Những câu chuyện đáng buồn
Ngày 28/5/2019, tại trạm xe buýt thuộc ga Noborito ở Kawasaki (Tokyo) đột ngột xảy ra vụ giết người hàng loạt và tự sát. Một người đàn ông 57 tuổi cầm 2 con dao, điên cuồng lao vào tấn công đám đông, khiến 19 người bị chết (17 học sinh nữ và 2 người lớn). Sau điều tra, cơ quan cảnh sát Nhật thông báo, hung thủ là một Hikikomori.
Vào tuần kế tiếp, một sự vụ giết người khủng khiếp khác tiếp tục diễn ra. Theo đó, một quan chức chính phủ cấp cao nghỉ hưu có tên Hideaki Kumazawa (76 tuổi) đã đâm chết con trai 44 tuổi của mình. Con trai ông Kumazawa vốn sống riêng, chỉ mới về ở với cha mẹ già vào cuối tháng 5/2019. Kumazawa nói rằng, con trai ông có biểu hiện của một Hikikomori và bạo lực với mẹ.
Anh ta cũng tỏ ra bực bội vì tiếng ồn từ một lễ hội của trường tiểu học ở gần nhà. Kumazawa lo sợ con trai cũng sẽ hành động như Hikikomori ở Kawasaki. Thế nên, ông phải ra tay để “diệt trừ một mầm mống tai họa”...
Từ những sự việc nghiêm trọng nói trên cho thấy, xã hội Nhật Bản hiện ngày càng trở nên e ngại về việc hiện tượng Hikikomori bị liên hệ với hành vi phạm tội. Không thể phủ nhận rằng bên cạnh vụ án tại Kawasaki vẫn còn những vụ án khác mà thủ phạm có biểu hiện của một Hikikomori.
Tuy nhiên trên thực tế, nói về bạo lực, các Hikikomori quả thật hay cáu gắt với người thân. 10% trong số họ có hành vi “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với người chăm sóc.
Tuy nhiên, “Hikikomori không phải là tội phạm bạo lực hay bệnh nhân rối loạn tâm thần”, Bác sĩ tâm thần kiêm Giáo sư Đại học Tsukuba, Saito Tamak nhấn mạnh. Họ không mắc bệnh hay ưa thích làm điều ác, mà chỉ đơn giản là những con người yếu đuối, không dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Họ cần phải được trợ giúp để lấy lại lòng tự tin, sau đó tái hòa nhập xã hội. Hiện tổng cộng số tội phạm bạo lực là Hikikomori còn chưa tới 10 trường hợp. Nếu lập bảng so sánh, Hikikomori chính là nhóm người có tỉ lệ phạm tội thấp nhất.
Còn việc nhiều người gán cho họ cái mác “có nguy cơ trở thành tội phạm” khiến việc tái hòa nhập cộng đồng trở nên khó khăn cũng như làm tăng khả năng gây án khi bị chỉ trích, hay bị coi là thừa thãi của xã hội. Bởi vì suy cho cùng, Hikikomori không phải một lối sống do con người muốn chọn.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đương đầu với tình trạng dân số già và sự thiếu hụt lớn lực lượng lao động. Hikikomori đang tạo gánh nặng cho nền kinh tế bởi không chỉ làm giảm lực lượng lao động đang rất cần thiết ở Nhật Bản, họ cũng không thể tự nuôi sống bản thân. Khi gia đình không tiếp tục chu cấp cho họ được nữa họ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Căn bệnh xa lánh xã hội
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Hikikomori là hiện tượng một người tự giam mình trong phòng từ 6 tháng liên tục trở lên, không đi làm, đi học và hầu như không giao tiếp với người khác ngoại trừ gia đình. Những người này hầu hết đều là thế hệ thanh niên Nhật Bản được gọi bằng cái tên “lost generation” (thế hệ lạc lối) hoặc “những người trẻ vô hình”.
Với các Hikikomori, những căn phòng chính là “thánh địa” của họ. Câu chuyện về những chàng trai đã ở trong căn phòng của mình 2 năm, 3 năm thậm chí là 10 năm mà không hề ra ngoài là điều không còn hiếm gặp tại Nhật Bản. Thỉnh thoảng, những cô cậu này có thể đi ra khỏi nhà, nhưng hầu như là không bao giờ.
