Cẩu thả, chủ quan và “không loại trừ có tác động tiêu cực”
Theo thống kê của ngành Tòa án, năm 2013 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 0,12%. Riêng trong công tác xét xử án dân sự, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,1% (do nguyên nhân chủ quan 1% và do nguyên nhân khách quan 0,1%); bị sửa là 1,6% (do nguyên nhân chủ quan 1,1% và do nguyên nhân khách quan 0,5%).
Cũng theo số liệu của ngành Tòa án, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án qua mỗi năm đều giảm. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của ngành Tòa án ngày càng có nhiều tiến bộ.
Trung bình mỗi năm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án giảm 0,1%. Tuy nhiên, theo TANDTC, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan tuy có giảm nhưng “chưa được như mong muốn”
Nhìn vào số liệu thống kê của một số Tòa án địa phương cho thấy, trong các vụ án bị hủy do lỗi chủ quan bao giờ cũng có lỗi do xác định thiếu người tham gia tố tụng. Thậm chí có những Tòa án, nguyên nhân này chiếm đến non nửa số án bị hủy.
Lý do được chỉ ra ngoài sự cẩu thả, chủ quan của thẩm phán, thì trong nhiều vụ án do số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quá lớn, lại cư trú ở nhiều địa phương khác nhau khiến cho việc quyết đưa ai vào tham gia tố tụng không khỏi lúng túng.
Trong khi đó, trình độ, năng lực của thẩm phán ở một số tòa án còn có hạn và “không loại trừ có sự tác động tiêu cực” như nhận định của một số ĐBQH khi thảo luận về vấn đề này. Việc xác định thiếu người tham gia tố tụng không đơn giản chỉ là một thủ tục cần thiết trong tố tụng mà khiến cho việc giải quyết vụ án có nguy cơ thiếu khách quan, công bằng, không toàn diện và đầy đủ.
Tăng cường công tác kiểm sát
Pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính… đều có những quy định hết sức cụ thể về người tham gia tố tụng cũng như quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong việc đưa người tham gia tố tụng vào giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc “bỏ sót” người tham gia tố tụng vẫn còn rất phổ biến.
Hệ quả của việc làm này là án có thể bị hủy (nếu được phát hiện), còn không sẽ “lọt” qua cửa các tòa cấp trên để đến thẳng cơ quan Thi hành án dân sự với khả năng dẫn đến tồn đọng rất lớn.
Cấp sơ thẩm “quên”, cấp phúc thẩm vì nhiều lý do cũng không thể phát hiện hoặc phát hiện lỗi này không kịp thời. Có thể lý giải điều này vì khi quyết định tuyên hủy một bản án, không những ảnh hưởng đến thành tích thi đua mà còn “đánh thẳng” vào tiêu chuẩn tái bổ nhiệm thẩm phán, vì một thẩm phán trong một nhiệm kỳ nếu để tỷ lệ án hủy vượt quá phần trăm cho phép sẽ bị dừng bổ nhiệm. Vì thế, nhiều khi phát hiện sai sót trong tố tụng thì cũng không loại trừ tâm lý nể nang , né tránh…
Tăng cường năng lực cho đội ngũ thẩm phán, thường xuyên thanh tra, kiểm tra... là những giải pháp mà ngành Tòa án đặt ra để giảm thiểu tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, trong đó có việc bỏ quên người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một giải pháp không kém phần quan trọng là ngành Tòa án cần “nhìn thẳng vào sự thật”. Bản án dù trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, nếu như phát hiện có sai phạm (qua kháng nghị của VKS, kiến nghị của cơ quan thi hành án hoặc các cơ quan có thẩm quyền, qua đơn thư khiếu nại, kháng cáo...) đều phải được xem xét một cách nghiêm túc.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương và kiên quyết không tái bổ nhiệm với thẩm phán có án bị hủy do lỗi chủ quan cũng là một giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cơ quan kiểm sát trong việc kiểm sát các loại án nhằm phát hiện các bản án quên người tham gia tố tụng để kháng nghị kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên trong tố tụng.