Theo thống kê của UBND TP Nha Trang, mùa mưa bão năm 2020, TP có 84 điểm dễ xảy ra sạt lở. Nguy hiểm nhất là những khu vực đồi núi sát khu dân cư, như khu vực sườn núi Hòn Ông giáp khu dân cư Hòn Rớ năm 2018 từng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khu dân cư xóm Núi khiến 14 người chết.
Nguyên nhân sạt lở núi tại Nha Trang những năm gần đây không chỉ do thiên tai bão lũ. Gần đây tình trạng san đất núi, phân lô bán nền vẫn tiếp diễn. Cuối năm 2018, vụ vỡ hồ bơi đang thi công trái phép tại một “khu dân cư cao cấp” trên núi Hòn Xện đã khiến “bom nước” từ trên cao ập xuống, tàn phá khu dân cư thuộc tổ dân phố 1, phường Vĩnh Hòa, 4 người thiệt mạng.
Mới đây, lại một dự án trên núi Hòn Rớ tiếp tục được Khánh Hòa cho phép thi công, khiến dư luận “nổi sóng”. Hàng đời nay, dãy núi này che chắn cho khu dân cư, nay DN cho bạt núi khiến địa hình bị xáo trộn, làm thay đổi dòng chảy, tiềm ẩn hệ lụy khó lường. Dự án còn được tỉnh cấp phép dùng 64,5 tấn thuốc nổ để thi công san nền, nguy cơ tác động đến nền địa chất khu vực. Thuốc nổ không chỉ san phẳng mặt bằng mà còn nguy cơ phá vỡ kết cấu đất đá vốn dĩ đã ổn định hàng ngàn năm. Khi các kết cấu này bị phá vỡ sẽ ngậm nước, càng tiềm ẩn sạt trượt.
Một điều bất hợp pháp khác, dự án này còn không phù hợp với đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1396 năm 2012. Theo tinh thần của Quyết định 1396 thì khu vực núi Hòn Rớ phải trồng rừng, giữ rừng phòng hộ, chứ không phải cấp phép dự án làm đô thị trên núi. Mặc dù không phù hợp quy hoạch chung TP Nha Trang, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án này.
Về phía UBND TP Nha Trang, đã có công văn đề nghị Sở Công Thương xem xét không tiếp tục cấp phép sử dụng vật liệu nổ để thi công tại dự án; đề nghị đánh giá độ an toàn một cách toàn diện khi cấp phép nổ mìn tại dự án. Thế nhưng dự án vẫn triển khai, khối lượng thi công hạ cốt nền đã đạt khoảng 50% dự án, mỗi lần tiếng vật liệu nổ đì đùng là cả khu dân cư lại giật mình khiếp sợ.
Mỗi bản quy hoạch đều là xương sống cho sự phát triển lâu dài, bền vững của một địa phương, bao gồm yếu tố về kiến trúc, kinh tế, dân sinh, an ninh quốc phòng... Dự án đã có dấu hiệu trái luật khi được cấp phép trái với quy hoạch của Thủ tướng; còn nguy cơ phá vỡ kiến trúc của TP Nha Trang, ảnh hưởng đến khu dân cư và kết cấu tự nhiên của cả một khu vực. Rừng là gốc rễ của sự phát triển, bảo vệ môi trường, chống sạt lở khi có thiên tai, nên nếu cứ cho dự án đào núi bạt rừng, hậu quả khó lường. Và người dân Nha Trang đã từng nhiều lần chịu hậu quả từ vấn nạn “xẻ núi làm đô thị”.
Cần thiết phải “khai tử” những dự án từng được cấp phép kiểu tràn lan, không theo quy hoạch như vậy.