Tuần qua, số ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đã tăng cao kỷ lục, trong đó riêng ngày 10/5 con số ca mắc đã lên tới 125 ca, theo dự báo con số này còn tiếp tục tăng. Đáng chú ý, trong vòng 14 ngày từ 27/4-10/5, dịch Covid-19 đã lan rộng khắp 26 tỉnh, thành trên cả nước.
“Từng người phải tự lo cho chính mình”
Theo số liệu Bộ Y tế công bố tính đến chiều 10/5, đã có tổng cộng 458 ca mắc mới được ghi nhận trong cộng đồng. Trong đó có nhiều ổ dịch lớn như tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K, quán bar Sunny (Vĩnh Phúc), xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh), Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA; đặc biệt đã bước đầu xuất hiện các ca bệnh trong khu công nghiệp, trường học...
Trước diễn biến mới của Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tại tất cả cuộc họp, làm việc trong những ngày vừa qua và các lãnh đạo của Chính phủ đã bám sát các nhiệm vụ, quyết liệt hành động để ưu tiên chống dịch, vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Chính quyền và lực lượng y tế đang căng hết sức mình để chống đỡ, từ lực lượng biên phòng cố gắng xây “thành lũy” tuần tra dọc biên giới để ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài đến đội ngũ y tế nhiều địa phương tung quân sẵn sàng cho kịch bản khủng hoảng y tế nếu dịch bùng nổ trên diện rộng.
Dù vậy, sức người, sức của của quốc gia dù có huy động tối đa cũng có thể không kham nổi áp lực thực tế nếu kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra. Do đó, Việt Nam có thể vỡ trận chống dịch Covid-19 nếu mỗi người dân lơ là ý thức phòng chống dịch. Đặc biệt, lần này, Việt Nam ứng phó cùng lúc với 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 gồm biến thể của Anh và biến thể kép của Ấn Độ, đều là biến thể có tốc độ lây lan nhanh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cho biết, chủng mới lây lan rất nhanh, chỉ 1-2 ngày đã bùng lên nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới: lây ở bệnh viện, trong cộng đồng, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, lây trong khu cách ly… lây từ những chỗ nguy cơ cao. Đáng nói, việc tụ tập đông người (đám cưới, quán bia, lễ hội…), môi trường kín (quán bar, karaoke), những chỗ đông người, gặp nhau giữa những đối tượng không quen biết (như bệnh viện…) là những nơi đặc thù có nguy cơ lây nhiễm cao, rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đắc Phu, người dân cũng không nên hoang mang, lo lắng; chúng ta vẫn đang kiểm soát được các ổ dịch, vẫn xác định được nguồn lây. Dẫu vậy, ông cũng khuyến cáo người dân không được chủ quan, cần nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, hạn chế việc tụ tập đông người không cần thiết, khi ra khỏi nhà cần đeo khẩu trang…
Do đó, chính ý thức chủ động phòng chống dịch, ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình của mỗi người dân mới là thành trì vững chắc nhất để ngăn chặn làn sóng lây lan của dịch Covid-19. Và, chỉ khi nào thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trở thành mệnh lệnh, trở thành trách nhiệm công dân: “Từng người phải tự lo cho chính mình” thì mới mong dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… Muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay các địa phương mới chỉ chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại. Chúng ta phải dự trù, lường trước các kịch bản xấu hơn có thể xảy ra là tình huống cả nước có tới 30.000 ca nhiễm, trên cơ sở đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 khẳng định: Đến ngày hôm nay, đến giờ phút này Việt Nam vẫn đang chống dịch rất tốt bằng những biện pháp của Việt Nam. Chúng ta phải có lòng tin, kiên trì, tiếp tục chiến lược chống dịch, không lung lay, thay đổi mà phải làm tốt hơn, cập nhật theo tình hình…
“Rồi sẽ ổn thôi, yêu thương sẽ lại về”…
Vào những ngày này, khi chặng đường nước rút của kỳ thi học kỳ II và một mùa thi nóng bỏng trước mắt, nhiều địa phương tạm ngừng đến trường, thậm chí bị cách ly… Khi mà Covid-19 không chỉ đang hoành hành ở Ấn Độ nữa… Ngày 8/5, 61 học sinh và giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Nam Định) đã phải đi cách ly tập trung do có 1 học sinh mắc Covid-19. Thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng nhà trường đã viết tâm thư gửi học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp trong mùa dịch. Mở đầu thư, thầy Đằng viết:
“Các con học sinh Trường Lê yêu quý!
Có thể tuổi thầy còn khá trẻ khi gọi học sinh mình là con, nhưng chỉ khi coi học sinh là con mình thì mới nói được tâm trạng thầy lúc này. Thật sự thầy đang rất lo lắng. Lo cho các con học sinh của thầy thật nhiều. Điều lo lắng nhất cũng đã đến rồi. Covid-19 không còn bên Ấn độ, Nepal nữa mà nó đã về đến quê hương, đã vào trong Trường Lê yêu dấu của chúng ta mất rồi. Nó đến trong một thời điểm chúng ta cũng đã có được một khoảng thời gian tôi luyện, chuẩn bị tập sự cho tinh thần đón nhận từ lâu chỉ là không biết nó đến vào lúc nào mà thôi”.