Có 2 kiểu Hikikomori cơ bản ở Nhật. Kiểu thứ nhất là sợ tiếp xúc xã hội, không dám ra ngoài, đi làm. Kiểu thứ hai là quá mê thế giới ảo, bao gồm từ truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime), trò chơi điện tử (game)... cố ý chết dí trong phòng”, xem - đọc - nghe - chơi cho thỏa thích. Cả 2 kiểu Hikikomori đều chung một đặc điểm: “sống ký sinh”.
Với nền văn hóa coi trọng sự tự lập thì “sống ký sinh” là cách tồn tại đáng chê trách nhất. Người Nhật rất khinh thị những ai sức dài vai rộng mà lại không tự kiếm nổi miếng ăn. Thế nên, các bậc sinh thành có con cái Hikikomori thường không dám để lộ cho bên ngoài biết.
Điểm đặc biệt với nhiều người khi có cơ hội được bước chân vào căn phòng của những hikikomori là đa phần đều khá nhỏ, bừa bộn và không có gì nổi bật. Không gian luôn tối tăm và có phần tù túng. Tuy nhiên, nó cũng không thiếu thứ gì mà một hikikomori cần: những chồng truyện tranh hàng kỳ, video phim, trò chơi điện tử, tivi, máy tính và mạng internet...
Nhu cầu ăn uống của các thanh niên cũng hết sức đơn giản, đôi khi chỉ cần vài hộp mì gói hay đồ ăn làm sẵn là họ có thể sống qua ngày. Nhiều người chọn lối sống “ngủ ngày cày đêm”. Khi mặt trời lên, họ kéo rèm cửa và vùi mình vào trong chăn để rồi khi màn đêm buông xuống, họ sẽ tiếp tục các công việc, sở thích của mình, ngày này qua ngày khác.
Hikikomori đã trở thành một vấn đề xã hội ở Nhật Bản từ những năm 90. Đến nay, theo số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ Nhật Bản, trên cả nước có khoảng 1,15 triệu Hikikomori trong độ 15-64 tuổi. Tuy nhiên, theo bác sĩ tâm thần kiêm giáo sư Đại học Tsukuba, Saitō Tamaki: Phải có tổng cộng chừng 10 triệu người trong độ tuổi lao động mắc hội chứng Hikikomori.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 36,2% chắc chắn là nguyên nhân chính của hiện tượng Hikikomori, mà đối tượng chủ yếu là những người bị sa thải, nhân viên hợp đồng không được gia hạn và không thể tìm được việc làm. Theo đó, trong cuộc vật lộn để tìm việc làm, nhiều thanh niên Nhật Bản bắt đầu sợ gặp gỡ những người khác. Họ thấy rằng đối mặt với cô đơn trong thế giới của riêng mình còn dễ dàng hơn và dần dần rút khỏi xã hội.
Người bị Hikikomori thường không thích giao tiếp với người khác |
Nhất là đối với những người con trai cả, họ có trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình và chịu nhiều sự kì vọng từ cha mẹ. Việc đối mặt với áp lực từ nhiều phía dễ khiến họ cảm thấy bản thân kém cỏi khi không đáp ứng được kì vọng từ những người xung quanh, từ đó nảy sinh tâm lý muốn trốn tránh. Một người sống kiểu Hikikomori bị coi là một kẻ thất bại trong xã hội và là một nỗi xấu hổ cho gia đình họ. Vì thế, các thành viên trong gia đình thường tìm cách che giấu tình trạng này cũng như từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ, khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, bắt nạt học đường cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng Hikikomori ở thanh niên Nhật Bản. Những người trở thành Hikikomori do bắt nạt thường có tâm lý chán ghét bản thân và gặp khó khăn trong việc chia sẻ vấn đề với người khác, kể cả gia đình. Chính vì thế, phụ huynh thường không hiểu vì sao con mình lại đột nhiên trở thành Hikikomori và hay nói những câu thiếu quan tâm như “Phải cố gắng lên”, “Đừng có lười biếng”...
Một trường hợp khác là Ryoji Tan (32 tuổi), là một Hikikomori trong suốt 8 năm. Anh chia sẻ mình thường xuyên bị bắt nạt về tinh thần khi học cấp 2 và sau đó đã quyết định nghỉ học. Mẹ của anh cho là anh có thể tự giải quyết được mọi chuyện nên đã chọn cách im lặng và chờ đợi. Ryoji nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được yêu thương, đặc biệt là khi còn nhỏ”.
