Người dưng đất lạ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xứ nào có người thương đều là quê hương, xứ sở, Phú nhớ mang máng từng nghe một câu tương tự như thế trong một bộ phim nào đó đã xem. Nên chi mỗi lần có ai thắc mắc can cớ chi bỏ xứ ra đây, anh thường nói rành rẽ, tại có người tui thương. Thiên hạ thắc mắc tiếp, anh này lạ lùng, “thuyền theo lái, gái theo chồng” mắc mớ chi anh không đem người anh thương vô xứ trong ở với mẹ già. Phú lại cười hiền, biết trả lời mấy cũng dễ chi vừa lòng thiên hạ. Thôi, cười cho xong chuyện.

Xe Người thương của Phú cũng từng thắc mắc, nghi ngờ và đuổi anh mấy bận mà anh không về quê đó chớ. Đâu phải chị ích kỷ, khư khư giữ anh bên mình. Trách nhiệm con trai một, trách nhiệm chăm sóc mẹ già anh không hoàn thành thì chị cũng đâu sung sướng chi. Nhưng nói thế nào Phú cũng không nghe. Tính Phú lạ lắm, anh hiền khô, hiền nhưng có chính kiến và không hề nhu nhược. Tình cảm mà không yếu đuối. Nói về Phú, chị chỉ biết đó là người đàn ông hoàn hảo.

Việc nhà chị đã trở thành đề tài cho chòm xóm có chuyện để nói mỗi khi gặp nhau. Hồi đó, người làng xầm xì, có khi chị bỏ bùa anh. Như thi thoảng gặp mấy cảnh đời “trai tân lấy gái nạ dòng”, người ta vẫn nghi ngờ hệt vậy. Chuyện tình của anh chị càng khó tin hơn, viết thành tiểu thuyết chắc bán sẽ chạy, làm phim hẳn được vài bộ lâm ly.

Hồi mới gặp chị, Phú nói thủ thỉ, ý là hãy để Phú thương chị, lấy chị làm vợ được không? Chị cười khan, nghĩ thằng cha này có vấn đề. Mặt mũi sáng rạng, đẹp trai chứ đâu đến nỗi. Nghĩ chi mà đòi theo mình. Nhưng cái câu tỏ tình đó hệt như gáo nước mát lành vỗ về thân thể chị sau những lúc rã rời mỏi mệt. Chị chợn vợn, nghĩ suy về câu nói không chút cười cợt, có vẻ nghiêm túc đó của chàng trai Nam Bộ ở trọ cạnh nhà.

Với chút mơ màng hay tưởng tượng của đàn bà, đêm về soi gương, chị lại ngẫm có khi mình duyên ngầm, mình gây thu hút, mình có nét đặc biệt mà đám trai làng không nhận ra. Kiểu vậy. Chị gõ trán, bật cười cho ý nghĩ ấy, ui trời, lỡ đâu thằng cha chỉ giỡn mà ngồi đây ảo tưởng thì ê mặt lắm. Nhưng nghĩ tới, nghĩ lui lại cười, thấy vui vui lạ lùng. Chị bắt đầu để ý hơn mỗi lúc ra ngoài, áo quần chọn những bộ màu sáng, tóc hay xõa nhẹ, hay cười lúng liếng bâng quơ.

Mẹ chồng chép miệng, hay nó biết khoảnh đất nhà mình có giá trị chi đó mà mình không thấy hả con. Chị ôm bụng cười, đất nhà mình chưa bằng góc nhà họ, trong kia đất người ta cũng cò bay thẳng cánh mẹ ơi. Hay nó dòm cái nhà này, à, chắc không phải, mẹ nói rồi tự nhủ khi ngó lại căn nhà ọp ẹp chẳng lấy chi làm giá trị của mình. Nhìn cũng đáng tin nhưng tốt nhất vẫn nên e dè, đề phòng nghe con, mẹ chồng chị dặn.

