Cách ông chừng vài trăm bước chân là Huy, trưởng bản nhiệt thành. Hai người thống nhất, khi phát hiện kẻ xâm phạm, sẽ bắt chước giọng sơn ca làm hiệu. Từ đó khép vòng, bắt tại trận.
Bọn thằng Thược sẹo, con trai lão Bùn từ lâu đã muốn “ăn” tất cả chim thú quý khu rừng này. Mấy năm qua bọn chúng ăn vào lõi rừng, đi đến đâu là gây chết chóc đến đó. Các cá thể chim chóc, hươu, nai, các loài cầy, rắn, khỉ… mau chóng vơi đi. Loài nào thịt được thì bán xuống thành phố. Loài nào bắt sống để làm cảnh cũng có mối tuồn ra, bán cho bọn trọc phú. Cán bộ giao cho dân trong bản bảo vệ rừng, ông là người có uy tín, cùng trưởng bản đứng ra nhận việc. Hôm trước ở đầu bản, ông đi ngang lão Bùn. Lão hất hàm, vẻ rất đểu: “Ông đã bắt hết thú trong rừng chưa đấy!”.
Chẳng hiểu sao, lão thù ghét ông Lành đến thế. Thời trai tráng, những mâu thuẫn lặt vặt phải chôn ở góc rừng rồi chứ. Hay là lão vẫn hận ngày xưa, ông Lành lấy được cô gái xinh nhất vùng. Mà lão thì có ý định với cô gái đó…?
Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học) |
Ông nghe thấy tiếng động, tru miệng, làm hiệu cho Huy. Píu pu, píu pu, chíp chíp chíp. Với sự nhanh nhạy của mình, ông tin Huy sẽ nghe thấy. Kia rồi. Bọn chúng đang vây bắt con nai. Ông lên sẵn tên cho cây nỏ. Đột nhiên, ông nghe thấy tiếng Huy: “Đứng yên”. Con nai giật mình chạy biến. Bọn săn trộm tá hỏa chạy. Ông Lành biết hướng chạy sẽ gặp phải dòng suối. Dòng suối sẽ làm chúng chậm lại.
Hai tên khiêng chiếc lồng sắt nhốt ba chú khỉ con và khoác lên mình cả xâu chim chóc. Sau lưng chúng, con suối đang chảy khá xiết. Vài khóm hoa rừng lay lay trong gió.
- Khôn hồn thì đứng yên!
Ông quát. Hai tên săn trộm hạ chiếc lồng, lăm lăm khẩu súng hơi trong tay, chĩa về phía ông. Huy áp sát, nhận ra hai thằng tóc tai bờm xờm:
- Chúng mày mà manh động sẽ đi tù mọt gông đấy.
Lúc này, thằng Thược quay lại. Khi hắn đến gần hơn thì ông nhận ra mình nhầm. Đó là thằng Ních con nhà Thao. Tại sao nó mặc quần áo, đội mũ của thằng Thược, lại còn vẽ một vết trên má cho giống vết sẹo đầy dữ tợn của dân giang hồ.
- Này Ních, tao sẽ nói chuyện này với bố mẹ mày. Sao mày vào rừng cấm để săn trộm cùng đám du thủ du thực?
Ních hất hàm, ra hiệu cho hai thằng kia hạ súng xuống. Nó lúng túng không biết phải ứng xử với ông Lành thế nào. Ông Lành là bác họ Ních, vẫn thường giúp đỡ bố mẹ nó. Không thể dùng súng bắn ông, nó bèn xin. Ông liếc Huy, ý chừng cần làm giảm căng thẳng để ba kẻ trước mặt không nổi khùng làm liều.
- Cả nhóm mày vi phạm. Tao không thể tha được. Tao sẽ lập biên bản, bọn mày ký vào đó rồi để bản xử lý. Những gì chúng mày săn bắt được, phải bỏ lại.
Thằng Ních câng câng, bắc chước thói vênh váo của thằng Thược. Nó huýt sáo, ra hiệu cho hai thằng bên kia suối quay lại, tạo thế áp đảo. Trời bỗng nổi gió to. Đây là tình thế ông Lành thật sự khó xử. Hai người lớn với hai cây nỏ, đối mặt năm thằng choai choai có súng hơi. Nếu xảy ra chuyện gì, ông vẫn là người chịu trách nhiệm. Giữa lúc không biết phải làm sao thì mẹ thằng Ních chạy tới. Chị rối rít xin lỗi, rồi quát con:
- Con lại gây ra chuyện tày đình gì thế này!
