Giống như đại đa số các nước thành viên hiện tại của EU, nước Anh không thấy được triển vọng dịch bệnh sẽ bị kiềm chế, kiểm soát và đẩy lùi trong thời gian tới. Chính phủ của ông Johnson giống như chính phủ tất cả các nước châu Âu khác đều chỉ cầm cự trong việc đối phó dịch bệnh cho tới khi có được vaccine (vắc-xin) phòng ngừa dịch bệnh. Quá trình đàm phán với EU để hoàn tất những chuyện còn lại của Brexit có nguy cơ bị phá sản.
Đúng vào thời điểm và bối cảnh ấy, nước Anh và ông Johnson bị thêm cú đòn nữa là đảo quốc nhỏ ở vùng biển Caribe Barbados tuyên bố sang năm 2021 sẽ huỷ bỏ mô hình thể chế tổ chức nhà nước với người đứng đầu nhà nước độc lập là Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị. Việc này lại là một câu chuyện về dùng luật nay để hủy bỏ lệ xưa.
Barbados vốn là một thuộc địa của Anh và trở thành quốc gia độc lập năm 1966. Cho tới tận thế kỷ 20, Anh là một trong những cường quốc thuộc địa trên thế giới, nhưng rồi đế chế và hệ thống thuộc địa của Anh tan rã mà thực dân Anh không thể ngăn cản và cứu vãn được. Thực dân Anh vớt vát bằng cách thành lập một tổ chức níu kéo các nước thuộc địa cũ với tên gọi là Khối Thịnh vượng chung. Barbados là thành viên của tổ chức ấy.
Tuy với mức độ tổ chức rất lỏng lẻo, Khối thịnh vượng chung trên danh nghĩa chính thức vẫn là một tổ chức mà hạt nhân là Anh. Trong tổ chức này có cái lệ chung là các thành viên đều có quy chế pháp lý của nhà nước quốc gia độc lập nhưng người đứng đầu nhà nước lại là người đứng đầu hoàng gia Anh, cụ thể là Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.
Cái lệ này cũng biến đa số các thành viên của Khối thịnh vượng chung áp dụng mô hình nhà nước quân chủ lập hiến, tức là đều có danh xưng Nhà nước cộng hoà nhưng người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa là Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị.
Cái lệ này hiện thân cho mối liên hệ giữa nước Anh và các quốc gia kia trong quá khứ lịch sử. Cho tới nay mới chỉ có Trinidad và Tobago, cùng với Guyana chấm dứt vai trò của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị là người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa chính thức.
Hồi năm 1998, Barbados đã tính đến việc đoạn tuyệt với quá khứ thuộc địa trên đảo quốc bằng việc chấm dứt mô hình tổ chức nhà nước có Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị là người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa chính thức, nhưng rồi không theo đuổi ý định này triệt để đến cùng. Cho tới quyết định vừa mới rồi.
Trong chuyện này, luật quốc gia có thể vô hiệu hoá cái lệ nói trên. Chính phủ Anh không thể không tôn trọng quyết định của các nước thuộc địa cũ về tiếp tục để cho hay không còn để cho Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đại diện trên danh nghĩa chính thức. Thành viên nào của Khối thịnh vượng chung muốn tranh thủ Anh thì sẽ không động chạm gì tới cái lệ này.
Nhưng thành viên nào coi trọng việc thoát hoàn toàn ra khỏi cái bóng và nỗi ám ảnh của quá khứ lịch sử chung với nước Anh thì lại quyết tâm đoạn tuyệt hoàn toàn về pháp lý trên phương diện mô hình tổ chức nhà nước với nước Anh.
Việc luật nay vứt bỏ lệ xưa phản ánh sự chuyển biến trong luật lệ quốc tế và sự phát triển của luật pháp quốc gia trong thế giới hiện đại. Barbados hay Guyana hoặc Trinidad và Tobago đều chỉ là những thành viên nhỏ của Khối thịnh vượng chung. Nhưng việc họ đoạn tuyệt với nước Anh trên phương diện đặc thù này chẳng phải báo hiệu sự rạn vỡ không còn có thể cứu vãn được nữa của tổ chức này hay sao.