Hơn ai hết, bà chính là người luôn xúi chị đi bước nữa. Năm năm từ ngày chồng mất, chị đã rất vất vả khi vừa làm mẹ, làm cha, vừa làm con trai, vừa làm con dâu. Thằng Nhất còn nhỏ, mẹ thì đau buồn quá nên thành ra lẩn thẩn, lúc nhớ, lúc quên. Dạo gần đây, hình như Phú ghé nhà nhiều hơn, nói chuyện hợp với bà nên bà có phần vui vẻ và bắt đầu nói vô cho Phú.

Có bận đi làm về, chị vừa tới cổng đã thấy thằng Nhất hớn hở chạy ra khoe, anh Phú cho con mấy bịch kẹo dừa với bộ xếp hình nữa. Trời ơi, chị thấy xấu mặt quá. Đó, mẹ coi thằng Nhất gọi người ta bằng anh, vậy mà đòi… Mẹ chị nạt cháu rồi cười, nó không để ý thì con chấp nhặt làm chi cho nặng nề.

Tranh minh họa. (Nguồn: Thu Hà)

Tranh minh họa. (Nguồn: Thu Hà)

Hồi chồng tai nạn rồi nằm liệt giường hơn ba năm, chị đã hình dung cuộc sống của mình sau này sẽ vô cùng khốn khó. Biết vậy, nhưng lúc nào chị cũng vui vẻ, hoạt bát để anh vui. Sớm ra lau người cho anh, nắn từng ngón tay, ngón chân rồi kể chuyện này, chuyện kia. Chị tin là anh biết, anh hiểu dù không thể hiện bằng cái chớp mắt hay gật đầu. Đôi người khuyên nên rút ống thở đi, kéo dài chỉ hao tốn tiền của và sức lực của người nhà chứ thật sự đâu còn chút chi hy vọng, chị kiên quyết không. Vay mượn cùng khắp chị vẫn cố lo cho anh đến giây phút cuối cùng.

Từ ngày chồng mất, chị đã nghĩ lòng mình sẽ thôi xao động, chẳng còn thổn thức trước một người đàn ông nào nữa. Tới khi gặp Phú, nghe anh nói vài ba câu cảm động, tự nhiên thấy mình như quả bong bóng căng tròn bỗng chốc xẹp lép bởi mất hết hơi, bao cố gắng để mạnh mẽ không còn muốn hiện hữu, thay vào đó cũng muốn dựa dẫm, muốn tựa vào ai đó tới cuối đời. Nhưng nghĩ tới lui lại thấy có lỗi với chồng, rồi còn Phú, anh còn trẻ, chắc chi đã hiểu chuyện. Nếu tình cảm ấy là thật, có khi chỉ trong phút giây nông nổi nhất thời mà thôi.

Phú khó khăn lắm mới chứng tỏ cho chị thấy anh là người… bình thường. Nghĩa là đầu óc không có vấn đề chi, suy nghĩ này chín chắn, quyết định này đúng đắn. Tuy vậy, trong mắt thiên hạ, Phú đâu bình thường. Người ta coi thử anh Phú ở trong nhà đó được bao lâu. Từ lúc con Nhi ra đời, thằng Nhất học hết cấp một rồi đến khi con Nhi đi học, thằng Nhất chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba, mãi vẫn không thấy Phú bỏ đi. Người làng dần dần tin, hẳn trên đời có tình yêu cao thượng. Tình yêu đó bất chấp tuổi tác, chênh lệch ngoại hình hay đời sống ngổn ngang của nhau. Và cách Phú đối đãi với chị đã cho người ta thấy, hóa ra người đàn bà đi qua cơ cực, đớn đau đều xứng đáng được bù đắp yêu thương bất tận.