Ních ương bướng nhưng lại vâng lời mẹ. Chị Mỵ bắt con giao nộp tất cả cho ông Lành. Nó lưỡng lự, khó chịu, nhưng mẹ mắng té tát, nó đành làm theo. Biên bản được ghi. Thằng Ních không chịu ký. Chị Mỵ cầu xin ông đừng bắt con mình giao cán bộ. Chị xin sẽ về dạy con thêm.
Ông Lành từ tốn:
- Bản ta đã thống nhất cao. Không ai được xâm phạm đến động vật trong rừng. Ít nhất bản sẽ thống nhất với cán bộ phạt, tịch thu tang vật, nhắc nhở gia đình quản thúc con cái.
Thằng Ních bị mẹ bắt phải ký biên bản, cùng những kẻ có mặt, cam kết không động đến rừng. Ông Lành thả cho đi.
***
Bình thường, những cuộc săn bắt của nhóm bí mật và đông hơn. Lần này do Thược bị ngã, chân tập tễnh nên không tham gia, để Ních chơi trò “cáo mượn oai hùm”, đóng giả là Thược. Trở về bản ông Lành mới biết, ông Thao - bố thằng Ních đang ốm. Mấy chục năm trước, theo đám thợ lên vùng Hà Yên, Thèn Lát đào đá đỏ, ông Thao nhiễm bao thói hư tật xấu. Khi sức lực bị vắt hết mới mang tấm thân tàn tạ về bản. Ních vâng lời mẹ nhưng ghét bố vì bao năm ông lang bạt, chỉ mang về mỗi bệnh tật. Lúc gặp lại ông Lành, thằng Ních cun cút lẩn ra chỗ khác. Lát sau, nó quay lại, mang theo bản mặt hằm hằm, trách ông Lành năm xưa đưa bố nó đi tìm đá quý. Chị Mỵ nghe thấy, chạy đến ngăn thằng Ních, rồi xin lỗi ông Lành. Ông Lành không giận, mặt chùng xuống. Ông gật đầu với chị Mỵ, rồi nói:
- Cháu nó nói đúng. Tại tôi giới thiệu, rồi đưa chú ấy đi mà không bảo được anh em, để đến cơ sự này.
Chị Mỵ khóc. Ông Lành thở dài. Thằng Ních lại bỏ ra ngoài. Tối muộn hôm ấy, bệnh ông Thao trở nặng nên được đưa về bệnh viện tỉnh. Đêm đó, ngồi chờ ngoài hành lang bệnh viện, trong ông Lành ứ đầy nỗi ân hận. Thật ra, nỗi ân hận đó đã lớn lên từ hơn chục năm trước, lúc ông quyết định rời vùng đá đỏ về nhà. Năm đó mình mẩy hai người khô đét, chằng chịt vết sẹo do quăng quật ngoài bãi khai thác hoặc những trận ẩu đả. Ở bản, không ai biết ông Lành từng ác độc với muông thú, ngoài ông Thao. Những người từng biết hoặc lang bạt nơi xa hoặc bỏ mạng nơi rừng sâu. Bao loài chim thú bị săn bắt để phục vụ những kẻ ăn bờ, ngủ bụi. Bao cây gỗ bị đốn hạ để làm lán trại và bán cho dân buôn. Chẳng bao giờ ông Thao nói ra. Còn ông Lành bị những ám ảnh từ ánh mắt cầu cứu của hươu, nai, những tiếng thét của bầy khỉ, tiếng quẫy đạp của loài chim. Ác mộng chui vào giấc ngủ, bắt ông “rửa tay gác kiếm”. Về nhà với vợ con, ông chọn cuộc sống kham khổ chứ không chịu động đến rừng. Ông thường làm việc tốt, cố để bù đắp cho tội lỗi trước đó của mình. Nhờ thế mà thành người có uy tín của bản. Kẻ thất cơ lỡ vận hỏi đến, ông giúp. Người ốm đau, tật bệnh, ông chia sẻ. Nhưng thi thoảng, ác mộng, những tiếng gào thét của rừng xanh vẫn len lỏi trong những giấc ngủ chập chờn. Cỡ chục năm gì đó, ngày ông cùng Huy đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ rừng, người bản đã nghĩ: “Ông Lành mà trông nom thì rừng sống rồi”. Thực ra, người trong bản xâm phạm ít, nhưng kẻ ngoài bản, đám du côn muốn ăn thịt từ rừng nhiều vô kể. Trên ngực, thắt lưng ông đến giờ vẫn còn những vết sẹo do bọn “lâm tặc”, săn bắt trộm chống trả. Bị thương nhiều lần nhưng ông không nản. Ông tự nhủ, nếu mình buông, chẳng bao lâu khu rừng sẽ chẳng còn bóng dáng chim thú.
