Ánh Sao

Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
Tranh minh họa. (Nguồn: Văn Học)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều thả những sợi nắng vàng rực xuống sân ga lố nhố người. Tiếng loa thúc giục hành khách lẫn trong tiếng cười nói xôn xao. Đây là chuyến đi xa một mình đầu tiên của tôi. Tôi chọn cho mình cách di chuyển bằng tàu hỏa như muốn có thêm chút thời gian và tâm sức để suy ngẫm về những gì đã xảy ra và cả những điều sắp phải đối mặt.

Cảnh vật vun vút lướt qua trong ánh hoàng hôn. Hà Nội lung linh như một chiếc khăn voan đính những sợi kim tuyến mềm mại đang phơ phất xa dần. Phía xa chân trời, một ngôi sao Hôm le lói sáng. Nhìn ngôi sao, tự nhiên tôi liên tưởng tới cái tên của mình: Ánh Sao. Hồi nhỏ xíu, đã có lần tôi thắc mắc thì mẹ bảo: “Vì bố mẹ mong con có vẻ đẹp lấp lánh mà dịu dàng như một ánh sao”. Còn bây giờ, tự nhiên tôi lại nghĩ tên mình giống một từ để hỏi, dằng dặc trăn trở, day dứt miên man…

Một người đàn ông cao lênh khênh, thùng thình trong bộ đồng phục của ngành đường sắt đi từng toa để soát lại vé. Ông ta săm soi chiếc vé của tôi trên tay rồi nhìn chằm chặp vào mặt tôi, khẽ nhíu mày. Thoáng chút khó chịu nhưng bất chợt tôi cười thầm. Lại là cái nhíu mày. Bao nhiêu năm nay tôi đã sống cùng những cái nhíu mày như thế. Bố tôi khẽ nhíu mày khi nếm thìa canh là thế nào mẹ cũng lật đật đứng dậy rót nước ấm vào cái cốc sứ có in hình bố mẹ rồi đặt thật nhẹ trước mặt bố. Bố khẽ nhíu mày săm soi cái cổ áo sơ mi là y rằng hôm sau mẹ gom hết đám sơ mi của bố ra giặt lại rồi hì hụi là ủi cả buổi tối. Có lần tôi bảo với anh Kiên: “Cái nhíu mày của bố giống như bật công tắc hoạt động cho khối rô-bốt đã lập trình sẵn là mẹ”. Anh gật gù: “Mai này anh cũng sẽ chọn người phụ nữ hiểu được cả cái nhíu mày của mình”.

Tôi chưa từng hoài nghi về không khí phẳng lặng, êm ả trong căn nhà rộng rãi và đầy đủ tiện nghi ấy dù đôi khi cũng mơ hồ nhận thấy phảng phất có vị “kịch” trong đó. Nhưng so với cuộc sống của mấy đứa bạn có “bố cục súc, mẹ chanh chua” thì rõ ràng tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều. Đôi ba lần tôi thoáng trông thấy nét mặt mẹ sa sầm khi cầm cái bàn chải chà thật mạnh vào cổ áo của bố để tẩy sạch một vết son mờ hoặc cố ý đổ nhiều nước xả vải để át đi mùi nước hoa lạ còn vương trên áo. Mẹ bặm môi làm cái việc nhẹ tênh ấy, nếu như tôi hay anh Kiên có lớ rớ hỏi han thì thế nào cũng bị mắng xối xả. Nhưng khi bố về, mẹ vẫn tươi cười ra mở cửa, một tay đỡ cặp, tay kia giúp bố cởi chiếc áo khoác ngoài. Bữa tối vẫn là những món ăn sở trường của bố trong những bát đĩa sứ sáng loáng cùng với cử chỉ ân cần, dịu dàng quen thuộc. Anh Kiên khẽ đá chân tôi. Tôi cắm cúi ăn để tránh bụm miệng cười và nghĩ thầm: “Bố chỉ nhíu mày là đủ uy quyền để thiết lập trật tự gia đình. Hay đấy!”.

Tôi vẫn bình thản tận hưởng cuộc sống ấm êm, tròn trịa với người mẹ dịu dàng và tinh tế, người bố có chức vị và phong thái đường hoàng, người anh trai tài hoa, hào phóng. Cho đến một buổi tối, trong lúc chờ bố về, mẹ nhờ tôi cài đặt đồng bộ một số phần mềm trên chiếc điện thoại mới mua, bất chợt có tin nhắn gửi đến từ một số máy lạ. Dòng tin nhắn dài hai mươi chín chữ chứa một thông tin cô đọng và một địa chỉ ngắn gọn. Tay tôi run bắn, tim như muốn bắn ra khỏi lồng ngực. Vừa lúc đó bố về, mẹ tíu tít ra đón, đon đả, dịu dàng như thường lệ. Tôi vội vàng chuyển tin nhắn vào mục thư nháp và biết chắc rằng mẹ chưa từng nhấn vào đó. Cả đêm ấy tôi thức trắng và hôm sau âm thầm gửi mẫu vật đến Trung tâm xét nghiệm ADN…