Phú vẫn nghĩ, má có còn thì cũng hiểu cho thằng con trai vốn hay động lòng, dễ cảm xúc. Hồi nhỏ, coi phim thấy cảnh người ta trùng phùng hội ngộ hay chia lìa đôi lứa, thằng con trai năm tuổi của bà đã chảy nước mắt sụt sùi trước khi diễn viên rớt lệ. Bà thở dài, đàn ông đàn ang mà cứ thế này, chỉ khổ thôi. Hai mươi tuổi, thương một người con gái mà họ bỏ đi lấy chồng, Phú đã khóc như mưa. Bảo đời này không lấy vợ, ở với má suốt đời. Má vỗ về thằng con to xác mà yếu đuối của mình, ừ, ở với má cũng không sao. Sau này theo bạn ra đây làm công trình, anh nhắn với má đã thương một người khác và muốn gắn bó với họ ở đây, má thấy bình thản chứ không ý kiến chi. Miễn con mình vui và hạnh phúc. Lúc ấy má biết rõ mình mang bệnh trong người, còn Phú mải miết theo đuổi người ta nên đâu hay. Mâm cơm làm lễ để Phú về một nhà với chị diễn ra đâu được vài ba tháng thì má anh mất. Chị càng thương anh hơn.

Ấn tượng của Phú với phụ nữ xứ này là họ rất giỏi giang, đảm đang lại kiên cường. Chồng chết, ở vậy nuôi con, chăm mẹ chồng mà chẳng thấy u sầu, buồn bã, lúc nào cũng cười vui xởi lởi, lạc quan yêu đời. Chuyện trò vài bữa mà Phú thấy mến chị quá chừng. Chút mến mến rồi thành thương khi sớm ra, lúc anh đang ngồi uống cà phê đã thấy chị bán xong thúng bún nghệ rồi lóc cóc đạp xe về. Lo cơm nước, giặt giũ cho hai bà cháu xong, chị lấy xe đi mua nhôm nhựa. Có bữa thấy chị chở xe hàng to đùng ở sau, bữa đó gió về nên cả xe và người cứ nghiêng ngả. Phú hốt hoảng chạy ra đỡ cho chị. Hỏi chị sao không mượn ai chở, đi thế này nguy hiểm lắm, hỏi xong lại thấy vô duyên, bán buôn lời mấy đồng bạc, ai dám thuê người.

Sau này về với nhau, chị không phải gánh gồng một mình nữa. Cứ cuối ngày, sau khi xong việc của mình, Phú dắt xe đi chở hàng cho chị, chưa bao giờ la cà hàng quán như chồng người ta. Bữa vừa qua cơn vượt cạn, chị xin lỗi Phú rồi chảy nước mắt. Anh ngạc nhiên, tại sao mình xin lỗi tôi. Vì tôi không sinh cho Phú được thằng con trai, tuổi tôi giờ cũng lớn rồi. Phú cười, vậy là mình vẫn chưa hiểu tôi, con nào mà chẳng là con, tôi thích con gái bởi nó sẽ giống mình. Còn con trai, mình có thằng Nhất đó rồi.

Vài lúc tỉnh táo hiếm hoi, mẹ chồng cầm tay chị rồi nói, trên đời chắc chỉ có thằng Phú mới được rứa đó con. Ông trời có mắt. Mẹ nói rồi khóc. Chị cũng cảm động với tấm chân tình Phú dành cho mình, dù thật sự, cứ mỗi tối đi ngủ chị cứ chập chờn lo sợ, biết đâu đêm nay Phú bỏ mình đi. Mỗi sáng thức giấc, lại nghĩ có hồi nào mình mở mắt ra, ngó qua thấy gối bên cạnh trống không lần nữa. Sinh xong, dù cố đến mấy chị cũng không cưỡng được tuổi già đang ngấp nghé. Da dẻ chị bắt đầu nhăn nheo, tóc lấm tấm vài ba sợi bạc. Đi đâu cùng Phú, chị thường nhích nhẹ ra xa bởi sợ sự so sánh nào đó của người đời. Chị giấu nỗi hoang mang, lo sợ của mình nhưng Phú cảm nhận được. Anh ôm chầm lấy chị, mình đừng lo, tôi ở đây với mẹ con mình tới khi chết.

