Bom đạn không thể xóa đi hy vọng, yêu thương
Lâm Thị Mỹ Dạ nổi tiếng trên thi đàn ở tuổi đôi mươi, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ với bài “Khoảng trời, hố bom”. Bài thơ được viết tại Trường Sơn vào tháng 10 năm 1972, một trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Bà viết bài thơ từ sự ám ảnh về số phận những chiến sĩ mở đường thời kháng chiến. Năm 1970, trong chuyến thực tế đường 10, nhà thơ gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một phụ nữ lớn tuổi người Quảng Ninh. Cô đã giải ngũ ba năm nhưng về đến nhà thì cả gia đình bị bom chết, ngôi nhà chỉ còn lại hố bom sâu hoắm. Sau mấy ngày ở nhờ nhà bà con, cô lại khoác ba lô vào chiến trường.
Hai năm sau, Lâm Thị Mỹ Dạ trở lại con đường đó, hỏi đến đơn vị của người kia thì không còn ai biết nữa. Sau chuyến đi trở về nhà, nhà thơ ra sông giặt quần áo, bỗng sững sờ trước hình ảnh khoảng trời in trong đáy nước. Ám ảnh về hố bom trỗi dậy. Lâm Thị Mỹ Dạ bỏ cả quần áo, về nhà viết bài thơ.
Với những so sánh và biểu tượng đầy nghệ thuật, cùng giọng thơ lắng xuống, trầm vọng như tiếng thở dài đầy thương cảm, bài thơ như câu chuyện kể về sự hy sinh dũng cảm của một cô gái mở đường. Khi đơn vị hành quân qua con đường mòn, những chiến sĩ ra trận chỉ còn thấy hố bom và huyền tích về người con gái đã hy sinh.
Nhà báo Hòa Bình viết: “Ở đây có hai khoảng trời soi ngắm nhau; một khoảng trời “thật” trên cao có các vì sao, có mây trắng, có ánh nắng vầng dương và một khoảng trời “ảo” - “Khoảng trời, hố bom” - nằm trong đất có tâm hồn, thịt da, trái tim của người trinh nữ dũng cảm. Hai khoảng trời ấy đều đẹp đẽ, lung linh và vĩnh hằng trong sự liên tưởng đầy tài hoa của tác giả”.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18/9/1949, quê quán xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978. Bà từng là biên tập viên, phóng viên trong những năm chiến tranh. Bà tốt nghiệp khoá bồi dưỡng viết văn trẻ ở Quảng Bá Hà Nội năm 1971, Trường Đại học Văn hoá (khoa Viết văn) 1979 - 1983, khoá học 3 tháng Học viện Văn học M. Gorky (Liên Xô cũ) 1998.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Thơ: Trái tim sinh nở (1974, in chung với nhà thơ Ý Nhi); Bài thơ không năm tháng (1983); Hái tuổi em đầy tay (1990); Mẹ và con (1995); Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1999); Tập thơ “Green Rice” (Cốm non, in và phát hành tại Hoa Kỳ, 2005); Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (2008).
Truyện thiếu nhi: Danh ca của đất (1984); Nai con và dòng suối (1989); Nhạc sĩ Phượng Hoàng (1989); Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi (2006).
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được trao tặng nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1973. Giải A về đề tài thương binh, liệt sĩ - Bộ Nội vụ năm 1973. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1981 - 1983 cho tập thơ Bài thơ không năm tháng. Giải A thơ 1999 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: tập thơ Đề tặng một giấc mơ. Giải thưởng Văn học Cố Đô - Giải A Thơ (1998 - 2003), (2005 - 2009) với tập thơ Hồn đầy hoa cúc dại. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Khoảng trời, hố bom
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng - trời - con - gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!
(Trường Sơn, 10/1972)
Trong thời chiến giữa ta và địch luôn có sự căm thù, nhưng thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ dung dị quá. Bà nhìn thấy những khổ đau của chiến tranh rồi sẽ đi qua và hy vọng sẽ tưới lên, nảy mầm cho yêu thương, hứa hẹn thanh bình.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. |
Nỗi tiếc thương của giới văn nghệ
“Từ mấy chục năm trước, tôi đã gọi chị là một thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một vẻ đẹp mong manh nhưng đầy lan toả. Hình như chị xuống thế gian này chỉ để hiển hiện một gương mặt đẹp, một tâm hồn trong sáng và để vang lên những câu thơ của yêu thương và che chở. Ngay cả những câu thơ chị viết về những mất mát trong chiến tranh cũng vang lên vẻ đẹp ấy. Trong bài thơ nổi tiếng “Khoảng trời, hố bom”, chị viết: “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/Đất nước mình nhân hậu/Có nước trời xoa dịu vết thương đau”.
“Lúc này, tôi mang cảm giác mọi bông hoa đang nở trong mùa hạ đều mang vẻ đẹp của gương mặt chị, của tâm hồn chị và của thơ ca chị” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã thốt lên như vậy.
Còn nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã bày tỏ: “Những nhà thơ nữ thế hệ các chị luôn tràn đầy lòng vị tha, nhân hậu ngay trong những đau đớn, mất mát cả thể xác và tinh thần... Đâu cần phải lập ngôn cao giọng, đâu cần phải ghê gớm nghiệt ngã, các chị vẫn làm được những điều cần có của thơ là làm cho người ta yêu nhau hơn và căm ghét cái ác, sự giả trá!”.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập, bạn văn và đồng hương đã viết trong hồi ký của mình về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Hôm mình vô Huế thăm anh chị. Vẫn thấy chị tất tả chạy ngược xuôi, hết dọn nhà đi chợ nấu nướng lại tắm rửa vệ sinh cho anh Tường, lo cho mấy người bạn anh Tường một bữa nhậu, ngồi chép bài cho anh, đọc cho anh một vài chương sách mà anh thích… cứ tưởng chị kiệt sức không cất đầu lên được, nhưng không, chị vẫn nói cười líu lo, thỉnh thoảng vẫn huýt sáo y như ngày xưa chị còn tươi trẻ.
Chị bật máy ghi âm cho mình nghe, khoe mấy bài hát thiếu nhi chị vừa sáng tác. Nhìn chị ngồi say sưa hát theo, mắt long lanh mãn nguyện… mình bỗng nhận ra trời cho chị cả cái đức cả tin nữa, nhìn đời bằng con mắt trong veo khiến chị luôn thấy mình hạnh phúc cho đến tận bây giờ”.
Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ thời chiến, nhưng thơ bà lại không có khẩu khí chiến tranh. Tinh thần đó đi theo bà dọc cuộc trường chinh của dân tộc. Chúng ta đã tạm chia tay một nữ nhà thơ và lưu giữ mãi di sản thơ của bà. Một hồn thơ đầy tình người và tình nước.
“...Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao truyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm”.
(Truyện cổ nước mình - 1979, bài thơ đã được in trong SGK lớp 5)
Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết: “Không thể lấy một tải thơ nào làm chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự “lấp lánh” riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Sự đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ. Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết”.