Bài hát có lời như “Thiên đàng dành cho anh ông trời dẫn lối. Đi tới trước cổng trời miệng anh nhả khói. Anh biết nơi này từng là khu anh sống. Tiên nữ đâu rồi mau đưa anh vào trong. Địa ngục trần gian anh không thể ở…”.
Vốn dĩ, bài rap nói trên đã nhận không ít phản ứng của dư luận vì lời viết buông thả, có những đoạn ám chỉ đến cuộc sống ăn chơi, trụy lạc. Bởi thế, khi nó được các em nhỏ thể hiện một cách cực kì “sành điệu”, bắt chước người lớn từ lời hát cho đến phong cách “bắn ráp”, khoa tay, múa chân thì nhiều người phải e ngại.
Tuy nhiên, bên cạnh không ít phụ huynh quan ngại thì có một số người lại cổ vũ cho hành động nói trên, đưa ra nhận xét là “đáng yêu”, “về tập cho con thử”… Đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi và các em nhỏ hát trong clip cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được cộng đồng mạng “săn tìm”.
Thực tế, có nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con học thuộc, hát những bài hát dành cho người lớn. Đặc biệt là trong phong trào nhạc rap bùng lên vừa qua. Cha mẹ thích rap, mở suốt ngày, trẻ học hát theo. Cha mẹ thấy thích thú, khuyến khích con, quay clip con mình hát để tung lên mạng. Thế là thành một trào lưu.
Trong khi đó, những đứa trẻ mặt búng ra sữa, đánh tay, lắc chân, miệng đọc những bài rap có ca từ rất thiếu văn hóa, phản cảm, cổ vũ lối sống lệch lạc. Bản thân trẻ khi được nghe những bài hát ấy, đồng thời cũng được xem những hình ảnh hút thuốc, phả khói, ăn chơi thác loạn… Cạnh đó, nhiều bài hát cô đơn, não tình mà cha mẹ yêu thích cũng được dạy cho trẻ con.
Những đứa trẻ nghêu ngao thể hiện những bài hát riêng dành cho người lớn đã là chuyện không quá lạ trong đời sống. Nhưng liệu điều này có tốt cho tâm hồn trẻ thơ? Đối với nhiều người lớn, những đứa trẻ hát bi bô những ca khúc không đúng tuổi có thể chỉ là chuyện để giải trí, không có gì nghiêm trọng. Nhưng, sự hình thành tính cách, nhân cách và thẩm mỹ của trẻ được bắt nguồn từ những điều mà trẻ thụ hường từ lúc mới chào đời cho đến lớn.
Thoải mái cho con tiếp cận, làm quen với rap tục, với ca khúc não tình, người lớn đã vô tình “bơm” vào đầu trẻ thơ những văn hóa phẩm không phù hợp với tâm hồn trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về tinh thần của con trẻ.