Một đời sống vất vả, vui vẻ, an nhàn chưa được bao lâu, thế mà chị trở bệnh. Mới đầu đau râm ran trong bụng nhưng chị nghĩ không can chi, cứ chủ quan rồi không đi khám. Tới hồi đau quá mới để Phú đem đi bệnh viện, bác sĩ kết luận bệnh đã vào giai đoạn cuối. Chị đón nhận án tử với tâm thế nhẹ nhàng, cười vui với Phú, tôi biết tôi sẽ chết trước mình mà. Tại tôi lớn tuổi hơn. Phú không thể cười trước câu bông đùa của chị.

Dù lạc quan và tìm mọi cách chữa trị nhưng cũng chỉ kéo dài sự sống được năm tháng. Hôm đưa chị ra đồng, ai cũng khóc, khóc vì thấy Phú đứng ngẩn ngơ bên mộ chị mà không chịu về. Khóc vì mẹ chồng lúc này đã run rẩy lắm rồi vẫn nước mắt lưng tròng, chống gậy tiễn đưa con dâu. Năm đó, thằng Nhất hai mươi tuổi, bé Nhi vừa lên chín. Người làng lại có dịp lo thay chuyện nhà Phú, không biết rồi đây anh sẽ sống ra sao với mẹ già và con riêng của vợ rồi cả con mình.

Sau khi chị mất, bà nội thằng Nhất càng ngày càng lẩn thẩn. Thỉnh thoảng bà đến gần, cúi xuống ngó vô mặt Phú vẻ nghi ngờ, anh là ai, ở mô tới? Anh cười, là con trai bà chứ ai. Bà gật gù rồi ngó xuống bếp hỏi chưng hửng, chớ vợ anh đi đâu từ sớm mà chừ trưa trờ trưa trật chưa về. Phú hay ước, phải chi mình cũng quên được như bà, sống bằng ký ức và kỷ niệm thật vui.

Năm thằng Nhất ra nghề, anh lo liệu, tìm mặt bằng rồi mở cho nó cái tiệm sửa điện thoại nhỏ ngoài đường lộ. Hy vọng Nhất sẽ chịu khó làm ăn, rồi còn lấy vợ, sinh con. Có ngờ đâu thằng cu Nhất hiền lành tự nhiên nghe theo đám bạn, ham nhậu nhẹt và cờ bạc. Kiếm được bao nhiêu, Nhất tiêu hết bấy nhiêu rồi còn nợ nần, cầm đồ của khách. Nhân bữa Phú vô quê lo giỗ cho má thì thằng Nhất về nhà vét sạch tiền bạc.

Anh giận tím mặt nhưng rồi nghĩ có khi nào nó mang bệnh chi trong người cũng nên, rồi sợ phiền hà, sợ đau lòng, sợ anh chăm sóc vất vả nên mới bày trò để nói những lời xua đuổi cạn trơ vậy. Xưa nay nó tội lắm, làm chi có kiểu ăn nói ba trợn đó. Trong phim hay xảy ra mấy tình cảnh trớ trêu kiểu vậy.

Thắp nén nhang trên bàn thờ của chị, Phú ôm mặt khóc tủi hờn. Nhi ôm lấy ba, nó bảo mai mốt sẽ không lấy chồng, sẽ ở với ba suốt đời. Con gái đưa cho Phú tờ giấy xét nghiệm của bệnh viện, đúng là thằng Nhất mang bệnh, căn bệnh từng làm chị đau đớn và mất đi.

