Gia tăng nguy cơ sảy thai không báo trước
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hầu hết các nước trên thế giới hiện đối mặt với một vấn nạn vô cùng nghiêm trọng - ô nhiễm không khí. Trên toàn thế giới, kết quả một nghiên cứu được công bố hồi tháng 11 vừa qua cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra thêm 120 trường hợp tử vong mỗi năm trên 100.000 người.
Ở châu Âu, mặc dù kiểm soát mức độ ô nhiễm nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các khu vực khác, con số vẫn ở mức tới 133 ca tử vong/100.000 người. Theo một thống kê, trong năm 2016, tại các nước thuộc EU có trên 400.000 ca tử vong sớm do tình trạng ô nhiễm không khí. Khoảng 40-80% các ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí được xác định là do đau tim, đột quỵ và các loại bệnh tim mạch khác do khói bụi của việc ô nhiễm không khí gây ra.
Ô nhiễm không khí tác động xấu đến sức khỏe và tính mạng của tất cả các nhóm tuổi nhưng đặc biệt nghiêm trọng với người già và trẻ nhỏ. Thai phụ cũng là nhóm dễ bị tổn thương do tình trạng này. Các nghiên cứu được công bố trước đây đã cho thấy sự liên quan giữa ô nhiễm không khí và các biến chứng thai sản.
Tuy nhiên, nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ 4 trường đại học và Học viện khoa học Trung Quốc được đăng trên “Tạp chí Thiên nhiên bền vững” mới đây đã làm sáng tỏ một khía cạnh trước đây ít được nghiên cứu khi nói về vấn đề ô nhiễm không khí, đó là tình trạng sẩy thai “âm thầm”, tức việc bào thai bị chết hoặc không phát triển do các tác nhân xấu trong không khí.
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố, nhóm nghiên cứu đã theo dõi quá trình mạng thai của hơn 250.000 phụ nữ ở Bắc Kinh từ năm 2009-2017. Kết quả, có tới 17.497 (chiếm 6,8%) số thai phụ bị sẩy thai mà không có dấu hiệu gì cảnh báo trước. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với lượng lớn các chất ô nhiễm như SO2, CO hay khí ozone (O3) ở mặt đất có liên quan tới nguy cơ bị sẩy thai âm thầm trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Điều này được thể hiện ở các số liệu thống kê mà các nhà nghiên cứu đã thu thập được thông qua việc sử dụng thiết bị từ các trạm giám sát không khí gần nhà và nơi làm việc của những phụ nữ để đo mức độ phơi nhiễm của họ với các chất ô nhiễm trong không khí.
Ông Frederica Perera (Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Columbia) cho rằng phát hiện của nghiên cứu trên là phù hợp với các nghiên cứu khác về ô nhiễm không khí và mất thai. Vị giáo sư cũng cho hay, cùng với các nghiên cứu khác, nghiên cứu này một lần nữa ghi nhận mối liên quan đáng kể giữa các chất ô nhiễm không khí và sinh non.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu của Anh cũng vừa công bố kết quả một nghiên cứu mới, theo đó cho hay, việc tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm tác động khá lớn đến trí nhớ của con người, gây mất trí nhớ tương đương tới 10 năm lão hóa. Kết luận này được đưa ra dựa trên việc tiến hành nghiên cứu với 34.000 người đại diện cho các cư dân ở trên 318 khu vực địa lý ở Anh. Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu nhớ 10 từ trong một bài kiểm tra về nhắc lại từ.
Kết quả cho thấy, dù trí nhớ của con người sẽ giảm dần khi họ già đi nhưng những người sống tại các khu vực ô nhiễm nhất của Anh sẽ có trí nhớ tương tự như những người già hơn họ 10 tuổi sống ở những nơi không khí trong lành. “Khi cần nhớ một loạt từ, người 50 tuổi sống ở vùng không khí ô nhiễm như Chelsea sẽ có trí nhớ tương đương người 60 tuổi sống ở Plymouth”, Giáo sư Andrew Oswald - trưởng nhóm nghiên cứu kết luận.
Đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận về mối tương quan giữa không khí ô nhiễm và trí nhớ ở người. Theo kết quả nghiên cứu, trí nhớ con người có thể bị suy giảm nghiêm trọng khi sống ở những nơi có bụi mịn (PM10) và có nitrogen dioxide (NO2) ở mức cao.
Đây là các hạt có đường kính từ 10 micromet trở xuống. Cả 2 đều phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch từ xe hơi và các phương tiện khác, nhà máy điện và khí thải công nghiệp. Kết quả tương tự cũng được thấy trong nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm đối với chuột và các loài vật khác.
Chất lượng không khí xuống thấp
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều nơi trên thế giới những ngày qua trở nên nghiêm trọng. Tại Ấn Độ, thủ đô New Delhi của nước này trong tuần qua đã nhiều ngày liên tiếp chìm trong khói bụi ô nhiễm.
Theo các số liệu quan trắc, chỉ số chất lượng không khí PM2.5 của thành phố này vào giữa tuần qua đã vượt mức 400 trên thang điểm 500, tức ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiệt độ giảm và gió khiến các chất ô nhiễm độc hại lơ lửng trong không khí, làm giảm đáng kể tầm nhìn trong thành phố.
Khói bụi ngập tràn trong thành phố ở Ấn Độ |
Theo một thống kê, trong suốt 2 tháng qua, 20 triệu cư dân sinh sống tại thủ đô của Ấn Độ chỉ được tận hưởng đúng 4 ngày chất lượng không khí ở mức từ trung bình đến hài lòng. Còn lại, hầu hết các ngày trong tháng 12 này, chỉ số chất lượng không khí ở đây đều rơi vào mức rất kém.
Trước đó, hôm 14/11, chính quyền New Delhi cũng đã phải yêu cầu đóng cửa các trường học trên khắp thủ đô do không khí tại thành phố này ghi nhận mức ô nhiễm nghiêm trọng nhiều ngày liên tiếp, với chỉ số chất lượng không khí vượt 9 lần mức an toàn đối với sức khỏe con người theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí thể hiện một cách khá hài hước khi Akshay Thakur - một trong 4 thủ phạm đã gây ra vụ cưỡng hiếp, đánh đập nữ sinh viên đến chết trên xe buýt gây chấn động ở thành phố New Delhi hồi năm 2012 - trong tuần qua lên tiếng đề nghị tòa được miễn hình phạt tử hình bằng hình thức treo cổ với lý do... đằng nào cũng chết vì ô nhiễm không khí!
Còn tại Australia, thành phố Sydney và các khu vực dọc theo bờ biển phía Đông của nước này hôm đầu tháng cũng đã phải trải qua nhiều ngày ô nhiễm nghiêm trọng do ảnh hưởng của khói bụi từ các đám cháy rừng, khiến số người mắc các bệnh về hô hấp tăng đột biến.
Tại Iran, hôm cuối thấng trước, ô nhiễm không khí đã buộc nhiều trường phổ thông và đại học ở nhiều tỉnh, thành của nước này phải đóng cửa. Theo thống kê của Bộ Y tế Iran, ô nhiễm là nguyên nhân khiến gần 30.000 người tại các thành phố của nước này tử vong mỗi năm./.