Điều ấy không có gì là khó hiểu bởi dịch bệnh này đe doạ trực tiếp và thật sự cuộc sống của con người và vận mệnh của quốc gia. Mỗi quốc gia có cách ứng phó riêng nhưng điều giống nhau là vai trò của nhà nước quốc gia trở nên nổi bật và quyết định. Cũng vì thế mà thời dịch bệnh là thời luật quốc gia thắng thế gần như tuyệt đối, luật quốc gia thậm chí còn bất chấp hoặc vô hiệu hoá luật quốc tế, nếu không như vậy thì ít nhất cũng lấn át luật quốc tế.
Chuyện ở đây không phải là nhà nước quốc gia tận dụng thời buổi dịch bệnh để bất chấp hay bào mòn hiệu lực của luật chung cho tất cả mà phải đề cao luật riêng để ứng phó với tình huống đặc biệt khẩn cấp. Luật chung tạo nên cơ sở và khuôn khổ pháp lý cho trật tự thế giới nó chung và cho các mối quan hệ quốc tế.
Trong những tình huống như dịch bệnh hiện tại, nhưng luật chung này chỉ đóng được vai trò rất hạn chế trên phương diện giúp quốc gia liên quan ứng phó dịch bệnh. Đóng cửa biên giới quốc gia hay cách ly bắt buộc do yêu cầu về dịch tễ đối với người nước ngoài là những ví dụ rất điển hình. Những quốc gia liên quan có thể không hài lòng nhưng không thể không chấp nhận quyết sách của nước khác.
Hay như quy định của nước sở tại yêu cầu cả những nhà ngoại giao hay chức sắc của nước khác khi nhập cảnh vào cũng phải cách ly trong thời gian nhất định, cho dù được cách ly tại nà chứ không bị cách ly tập trung, cũng như vậy.
Soi vào luật chung thì không tương thích, nhưng trên thực tế lại rất đúng và cần thiết đối với quốc gia liên quan. Luật riêng được đặt trên luật chung ở đây là do nhu cầu bức thiết của tình thế chứ không phải vì có mục đích chính trị nào, không phải vì mối quan hệ song phương giữa các nước liên quan không được tốt đẹp. Cùng với việc áp dụng những biện pháp chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đối phó dịch bệnh, chính phủ các nước đồng thời vận hành những chế tài cần thiết để nghiêm trị các hành vi không tuân thủ và để răn đe.
Những chế tài này rất đa dạng và đều rất nghiêm khắc. Ở thời bình thường, chúng chắc chắn không tương thích với luật pháp chung cho thế giới. Trong tình cảnh dịch bệnh như hiện tại, chúng lại được người dân ủng hộ và cũng không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào từ bên ngoài.
Qua đó có thể thấy, việc áp dụng luật riêng trong những tình huống đặc biệt và khẩn cấp để xử lý tình huống ấy dẫu có không tương thích ở mức độ nhất định với luật pháp chung thì cũng vẫn được “hợp pháp hoá” theo cách riêng, trong đó có cách hợp pháp hoá không chính thức bằng sự ủng hộ của đại đa số người dân.
Dịch bệnh này vì thế làm thay đổi mối tương quan về phạm vi và mức độ hiệu lực giữa luật riêng của quốc gia và luật chung của quốc tế, hoặc nếu không được như thế thì ít nhất cũng cho thấy mối tương quan kia có thể bị thay đổi như thế nào khi xuất hiện tình huống đặc biệt. Chừng nào dịch bệnh còn hoành hành và chính phủ các nước còn phải dùng luật riêng để xử lý, kể cả khi luật riêng lấn át luật chung, thì chừng ấy việc hợp tác giữa các quốc gia để xử lý mối quan hệ nói trên chắc chắn không được ưu tiên.
Nhưng sau khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi thì cả việc bảo tồn hoàn toàn hiệu lực của luật chung lẫn việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để hoàn thiện hơn nữa luật chung lại trở nên cấp thiết và quan trọng vì quốc gia là bộ phận của thế giới và trật tự thế giới chỉ có thể bền vững, quan hệ quốc tế chỉ có thể bình đẳng, ổn định lâu bền khi nền tảng là luật chung của tất cả chứ không phải là luật riêng của quốc gia.