Mất mấy ngày anh mới tìm được thằng Nhất. Cha con ôm nhau nói chuyện rồi khóc tức tưởi. Anh biết rồi Nhất sẽ không sao, bệnh phát hiện sớm nên chắc chắn sẽ có cách chữa trị. Phú trách mình hời hợt, không chú tâm đến con nhiều hơn, hóa ra thằng bé đã trưởng thành, biết lo cho mình và suy nghĩ cho cả người khác. Đúng như anh đã nghĩ, Nhất cố tình làm vậy để anh buồn chán ghét bỏ mà về quê hương, bản xứ, nó không muốn Phú phải nặng gánh vì nó và cả bà nội. Dẫu gì, hai người không thuộc trách nhiệm của anh, anh chăm lo tới hôm nay là tốt lắm rồi. Phú mỉm cười, nhớ lời mình từng nói với người ta khi họ hỏi sao anh chia xa xứ miền trong rồi về đây ở, anh đã bảo tại nơi này có người anh thương. Hồi đó đã thương nay càng thương sâu đậm...

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Nhà dì ba

Nhà dì ba
(PLVN) - Chung mồ côi ba mẹ từ khi còn nhỏ sau một chuyến họ bươn chải nơi biển khơi. Từ bấy nó sống chung với dì ba, là chị của mẹ cùng với các anh chị em con của dì lúc mới lên mười. Dì thương nó như cách nó còn nhớ trong tiềm thức về tình thương của mẹ, dì cũng chưa bao giờ làm nó cảm nhận ranh giới trong tình cảm qua cách dì đối xử với nó và với các con của dì.

Nghệ thuật tái chế - Hơi thở mới từ những điều cũ

Triển lãm “Chạm một nét hoa” lan tỏa ý nghĩa sử dụng vật liệu tái chế trong hội họa. (Ảnh: VOV1)
(PLVN) - Khi lối sống xanh lên ngôi cũng là lúc nghệ thuật tái chế ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống văn hóa. Từ những tác phẩm đơn lẻ, nghệ thuật tái chế đã dần trở thành một xu hướng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp sáng tạo mà còn “thổi hồn” vào những vật liệu cũ bị lãng quên, mang đến cho chúng một hơi thở mới đầy ý nghĩa.

Điều kỳ diệu

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)
(PLVN) - Cô gái tóc dài với mùi nước hoa ấn tượng, chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, bên trái là chiếc đồng hồ Odo 36.10. Tôi thường đặt bình hoa nhỏ cách điệu, cắm một bông hồng nhung duyên dáng ở đó. Lúc tôi mang cà phê đến, cô gái nở một nụ cười và khen cà phê ngon. Ánh mắt cô đằm thắm hơn khi tôi khen cô thật đẹp. Cô ngắm thế giới của tôi kỹ hơn.

Cho những mùa xuân ở lại

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - Ngày nhỏ, tôi tin những nụ, những chồi xanh kia chính là những đứa trẻ ngủ quên, một sáng giật mình thức giấc vì phải đi học giống hệt như mình. Nhưng, thay vì đến trường, lớp học của những non tơ ấy diễn ra ngay trong mảnh vườn, trong khu đồi vắng và bão gió, nắng mưa chính là những bài học đầu đời…

Tôn vinh 80 năm Truyền thống Công an Nhân dân qua Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 2025

Quang cảnh lễ khai mạc.
(PLVN) -  Ngày 27/3, Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức khai mạc Trại sáng tác Văn học nghệ thuật chủ đề “80 năm Truyền thống Công an Nhân dân và quê hương Quảng Trị anh hùng” năm 2025, hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng Công an Nhân dân (CAND) 19/8 (1945-2025).

Ánh mắt vùng sơn cước

Ánh mắt vùng sơn cước
(PLVN) - Hoa mơ, hoa mận nở rộ mà trời vẫn có gì đó mênh mang. Bản Thia, bản Ngài như trở nên vắng hơn, lọt thỏm giữa núi rừng. Những bước chân của học trò cũng trở nên chậm chạp. Tôi liên tục nhận được cuộc gọi của bác sĩ Thìn và các đồng nghiệp khác hỏi về cô Diệu.