***
Cả vùng hoang mang vì bão áp sát. Dự báo cuối ngày mai bão về. Hôm nay rừng im lặng một cách đáng sợ. Ông Lành và Huy ngồi nghỉ, bỏ nước ra uống. Huy nói: “Chúng ta chuẩn bị quay về thôi anh. Dân cơ bản đã chuẩn bị phương án chống bão từ hai hôm nay. Nhưng em vẫn thấy sốt ruột quá”. Ông không nhớ mình và Huy đã đồng hành bao nhiêu chuyến tuần rừng. Chỉ biết mình được làm việc cùng Huy là một hân hạnh. Huy nhiệt thành, tốt với cả những kẻ đặt điều, hãm hại mình. Ông lại nhớ đến những ngày lang bạt xứ đá đỏ, mồ hôi trộn lẫn những khao khát chập chờn. Nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Ông Lành thấy mình còn được đi tuần, chuộc tội với rừng, nuôi hai con ăn học tử tế là may mắn lắm. Bên bản Thủng Sèo, hay mạn Nậm Thùng, mười trai tráng năm đó đi chỉ một hoặc hai trở về. Nước mắt ông trào ra…
Bất ngờ, Huy ra hiệu có người. Hai người tìm cách chặn đường lui. “A đây rồi, thằng Thược con nhà Bùn!”. Bị giật mình, thằng Thược cùng hai thằng khác bỏ chạy, nhưng chạm phải Huy. Chúng đã bắn được một chim diệc.
Đột nhiên lão Bùn xuất hiện. Lão vênh váo thách thức. Đúng là bố nào con nấy. Có bố, thằng Thược được thể ra oai. Ông Lành nói lý với bọn họ, nhưng mọi lời ông đều bị gạt sang một bên. Không biết lão Bùn nghe từ đâu chuyện quá khứ của ông Lành, nên lúc này lôi ra làm vũ khí tấn công ông. Ông Lành nghe thấy lão kể tội thì mặt mày tối lại, tim như ngừng đập. Bố con lão Bùn cười đểu. Sau cùng, lão Bùn tung cú chốt: “Kẻ từng tàn phá, bắn giết, nay lại đi ngăn cản săn bắt trong rừng ư? Vớ vẩn!”.
Ông Lành choáng váng, khuỵu xuống. Bọn họ hô hố cười, bỏ đi. Anh Huy chạy lại đỡ ông ngồi dậy. Để ông bình tĩnh lại, Huy đưa ông xuống bản.
***
Bão tan nhưng mưa vẫn xối xả, ngoài sức tưởng tượng của bà con. Nước dâng ngập suối, nuốt chửng ruộng nương. Ông Lành quên mệt mỏi cùng Huy và cán bộ sơ tán người dân ba bản về trụ sở ủy ban xã. Lúc này, kiểm tra nhân khẩu mới thấy thiếu mẹ và vợ lão Bùn. Từ hôm qua bố con lão sang bản bên, lúc được sơ tán là chạy ngay đến ủy ban mà chưa về nhà. Lão Bùn cuống quýt không biết làm thế nào. Cán bộ xã bảo lão hãy yên tâm. Nhận được tin hai người còn thiếu, ông Lành lái xuồng nhằm hướng nhà lão Bùn. Quả nhiên, mẹ và vợ lão đang ngồi trên nóc nhà, đang lập cập run. Nước sắp nhấn chìm nhà. Hai người được đưa lên xuồng, về đến trụ sở ủy ban thì trời tối. Trong ánh đèn nhập nhoạng, lão Bùn dẫn con trai và đám bạn lâu nhâu của nó tới trước mặt ông Lành, cúi đầu xin lỗi. Lão Bùn quỳ mọp xuống, khóc: “Tôi ngàn lần cảm ơn ông. Bố con tôi đều không biết bơi, cũng chẳng có tài cán gì. Nếu không có ông thì…”.
Ông Lành đỡ lão Bùn dậy, rồi đưa tay cho lão bắt. Lão Bùn nói với mấy thằng vẫn vào rừng săn bắt: “Từ nay bọn mày không được vào rừng làm loạn nữa”.
Mưa ngớt, nước rút dần. Một tuần sau vào thăm rừng, nghe sơn ca hót, ông Lành gặp lại lão Bùn. Một lần nữa, lão thành khẩn xin lỗi, nói chính mình đã kích động bọn trẻ chống lại ông Lành. Ông thấy lòng mình nhẹ nhõm. Dường như, chim chóc đang tụ về góc này, đông hơn.