Đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu
* Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an:
“Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng… phải chịu trách nhiệm”
Phải thấy rằng dịch bệnh Covid-19 chưa đạt đỉnh lây nhiễm. Chúng ta vừa xuất hiện chủng virus từ Ấn Độ lây lan vào nên mọi người dân Việt Nam cần nhận thức được hiểm họa của đại dịch Covid19 đang treo lơ lửng trước cửa nhà, trong phòng ngủ của mình. Trước tình hình dịch mức độ của lần này, Ban Bí thư đã có chỉ thị, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo rất quyết liệt nên người dân phải đặt mức cảnh giác cao nhất.
Vừa qua Thủ tướng đã cá thể hóa trách nhiệm trong phòng chống dịch Covid-19. Tôi cho rằng, đây là quyết định đúng đắn. Về mặt hành chính, một tỉnh thì chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm, một huyện chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm còn tại các đơn vị cách ly, đồng chí nào phụ trách đơn vị cách ly đó phải chịu trách nhiệm chính. Chúng ta phải làm rõ thế vì vừa qua tại một số cơ sở cách ly để không ít đối tượng bị cách ly trốn ra ngoài.
Mặt khác, tôi cho rằng cần phải điều chỉnh, bổ sung mối quan hệ, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ với nhau trong việc phòng chống Covid. Ví dụ, việc phòng chống Covid tại tuyến biên giới hiện nay. Trong điều kiện Covid đang hoành hành thì mỗi cửa khẩu quốc gia cần giao cho cho một cơ quan chịu trách nhiệm. Bởi hiện nay mỗi cửa khẩu có 5 cơ quan Việt Nam đứng đó mà không ai chịu trách nhiệm chung. Cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu cửa khẩu phải chịu trách nhiệm, để tránh tình trạng như vừa rồi, một loạt người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mà không bị phát hiện thì ai chịu trách nhiệm.
Tôi cũng cho rằng Thủ tướng không nên “đề nghị” mà phải “yêu cầu” cơ quan hành chính, cụ thể là Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng… người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình hình phòng chống dịch. Cùng với đó phải tổ chức khen thưởng và kỷ luật kịp thời các tổ chức, cá nhân đối với việc phòng chống dịch Covid-19. Hội đồng khen thưởng kỷ luật quốc gia cần phải đưa ra quy định bổ sung vấn đề khen thưởng và kỷ luật trong quá trình phòng chống dịch. Bởi tình trạng khẩn cấp, nghiêm trọng hiện nay thì cần có biện pháp khẩn cấp đặc biệt tương ứng.
Tôi cũng cho rằng Bộ Chính trị và Quốc hội cần giao thêm quyền hạn cho Thủ tướng – người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc điều hành phòng chống Covid-19, vì Covid-19 còn kéo dài chứ không phải trong thời gian ngắn. Thủ tướng cần có trách nhiệm, quyền hạn cụ thể trong việc khen thưởng, kỷ luật cá nhân, tổ chức đơn vị trong quá trình phòng, chống Covid-19. Ví dụ, những huyện nào làm không hết trách nhiệm thì Chủ tịch tỉnh có quyền cách chức chủ tịch huyện và tỉnh nào làm không hết trách nhiệm thì Thủ tướng có quyền cách chức chủ tịch tỉnh đó. Việc này cần làm ngay vì nếu chỉ dừng lại ở sự “kêu gọi” và “đề nghị” thì chắc chắn nguy cơ xảy ra các làn sóng dịch khác.
Nếu không quyết liệt rất dễ buông và chủ quan
* Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa 9:
“Cần quy trách nhiệm thật rõ”
Tôi nghĩ rằng, thành tích chống dịch của Việt Nam trong thời gian vừa qua rất tốt khiến cho một số đồng chí lãnh đạo của một số địa phương chủ quan và lơ là trách nhiệm. Chính việc chủ quan này đã làm chúng ta trả giá đợt dịch. Trách nhiệm mỗi cấp có mỗi yêu cầu khác nhau, ở địa phương thì lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm toàn diện về địa phương của mình chứ không thể đổ cho huyện, cho xã. Tôi kiến nghị những người đứng đầu tỉnh để xảy ra tình hình dịch nghiêm trọng mà buông lỏng quản lý cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mình đừng đùn đẩy cho cấp dưới. Vì có nghiêm túc như thế thì cuộc chiến chống Covid-19 của chúng ta mới được ngăn chặn sớm.
Tính đùn đẩy trách nhiệm, trên thực tế đã xảy ra nhiều nơi, nhiều lần chứ không phải riêng lần Covid này. Thành tích thì nhận nhưng khuyết điểm thì đẩy cho cơ quan này, cơ quan khác hoặc cấp này, cấp khác. Tôi nghĩ rằng, đây là tật xấu cần phê phán một cách gay gắt.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhiều người là cần phải có những quy định pháp luật cụ thể về trách nhiệm của từng người đứng đầu. Bởi hiện nay chúng ta đang có tình trạng chung chung nói trách nhiệm nhưng trách nhiệm đến mức nào và xử lý ra sao thì không rõ. Tôi rất đồng tình, với việc Thủ tướng nói: Cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng người đứng đầu đối với từng việc cụ thể chứ không riêng gì việc chống dịch Covid. Chứ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm vẫn khá phổ biến trong điều hành công việc.
* Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:
“Nếu chỉ đạo của Thủ tướng không được thực hiện quyết liệt rất khó tránh nguy hiểm”
Làn sóng dịch lần này đáng lo ngại nhất là các ca dương tính lây lan ra cộng đồng rất nhiều. Tôi cũng đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo PLVN, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng rất khó kiểm soát là khâu giám sát sau khi hết thời gian cách ly đang còn lỏng lẻo.
Theo dõi chặt tình hình dịch bệnh, tôi thấy chỉ đạo của Thủ tướng với thái độ rất rõ ràng và quyết liệt. Chỉ đạo có địa chỉ cụ thể, có người đứng đầu, có người chịu trách nhiệm rõ ràng. Tôi hoàn toàn ủng hộ thái độ chỉ đạo như vậy, nhất là trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Nếu không có thái độ rõ ràng, quyết liệt thì rất dễ buông và chủ quan.
Tôi cũng hoan nghênh các địa phương khi bị Thủ tướng nhắc nhở, người đứng đầu đã tự nhận thấy trách nhiệm của mình. Chống dịch là việc cả nước, cả hệ thống chính trị phải chung sức. Tuy nhiên, tôi thấy ý thức của cộng đồng và trách nhiệm của đoàn thể trong việc chống dịch chưa cao. Vì thế, ngoài sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở, cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn thể nữa, không thể chỉ trông chờ vào mỗi chính quyền và cơ quan Đảng.
Về mặt quy định, tôi thấy Quyết định 878/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12/03/2020 nhằm hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 không quy định, hướng dẫn việc cách ly sau khi cách ly tập trung. Công văn số 425/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19/01/2021 tuy có hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Nhưng đây chỉ là công văn hành chính, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ Y tế cần phải ban hành quy định chặt chẽ, rõ ràng, có tính ràng buộc để quản lý những người sau khi đã cách ly tập trung.
* PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng:
“Các địa phương để dịch lây lan cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay”
Do sự lơ là, sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu của một số địa phương nên hiện nay tình hình dịch của nước ta hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra.
Chính phủ đã quản lý khá chắc nên người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận thấy được ngay nơi nào làm chuẩn, nơi nào làm không chuẩn và đã có sự phê bình đối với những địa phương quản lý tình hình dịch yếu, kém. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa khuyết điểm, một số nơi làm vẫn chưa tốt nên Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm của các địa phương này. Thủ tướng đã chỉ rõ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Theo tôi, người đứng đầu địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm với Chính phủ với nhân dân nếu để dịch bùng phát mạnh mà thiếu sự kiểm soát. Cùng với đó, tôi cho rằng, với các địa phương này, kiểm điểm, rút kinh nghiệm ngay điều hành của mình để sửa chữa những thiếu sót đã xảy ra.
Nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu địa phương là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nên không thể đùng đẩy trách nhiệm cho cấp dưới được. Theo tôi, đến giai đoạn này việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu đã rõ hơn so với trước đây. Trước đây, thành tích thì cá nhân nhận nhưng khuyết điểm là tập thể. Nhưng giai đoạn gần đây, theo tinh thần của Bộ Chính trị các cấp, các ngành đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để ra sai sót. Trong thời gian tới, nếu luật hóa được vấn đề này rất tốt và như thế công việc mới có hiệu quả.
* Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
“Cần chấm dứt nạn nhập cảnh trái phép”
Đợt dịch thứ 4 đang diễn ra hết sức phức tạp, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng đã có sự chủ quan ở một số khâu quản lý. Các cơ quan nhà nước phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đề ra các biện pháp phù hợp với tình hình hiện tại của dịch bệnh.
Trước hết cần ngăn chặn, chấm dứt nạn nhập cảnh trái phép bằng việc tăng cường kiểm soát đường biên không chỉ tại các đường mòn lối mở mà còn tại các phần biên giới khác có khả năng xâm nhập. Với các trường hợp vi phạm phải có chế tài xử lý nghiêm khắc, kịp thời và công khai nhằm tuyên truyền, răn đe.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, không để người dân có tâm lý lơ là, chủ quan khi dịch bệnh tạm thời được đẩy lùi; khuyến khích người dân đưa các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh thành thói quen sinh hoạt, cùng với đó là gắn trách nhiệm cho các cơ quan chính quyền, cơ quan phòng chống dịch bệnh tại địa phương khi để xảy ra sự lây lan dịch bệnh trong phạm vi mình quản lý.