Sự khác biệt không xóa nhòa

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Cái cách cô nhắm nghiền đôi mắt lại để lắng nghe những lời áp đặt của gã khiến mọi người xung quanh những tưởng cô phải là người làm nên những lỗi lầm gì quá đáng lắm mới khiến người đàn ông đối diện giận dữ đến mức vậy.

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

Khi khí chất đẹp đẽ nhất của hoa được cảm nhận

(PLVN) - Nhất Hoa Nhất Khí, nơi nghệ thuật cắm hoa không chỉ là sự sắp đặt những cành hoa mà còn là câu chuyện về sự sống, về triết lý nhân sinh, sự hài hòa của thiên nhiên, con người. Khi có sự thấu cảm, tác phẩm sẽ khiến người xem thấy được khí chất đẹp đẽ nhất của hoa.

Người chồng 'mù'

Ảnh minh họa. (Nguồn: FB)
(PLVN) - Bạn đã từng ở trong hoàn cảnh, hoặc biết ai đó, âm thầm lên kế hoạch chia tay chồng của mình? Hay một người chồng bỗng một ngày nhận được đơn ly hôn từ vợ và hoàn toàn bất ngờ về điều đó? Bạn có từng chất chứa bao nhiêu là nỗi niềm, bạn cần vô cùng một người để chia sẻ, mà lại chẳng thể nói gì với người đang đắp chăn nằm bên cạnh?

Hoa thơm đầy ngõ

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) - Sáng sớm, ông Phê chào cả nhà, nói đi một lát, về sẽ có quà cho Bi. Đã quá trưa, không thấy ông nội về, thằng Bi phụng phịu với mẹ: “Ông đi đâu mà lâu thế không biết”. Người bố quát con “Mặc ông, ăn nhanh lên mẹ mày còn dọn”.

Nhớ mùa hoa gạo

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Mỗi khi quay lại thăm trường cũ tôi lại bồi hồi đứng trước gốc gạo đỏ chói giữa trưa hè. Bao giờ cũng vậy, dù đi xa cách mấy tôi luôn cố gắng quay về vào ngày hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng sân trường chỉ để đắm chìm trong cái sắc đỏ ấy mà hồi tưởng, mà nhớ thương.

Dòng gió bụi

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
(PLVN) -  Đang ngồi tiếp chuyện hai vị khách thì Tỏ đi qua, hất hàm hỏi ông Quà: “Lão thấy ví tôi không? Đưa đây?”.

Viết cho tình yêu

Ảnh minh họa. (Nguồn: H.Ái)
(PLVN) - “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”... Có lẽ, đó là ước nguyện của chúng ta được nhà thơ Quang Dũng nói hộ bằng hai câu thơ ấy.

Bức tranh

Bức tranh
(PLVN) - Quả là một rừng mây tuyệt mỹ! Ngân thốt lên vui sướng khi vừa đặt đồ nghề xuống. Ngân đã từng nghe nhiều đến nơi này, nhưng mọi lời miêu tả không bằng một vài giây đắm mình trong cảnh sắc tuyệt diệu này. Cô hít hà thật sâu rồi rộn ràng vẽ, như thể đang sợ vẻ đẹp trước mắt sẽ tan biến. Ngân yêu tranh màu nước và những bức vẽ của cô bao giờ cũng đầy hào hứng, rực rỡ, dù tâm trạng cô đang bấn loạn, thậm chí khi tinh thần khủng hoảng.

Đợi chờ ngày hoa nở

Ảnh minh họa. (Nguồn: TL)
(PLVN) - Chẳng biết tự bao giờ, nhân loại lấy sự tồn tại và phát triển của thực vật, mà cụ thể là những bông hoa, chiếc lá để làm “cột mốc xanh” cho những niềm hy vọng, cho những sự hứa hẹn về tương lai.

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"

Triển lãm ảnh "Văn Bàn nghĩa tình"
(PLVN) - Triển lãm ảnh với chủ đề "Văn Bàn nghĩa tình" được tổ chức tại xã Tân An, huyện Văn Bàn -  nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.