Các vụ xét xử của tòa án diễn ra ở hai nơi cách xa nhau và vốn chẳng liên quan gì đến nhau, cụ thể là ở Canada và Trung Quốc nhưng chỉ trên danh nghĩa thì như vậy thôi chứ còn trong thực chất thì lại liên quan và chi phối lẫn nhau, vốn là chuyện luật pháp quốc gia nhưng lại động chạm đến quan hệ song phương giữa nhiều quốc gia với nhau và tới chính trị thế giới.
Ở Canada, tòa án xét xử vụ việc dẫn độ hay không dẫn độ sang Mỹ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ cao Huawei của Trung Quốc. Người phụ nữ này bị chính quyền Canada bắt giữ hồi cuối tháng 12/2018 khi bay quá cảnh qua Canada. Phía Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ và nước này muốn phía Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ.
Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu hợp tác kinh doanh với Iran trong khi Mỹ trừng phạt Iran về kinh tế, thương mại và tài chính. Cho tới nay, phía Canada chưa lần nào khước từ đề nghị của Mỹ về giúp bắt giữ người nước ngoài và dẫn độ họ sang Mỹ. Nếu như phía Trung Quốc không có hình thức hay biện pháp gì làm cho phía Canada nhận thức rằng Canada không thể vì Mỹ mà tùy ý muốn làm gì thì làm, có lẽ chuyện Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian và hợp pháp hóa hình thức.
Ở Trung Quốc, tòa án Trung Quốc đưa ra xét xử 3 công dân Canada. Một người bị cáo buộc buôn bán ma tuý và kết án tử hình là Robert Schellenberg. Mới đây, tòa án ở Trung Quốc đã xét xử phúc thẩm và tuyên y án tử hình.
Một ngày sau, tòa án ở Trung Quốc đưa một thương nhân người Canada ra xét xử về tội hoạt động gián điệp. Người này cùng với một cựu nhân viên ngoại giao người Canada bị Trung Quốc bắt giữ chỉ mấy ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị phía Canada bắt giữ.
Cả hai người đều bị phía Trung Quốc cáo buộc tội hoạt động gián điệp và đưa ra xét xử với bản án là tù nhiều năm. Vừa qua, tòa án ở Trung Quốc đã xét xử phúc thẩm và khẳng định bản án đã tuyên đối với một trong hai người nói trên. Cả hai phiên tòa xét xử đều vào thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử chuyện liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu ở Canada.
Trung Quốc phản đối Mỹ truy bắt bà Mạnh Vãn Châu và phản đối Canada bắt giữ người phụ nữ này. Trong khi đó, Canada cùng Mỹ và một số đồng minh khác nữa phản đối Trung Quốc bắt giữ công dân Canada và đưa họ ra xét xử trước tòa.
Vì những chuyện này mà mối quan hệ giữa Trung Quốc với Canada, Mỹ và với cả một số đồng minh của họ bị ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt trong bối cảnh tình hình chung là mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ nói riêng và với phương Tây nói chung tiếp tục trượt dốc.
Tuy chẳng bên nào công khai tuyên bố hay xác nhận là những chuyện tòa án này có liên quan đến nhau nhưng kết cục cuối cùng rồi sẽ cho thấy chúng liên quan đến nhau, ràng buộc lẫn nhau. Chỉ cần phía Canada quyết định dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ thì những công dân kia của Canada không có cơ hội thoát khỏi vòng lao lý ở Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Canada đều sẽ tìm mọi cách để giải cứu công dân của họ sao cho không bị tổn hại thể diện, không bị coi là yếu thế. Vì tư pháp và chính trị liên quan chặt chẽ với nhau như thế nên chắc rồi đây Trung Quốc, Canada và Mỹ phải thoả hiệp với nhau giải quyết chuyện này.