Hay trường hợp của Hayashi Kyoko, cô trở nên sống khép kín khi hiệu trưởng trường trung học nói về kỳ thi vào đại học ngay ngày đầu tiên tới trường. “Cuộc sống trung học vui vẻ mà tôi mong đợi đã biến thành “một giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi đại học” và không có gì khác. Điều đó gây sốc với tôi. Tôi cảm thấy mình không thuộc về hệ thống giáo dục cứng nhắc này. Cảm giác này ngày càng bộc lộ rõ ràng bằng những biểu hiện về mặt thể chất và tôi ngừng đến trường”.
Khi lớn hơn, cô bắt đầu làm việc bán thời gian và đối mặt với những chỉ trích từ mẹ mình. Kyoko nói rằng, bà đã “chạm tới giới hạn của cô”, sau đó cô không thể tiếp tục ra khỏi nhà và gặp gỡ mọi người nữa. “Tất cả điều tôi có thể làm là dậy vào giữa trưa, ăn, bài tiết và thở. Tôi cứ như một xác chết vậy. Tôi luôn đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy cuộc đời như vô nghĩa. Tôi cảm thấy tức giận mà không biết hướng vào đâu và luôn kiệt sức”.
Hikikomori không chừa một ai
Nếu như trước đây nhiều người quan niệm, Hikikomori chủ yếu là lớp trẻ thì điều đó hiện nay đã lỗi thời. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một hiện tượng mới, đó là ngày càng nhiều người lớn tuổi Nhật Bản mắc chứng xa lánh xã hội và không thể tìm ra cách tiếp nhận sự giúp đỡ. Những người mắc hội chứng Hikikomori tuổi trung và cao niên cho biết, họ cảm thấy như bị mắc kẹt ở nhà và bị cách ly khỏi xã hội so với thế hệ trẻ, sau khi mất việc hoặc không thể tìm được một công việc mới.
Theo một nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành vào tháng 3/2019, khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15-39 đã tự khép mình trong nhà, xa lánh xã hội. Nhưng điều gây ngạc nhiên lớn là xu hướng này thậm chí còn mạnh hơn ở độ tuổi 40-64, với 613.000 người. Trong số này, 7/10 nam giới và trên một nửa nữ giới đã ở trong tình trạng xa lánh xã hội tới trên 7 năm.
Trong một số vụ việc nổi bật được truyền thông nhắc đến, có nhiều trường hợp bố mẹ 80 tuổi phải chăm sóc cho những người con mắc hội chứng Hikikomori 50 tuổi của họ - một hiện tượng được gọi là “vấn đề 8050”. Khi cha mẹ quá già yếu, những người con Hikikomori của họ đối mặt với tình trạng bất lực khi phải vật lộn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, và hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền cha mẹ để lại cũng như những lợi ích an sinh xã hội của họ để duy trì cuộc sống.
Vào tháng 1/2018, một cụ bà 82 tuổi và con gái mắc hội chứng Hikikomori 52 tuổi của bà được tìm thấy đã chết trong căn hộ của họ ở Sapporo vì lạnh và đói. Cảnh sát báo cáo rằng người mẹ qua đời từ khá lâu trước khi cô con gái dần kiệt sức đến chết.
Theo Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, Hikimomori ở người cao tuổi có thể trở thành một “vấn đề xã hội mới” ở Nhật. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào cuối năm 2016 thông báo một kế hoạch thành lập những trung tâm tư vấn và có nhân viên hỗ trợ các Hikikomori tại nhà để giải quyết tình trạng này.
Vất vả tái hòa nhập cộng đồng
Mặc dù khó khăn nhưng việc giúp đỡ, hỗ trợ Hikikomori tái hòa nhập xã hội càng sớm càng tốt được cho là khẩn cấp nhất hiện nay. Cô Hayashi Kyoko đã tái hòa nhập xã hội khoảng 10 năm trước. Cô đã suýt tự vẫn sau đó gặp được một bác sĩ tâm lý và bắt đầu nói chuyện với những Hikikomori khác. Vào độ tuổi 40, cô bắt đầu quản lý một nhóm chuyên giúp đỡ Hikikomori ở Yokohama nơi cô sống. New Start, một tổ chức phi lợi nhuận cố giúp các Hikikomori bằng cách tiếp xúc và đưa họ tới trung tâm cộng đồng để cùng sinh hoạt với những Hikikomori khác, cho họ trải nghiệm công việc và tạo lập quan hệ xã hội.
