày 30/11/2012 VKSND tỉnh Quảng Nam ra cáo trạng truy tố ông Hạnh cùng 5 bị can khác về tội “Mua bán và sử dụng trái phép vật liệu nổ”, với diễn biến vụ án là Cty Quảng Cường dùng thuốc nổ mua để khai thác mỏ đá Tân Đợi chuyển cho một số người là cổ đông Cty hoặc đối tác mà Cty thuê khai thác mỏ để khai thác mỏ vàng Hà Thanh, trong thời gian mỏ vàng chưa được cấp phép sử dụng vật liệu nổ. Tuy nhiên, đến ngày 28/12/2012 VKSND tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án “vì bị can Hạnh bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng”.
Công ty Quảng Cường tiêu điều sau khi Giám đốc Hạnh bị bắt |
Việc ông Hạnh bị ốm là có thật; tuy nhiên, thực tế cho thấy vụ án này có khá nhiều vấn đề cần được làm rõ và xem xét một cách thấu tình, đạt lý.
Theo ông Hạnh, cơ quan chức năng quy kết ông phạm tội “Mua bán và sử dụng trái phép vật liệu nổ” là không thỏa đáng, bởi số vật liệu nổ mà cơ quan điều tra quy kết là trái phép được ông mua có giấy phép của UBND tỉnh Quảng Nam cấp chứ ông không mua lậu.
Sau đó, khi chờ xin cấp phép sử dụng vật liệu nổ để khai thác vàng ở Hà Thanh, Cty có chuyển vật liệu nổ cho cổ đông góp vốn, đối tác ký hợp đồng khai thác mỏ để khai thác vàng ở Hà Thanh, có người không thu tiền, có người thì lấy giá thấp hơn giá mua, điều này cũng được CQANĐT xác nhận.
“Thực tế, mỏ đá Tân Đợi và mỏ vàng Hà Thanh đều được cơ quan chức năng cấp cho Cty; sau đó, năm 2010 chúng tôi được cấp phép sử dụng vật liệu nổ để khai thác mỏ vàng này. Điều đó chứng tỏ chúng tôi làm ăn đàng hoàng, chính đáng. Việc Cty chuyển vật liệu nổ cho anh em khai thác mỏ và chịu lỗ nặng thì cần phải xem động cơ, mục đích của tôi làm gì chứ. Nếu có vi phạm thì cũng chỉ là sai phép, dừng ở mức nhắc nhở, hành chính, thậm chí là rút giấy phép, chứ đã xảy ra hậu quả gì đâu mà bắt tôi” - ông Hạnh bức xúc.
Trả lời báo chí, ông Dương Tấn Bộ - Trưởng phòng PA 92 CQANĐT Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết, hồ sơ đã chuyển cho VKSND tỉnh, việc truy tố, xét xử ông Hạnh có tội hay không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát và Tòa án. Còn Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc Cty Quảng Cường nổ mìn khai thác mỏ chưa có thiệt hại gì cho Nhà nước và nhân dân nhưng do cơ quan điều tra chuyển hồ sơ nên Viện phải giải quyết.
Thực tế cho thấy, dù các dự án mà ông Hạnh đầu tư, kinh doanh tại quê nhà chưa có lãi nhưng với thiện tâm của người con xa quê, ông Hạnh không chỉ được địa phương biết đến bởi đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các loại quỹ của địa phương mà ông còn được nhắc đến như một nhà kinh doanh chân chính. Bởi vậy, việc ông bị khởi tố và bắt tạm giam, dư luận nơi đây ngỡ ngàng cho rằng vụ việc có điều gì đó ẩn khuất. Tất cả đều mong muốn vụ án sẽ được xem xét một cách khách quan, thấu tình, đạt lý.
Ngày 24/8/2012, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Đại Lộc cùng ký Công văn liên tịch gửi VKSND tỉnh Quảng Nam: “Tuy xa quê hương song ông Hạnh lúc nào cũng hướng về quê nhà với nhiều nghĩa cử cao đẹp. Không những đầu tư xây dựng công trình khu sinh hoạt văn hóa làng Quảng Đại (Đại Cường) mà còn hết lòng làm từ thiện với số tiền hàng chục tỷ đồng. Người dân Đại Lộc không quên hình ảnh một nhà từ thiện mặc dù bệnh tật, đi lại và nghe, nói khó khăn nhưng rất sốt sắng đến tận những nơi xảy ra bão lũ lớn, nhất là những năm 2006, 2009 để kịp thời cứu trợ, chia sẻ nỗi mất mát, đau thương với những gia đình bị thiệt hại về người và tài sản”.