Trong thư, thầy Đằng cho biết, có thể năm học 2020-2021 sắp khép lại một cách đột ngột và im lặng khi không có lễ tổng kết năm học, những thầy cô và các em học sinh giỏi, học sinh tiên tiến không được tuyên dương trước toàn trường, không có lễ tri ân thầy cô, cha mẹ như các năm trước?
“Thầy biết các con đang rất lo lắng cho sức khoẻ của bản thân, gia đình, thầy cô và bạn bè nhất là những người đang và sẽ phải cách ly xã hội để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Ngay tại thời điểm này sự bình tĩnh sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Thầy tin vào ý chí và nghị lực của các con. Hãy chăm sóc bản thân mình thật tốt, thực hiện đúng khẩu hiệu 5K, cách ly nghiêm ngặt ở nhà, hãy giúp người thân bên cạnh mình dù là việc nhỏ nhất. Chỉ cần mỗi học sinh của Trường Lê làm được một việc tốt có ý nghĩa thì trường chúng ta đã có được hàng nghìn việc tốt rồi”, thầy Đằng nhắn nhủ học sinh.
Riêng với học sinh khối lớp 12, năm cuối cùng của bậc THPT và chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng, thi tốt nghiệp THPT, thầy Đằng khuyên các em không nên chùn bước trước khó khăn, hãy phát huy sức mạnh nội lực của học trò Trường Lê, hãy biết tự học, biết ứng dụng công nghệ thông tin để đưa kiến thức của nhân loại thành kiến thức của mình.
“Thầy tin các con sẽ làm được. Sóng gió sẽ làm cho các con vững tay chèo hơn. Thầy tin và yêu các con, thương lắm thời gian này các con đã rất mệt mỏi vì học tập, suy nghĩ để lựa chọn nguyện vọng định hướng cho tương lai. Mỗi nét bút các con viết vào hồ sơ tuyển sinh là các con đang vẽ lên tương lai sau này của chính mình.
Các con hãy nhớ các con sẽ có đủ thầy cô, cha mẹ và các em học sinh trong trường luôn ở bên và đồng hành cùng các con. Ý chí, nghị lực là bệ phóng đưa con người đến với thành công. Các con phải nghĩ rằng khó khăn cho ta kinh nghiệm; nghịch cảnh cho ta môi trường để rèn luyện bản lĩnh. Và qua khó khăn đó ý chí, nghị lực được hình thành, tôi luyện và trở thành bộ giáp vững chắc để ta hiên ngang giữa cuộc đời.
Người có ý chí là người luôn dám đương đầu với mọi thử thách, luôn bền gan, vững chí trước mọi sóng lớn, gió to. Họ sống mạnh mẽ, cứng cỏi, kiên cường; thất bại không nản, thành công không tự mãn.
Rồi sẽ ổn thôi, yêu thương sẽ lại về, tôi mong lắm được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của thầy cô, nụ cười hồn nhiên của các con khi đến trường, nụ cười tri ân của các bậc phụ huynh về thành quả học tập của các con trong năm học đặc biệt. Điều đó chắc chắn sẽ đến.
Và chúng ta hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi Covid.
Yêu tất cả mọi người!
Thân Ái - Nguyễn Văn Đằng - Hiệu trưởng”…
Trở lại với các “chiến sỹ áo trắng” trong hơn một năm rưỡi ghi nhận dịch bệnh Covid-19, cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã gánh vác thêm nhiều trách nhiệm do đây là dịch bệnh kéo dài, diện rộng, lây lan nhanh, bên cạnh công việc chuyên môn vốn đã nặng nề hằng ngày. Trong đợt dịch này (từ 27/4), đã có một nhân viên y tế tuyến đầu tử vong sau tiêm vắc xin ngừa Covid-19, 10 bệnh viện phải cách ly y tế một phần hoặc toàn phần do ghi nhận ca bệnh Covid-19. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang trải qua đợt dịch thứ 4 và mức độ mạnh nhất kể từ đầu vụ dịch tại Việt Nam.
Trong thư gửi nhân viên y tế toàn ngành, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi lời “cảm ơn sâu sắc vì những đóng góp và sự nỗ lực của các đồng nghiệp suốt thời gian qua”.
Ông Long cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, kiểm soát tốt không để dịch lây lan diện rộng, thực hiện mục tiêu phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân và thành quả kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn ngành “chung sức, đồng lòng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi để đạt những mục tiêu trên, mỗi nhân viên y tế cần vận dụng những kinh nghiệm, bài học từ những đợt dịch đã qua, sáng tạo trong xử lý các tình huống mới, với tinh thần dấn thân, cống hiến, phục vụ... “Trong những ngày vừa qua, anh chị em ngành Y tế đã tận tâm hết mình, bất chấp vất vả, gian nan, hiểm nguy, thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, có thể chúng ta phải chịu đựng những thiệt thòi, rủi ro, nhưng chúng ta không được phép chậm trễ, vì trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân đang đặt trên vai chúng ta”, người đứng đầu ngành Y tế bày tỏ…