New Start có một chương trình gọi là “Rental Sister”, trong đó các tình nguyện viên (được trả phí) đến thăm các Hikikomori tại nhà, trò chuyện, lắng nghe, lôi kéo họ trở lại cuộc sống đời thường. Điều này vô cùng khó khăn bởi hầu hết các Hikikomori tỏ ra bất hợp tác và khước từ mọi tiếp xúc. Phải mất khoảng 1-2 năm để có thể tiếp xúc và đưa họ ra khỏi phòng nếu suôn sẻ và đó mới chỉ là bước đầu tiên.
Anh Shiichiro Matsuguma, một nghiên cứu sinh tại Trường đại học Y Keio, chuyên gia về tâm lý tích cực đã gây dựng một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phục hồi cho các bệnh nhân gọi là Streng Association. Xây dựng thế mạnh nhằm cải thiện lòng tin vào bản thân đồng thời cũng có thể hướng bệnh nhân vào con đường tốt nhất để trở lại xã hội. Anh cho biết 80% đã đi những bước đầu tiên tái hòa nhập như trở lại trường, học đại học hay lớp học nghề.
Các chuyên gia đồng ý rằng không cách nào có thể thay thế cho việc tiếp xúc xã hội trực tiếp. Vì vậy những trung tâm giúp đỡ như New Start có thể xem là cách thức khá hiệu quả bởi nó cung cấp một nơi an toàn cho những người trên con đường hồi phục gặp gỡ những người khác giống họ và học lại những kỹ năng xã hội bị hao mòn.
Nhưng việc mỗi ca một khác khiến việc chữa trị rất khó khăn và chậm chạp, tốn rất nhiều thời gian và sức lực. Chị Ayako Oguri, một người đã có kinh nghiệm 10 năm làm “Rental Sister” cho biết, có những người sau khi đến trung tâm đã trở lại với cuộc sống bình thường nhưng cũng có những người chỉ một thời gian ngắn là quay lại lối sống tách biệt cũ.
Giáo sư tâm lý Kingston hy vọng càng có nhiều phương pháp tiếp cận đa dạng sẽ càng thúc đẩy nhiều hikikomori đi tìm kiếm sự giúp đỡ, học cách giải quyết vấn đề để họ có thể sống một cuộc sống đầy đủ hơn. Xã hội Nhật Bản cũng cần phải nhận ra rằng Hikikomori không chỉ còn là cuộc đấu tranh cá nhân với chứng rối loạn tâm thần, hay một vấn đề gia đình mà là một vấn đề xã hội cần phải được giải quyết một cách toàn diện hơn.
Chính phủ Nhật Bản không chỉ cần giúp những người mất việc tìm được việc làm, mà còn nên giúp họ kết nối với xã hội và sống với lòng tự trọng. Xã hội Nhật Bản cũng không nên xem Hikikomori là một hiện tượng nguy hiểm hoặc đáng xấu hổ, mà nên tiếp cận nó với sự cảm thông và hỗ trợ.
Vốn được coi là chỉ có ở Nhật Bản, nhưng những năm gần đây những trường hợp như vậy đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Hàn Quốc, một phân tích năm 2005 cho thấy đã có 33.000 người trưởng thành rút lui khỏi các mối quan hệ xã hội (chiếm 0,3% dân số) và ở Hồng Kông (Trung Quốc), một khảo sát năm 2014 đưa ra con số 1,9% dân số sống như những người ẩn dật. Các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Pháp... cũng đã xuất hiện tình trạng đáng lo ngại này, đòi hỏi sự nghiên cứu và có những biện pháp kịp thời.
Mối quan ngại về tình trạng sống cô đơn ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu. Năm ngoái, Anh đã bổ nhiệm bộ trưởng đầu tiên phụ trách vấn đề cô đơn và dữ liệu gần đây của Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy khoảng 10% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi được cho là “thường xuyên” cảm thấy cô đơn.