Đặc biệt, chiều 5/4, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. Tân Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu “cương lĩnh” hành động của Chính phủ với bốn nội dung lớn. Theo đó, nhiệm vụ thứ hai được xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội.
Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả...”.
Nhiệm vụ nào cũng có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng “nhiệm vụ thứ hai” thấy rõ trách nhiệm nặng nề của các cơ quan tư pháp nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng.
Kế thừa thành quả của Chính phủ khóa 14, Chính phủ chuyển giao (cuối khóa 14 và cả khóa 15) chắc chắn sẽ là Chính phủ hành động, một Chính phủ phục vụ, một Chính phủ năng động, sáng tạo; một Chính phủ kiến tạo phát triển...
Thủ tướng là người định hướng cho hoạt động của Chính phủ. Định hướng chuẩn của người đứng đầu Chính phủ sẽ ra chính sách chuẩn, chính sách chuẩn sẽ ra thể chế chuẩn và cuối cùng là kết quả chuẩn trong thực tiễn triển khai thể chế. Ngược lại, sẽ là kìm hãm, cản trở sự phát triển của xã hội. Việt Nam đang trong bước chuyển sang kinh tế thị trường, bức tranh lợi ích đầy các sắc thái, cạnh tranh phức tạp... nên sẽ có khá nhiều định hướng hoàn toàn khác nhau cho sự lựa chọn.
Dù là phương châm nào đi chăng nữa thì đối với người dân không có gì hơn một cuộc sống bình an, công ăn việc làm ổn định, con cháu được học hành tử tế, có việc ra xã, lên huyện ngày càng dễ chịu hơn và đối với doanh nghiệp, đó là gánh nặng hành chính bớt đi, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn...
Nhân dân, xã hội đang trông đợi và cũng đặt ra nhiều kỳ vọng vào người đứng đầu Chính phủ. Cho dù có sự khác biệt lớn về thể chế chính trị giữa Việt Nam và nhiều nước, nhưng có một điểm chung quan trọng, đó chính là hạnh phúc của con người ở từng đất nước.