Tranh cãi tố cáo hay không
Chị Nguyễn Thị Yến (SN 1978, quê miền Trung) vào TP HCM lập nghiệp, lấy chồng, sinh được 2 con gái. Con gái út là bé Na 7 tuổi. Sau ly hôn, một mình chị Yến nuôi hai con với nghề buôn bán tự do.
Năm 2019, 3 mẹ con chị Yến thuê trọ tại một con hẻm ở phường 14, quận Tân Bình. Hằng ngày, chị Yến bán hàng ở đầu hẻm, con gái lớn đi học, bé Na đến trường mẫu giáo. Các ngày cuối tuần, chị nhờ hàng xóm trong khu trọ trông bé giúp để yên tâm bán hàng. Người mẹ ấy không ngờ điều này đã tạo cơ hội cho Nguyễn Văn Chín (làm nghề xe ôm, sống cùng khu trọ) dâm ô bé Na suốt hai năm liền. Sự việc được phát hiện vào buổi sáng 14/4/2019, khi Chín giở trò với bé lần nữa.
Người mẹ bàng hoàng khi thấy vùng kín của con gái sưng đỏ, bé kêu đau và khẳng định bị ông Chín làm đau. Camera khu trọ cũng ghi lại hình ảnh Chín vào phòng trọ của chị rồi đóng cửa lại. “Trước đó, tôi hay đọc báo, xem tivi thấy nhiều đứa trẻ bị xâm hại. Tôi không tưởng tượng được chuyện này lại đến với con mình. Một lần, con kêu ngứa đầu, tôi mua bồ kết về nấu lên gội đầu cho con. Nước bồ kết chảy xuống vùng kín làm con bị rát nên kêu đau. Vậy mà tôi cứ nghĩ, con bị đau là do nước bồ kết gây nên”, chị kể với đôi mắt đẫm lệ vì thương con và tự trách mình.
Chị Yến đến Công an phường 14, quận Tân Bình trình báo sự việc. Biết chuyện con gái bị dâm ô, chồng cũ của chị Yến về mắng chửi chị, yêu cầu dừng việc tố cáo. Họ hàng cũng khuyên chị đừng đưa chuyện xấu hổ của cả dòng họ cho thiên hạ biết. “Người ta hại con tôi vậy mà mình im lặng, không nói, không làm gì là bao che cho tội phạm. Có khi mình càng im lặng, con mình lại tiếp tục là “con mồi” của chúng”, chị Yến chia sẻ.
Chị nghỉ bán hàng, đi gõ cửa từng cơ quan chức năng trình bày câu chuyện của mình. Sau đó, chị được Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em giúp đỡ. Một tháng sau khi chị Yến đưa đơn tố cáo, Chín bị bắt. Tháng 4/2020, đúng một năm sau khi hành vi của Chín bị phát hiện, TAND TP HCM đưa vụ án ra xử phúc thẩm và tuyên phạt Chín 5 năm tù về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Lá chắn bảo vệ trẻ
Đương đầu hay thỏa hiệp là câu hỏi không chỉ đã diễn ra trong suy nghĩ của chị Yến mà đang là mối băn khoăn hiện nay của nhiều gia đình nạn nhân. Trong những ngày gần đây, dư luận và xã hội không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót khi liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Đắk Nông…
Hầu hết các vụ việc đều diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong đó có một số vụ nạn nhân còn rất nhỏ tuổi, để lại hậu quả vô cùng thương tâm. Đặc biệt đáng lưu ý, kẻ thủ ác thường là những người có quan hệ thân thiết, hàng xóm, cha dượng, chủ nhà của trẻ, những người thân của trẻ. Chính vì thế hơn lúc nào hết, gia đình nạn nhân luôn băn khoăn giữa việc đương đầu tố cáo hay thỏa hiệp.
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. |
Bàn về vấn đề này trong tọa đàm cùng tên do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ bị xâm hại tình dục tại Hà Nội”, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhấn mạnh: “Ai cũng có vai trò trong việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại trẻ em, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, là lá chắn bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ. Nếu chẳng may con em mình bị xâm hại tình dục, chúng ta cũng không thể thoả hiệp mà phải đương đầu, phải trình báo để các cơ quan chức năng vào cuộc bắt kẻ thủ ác, đó cũng là cách bảo vệ con mình và cũng bảo vệ để không có trẻ em nào khác bị xâm hại tình dục”.
Một thực trạng đang diễn ra phổ biến là tuy rất nhiều vụ việc đã được trình báo và tố tụng, nhưng sau đó lại có xu hướng chìm đi hoặc kéo dài, khiến cho gia đình và nạn nhân cảm thấy nản chí và không muốn tiếp tục.
Luật sự Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Đối với trường hợp những sự việc kéo dài, nguyên nhân chủ yếu do trình báo chậm trễ. Nếu không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Một số trường hợp gia đình không phối hợp trong quá trình điều tra vì họ không đủ tin tưởng để hợp tác và cũng có thể do họ bị đe doạ không được khai báo, trình báo, hoặc nạn nhân có thể có những thay đổi tâm lý, không muốn hợp tác điều tra. Nhưng nếu im lặng, nạn nhân có thể tiếp tục bị xâm hại. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người tố tụng cũng phải nâng cao hơn nữa thì mới có thể hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân và gia đình”.
Từ góc nhìn kinh nghiệm thực tế khi trực tiếp hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, theo bà Nguyễn Khánh Linh - cán bộ Ngôi nhà Bình yên, những vụ việc của các nạn nhân đến với Ngôi nhà Bình yên đa phần đã xảy ra rất lâu mà không được trình báo. Các nạn nhân gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, đồng thời việc trả lời nhiều lần những câu hỏi trong quá trình điều tra dẫn đến việc tái sang chấn đối với nạn nhân.
Có những nạn nhân mất đến 6 tháng mới bình ổn trở lạ, tuy nhiên họ lại không trở về nhà mà tiếp tục ở lại những tổ chức cộng đồng hoặc mái ấm để hoà nhập. Cũng có những trường hợp, sau thời gian dài điều tra, gia đình lại đổ lỗi cho nạn nhân. Việc theo đuổi tìm lại công bằng cho con em mình đôi khi khiến nạn nhân bị bỏ quên với những tổn thương tâm lý…