Mỗi người một một công việc lại ở xa nên chúng tôi về đến trường lúc lễ kỷ niệm đã bắt đầu được ít phút. Xếp hàng sau một vài khóa học sinh cũ vào dự, tôi thấy lòng bồi hồi khi nghe giai điệu của bài hát “Yêu mãi trường tôi” do thầy Tào Tuấn Sửu – giáo viên dạy Lý sáng tác dành tặng trường vang lên: “Trường tôi, bên sông Hồng, giữa cánh đồng lúa xanh, miền quê nhãn lồng, một miền quê văn hiến. Trường phổ thông trung học Đức Hợp mến yêu…”.
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm và đón nhận bằng chứng nhận đạt chuẩn Quốc gia của trường. |
Nhớ lại, thầy Nguyễn Hoàng Hồng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày ấy đất nước vừa mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Nhiều nhà giáo đã phải bỏ nghề dạy học để chuyển sang nghề khác: thợ phu hồ, sửa chữa cơ khí… để có tiền ngay nuôi sống gia đình. Các em học sinh bỏ học giữa chừng ngày một tăng nhanh, mỗi lớp chỉ còn hơn chục em. Sổ ghi điểm phải dãn cách 2 – 3 dòng mới ghi tên một em…”
Thế nhưng trải qua 35 năm liên tục và phát triển, đến nay trường đã có cơ sở vật chất ổn định, đội ngũ thầy cô giáo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Dưới mái trường này, bao thầy cô đã miệt mài, tận tâm với công việc trồng người, thầm lặng dâng cho đời những thế hệ học sinh ưu tú, những công dân có ích cho xã hội… Nhờ những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của thế hệ thầy và trò, nhà trường đã vinh dự được công nhận trường chuẩn Quốc gia.
“Tiếp bước các thế hệ đi trước, thầy và trò nhà trường xin hứa sẽ viết tiếp trang sử vàng truyền thống, phát triển trường THPT Đức Hợp thực sự là trường có chất lượng cao về giáo dục toàn diện học sinh, có môi trường giáo dục và rèn luyện tốt để mỗi học sinh có thể phát huy hết khả năng, biết tự học suốt đờ, khích lệ cá nhân vươn tới xuất sắc, đáp ứng được hội nhập toàn cầu”, cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
Nghe thầy cô chia sẻ, tâm sự, chúng tôi thấy thật sự tự hào khi được học tập dưới mái trường THPT Đức Hợp. Đúng là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Vậy mà ngày còn học tập dưới mái trường, đôi khi chúng tôi hay phá phách, nghịch ngợm, khiến thầy cô buồn lòng.
Tôi vẫn nhớ như in nụ cười dịu hiền của thầy Tào Tuấn Sửu dạy môn vật lý mỗi khi phải lên bảng trả bài thầy. Vì học khối C lại là lớp chọn Văn, tôi học môn Lý không được tốt lắm. Mỗi lần bị gọi lên trả bài cũ thầy, tôi lại run bần bật. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của tôi, thầy nở nụ cười hiền động viên. Hay đó là ánh mắt nghiêm khắc của thầy Nguyễn Văn Sơn, chủ nhiệm lớp tôi mỗi khi lớp bị trừ điểm thi đua hay học hành chểnh mảng…
Bị thầy cô nhắc nhở, phê bình khi ấy, học sinh chúng tôi cảm thấy rất buồn và bực mình. Thế nhưng đến ngày hôm nay chúng tôi hiểu sự nhắc nhở nghiêm khắc của thầy, là mong chúng tôi tốt hơn, trưởng thành hơn. Nhờ đó, lớp chúng tôi mới có được sự thành công như ngày hôm nay: Người công an, giáo viên, đứa bác sỹ, nhà báo, kế toán…/.