Tôi đã đối mặt với bốn chữ “KHÔNG CÙNG HUYẾT THỐNG” trong tâm trạng rối bời. Tôi là kết quả của tình một đêm, tình cũ, hay một mối lương duyên trái ngang? Tôi không dám căn vặn mẹ. Bấy lâu nay mẹ khoác chiếc áo choàng của sự dịu dàng, tinh tế, sẵn sàng vùi chôn cả bản năng ghen tuông đàn bà chỉ vì những cái nhíu mày, phải chăng đó là một nỗi bất hạnh khó sẻ chia. Chẳng hiểu sao tôi không thể gào khóc, cũng không đau đớn, hốt hoảng, lo sợ thân phận thật của mình bị ai đó phát hiện. Phải chăng vì tôi đã quá quen với sự an yên nên chẳng đủ sức quẫy đạp trong không gian đặc quánh của sự chỉn chu mực thước, khéo léo phục tùng mà anh Kiên vẫn bảo đó là “nghệ thuật sống”. Tôi bỗng thấy mình giống như hạt bụi đáng thương bám trên lớp áo choàng xa hoa, lấp lánh hạnh phúc ấy. Và tôi quyết định tìm đến địa chỉ ghi trong cái tin nhắn dài hai mươi chín chữ ấy…

Tôi bần thần đứng trước cổng bệnh viện X., hít một hơi rồi thở dốc, quả quyết bước qua cánh cổng phụ. Tôi hì hụi leo lên bốn tầng cầu thang rồi tần ngần ngồi xuống băng ghế chờ trước căn phòng có cánh cửa trắng toát khép hờ. Hành lang bệnh viện lác đác người qua lại, ai cũng mang khuôn mặt lo lắng, mệt mỏi, bất an. Tôi lại hít một hơi thật sâu, cố tỏ ra lơ đãng bình thản ngó xuống sân bệnh viện, nơi có rặng cúc quỳ vàng suộm như ấm lên trong ráng chiều. Cánh cửa khẽ mở, ông bác sĩ già bước ra với vẻ đăm chiêu, hai cô điều dưỡng trẻ đi sau ghé tai nhau thì thầm điều gì đó. Tôi bật dậy, hấp tấp theo họ đi về phía phòng của bác sĩ trưởng khoa.

- Cháu ngồi đi. Cháu là người nhà của ông Thịnh?

- Dạ vâng. Cháu ở Hà Nội vào. Tình hình của bác ấy giờ ra sao ạ?

- Ông ấy bị ung thư máu, từng sang Sin-ga-po điều trị nhưng không thực hiện được việc ghép tế bào gốc vì không tìm được mẫu máu tương thích. Ông ấy trở lại viện cách đây một tháng trong trạng thái tinh thần bất an, trí nhớ và sức khỏe giảm sút rõ rệt. Phát hiện bệnh ở giai đoạn không còn sớm, nhưng cũng không hẳn là hết hy vọng cháu ạ. Bà vợ thì yếu đau, hai cậu con trai đi học xa. Ông ấy đang nằm phòng dịch vụ một mình…

Tôi trở lại căn phòng ấy, khẽ khàng mở cửa bước vào. Người đàn ông gầy guộc ngồi tựa bên cửa sổ, im lìm, bất động như một pho tượng, gương mặt nhợt nhạt, vô hồn. Nghe tiếng bước chân của tôi, ông ấy quay ra, cặp mắt u ám ánh lên một tia nhìn hoài nghi. Bất giác, tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy xẹt ngang tim mình. Ngực tôi chợt thắt lại, da mặt tê xuội đi rồi lại nóng giần giật. Tôi lập cập đặt túi trái cây lên bàn rồi khẽ kéo ghế ngồi, lúng túng chẳng biết mở lời ra sao. Cặp mắt trũng sâu u ám vẫn nhìn xoáy vào tôi, ánh nhìn dần ấm áp hơn.

- Cháu là…

- Cháu ở Hà Nội mới vào. Cháu… cháu là con bố Trung, mẹ Lê…

- Trần Trọng Trung, Dương Hồng Lê. Được lắm, một nước cờ rất cao tay.

Ánh mắt người đàn ông chợt vằn lên những tia sắc lạnh. Một tràng cười khô khốc bật ra từ khuôn miệng méo mó tội nghiệp. Tôi bỗng nhiên hoảng sợ. Những cái nhíu mày và thói quen phục tùng tuyệt đối bấy lâu tồn tại trong gia đình tôi chắc hẳn có liên quan đến “nước cờ cao tay” mà người đàn ông tội nghiệp này vừa nói. Dường như đó là một kho bí mật về thân phận tôi, về con đường công danh xuôi chèo mát mái của bố, về tấm áo choàng hạnh phúc viên mãn mà bấy lâu mẹ cần mẫn, dịu dàng khoác lên gia đình mình. Ai sẽ vén lên tấm màn bí mật ấy? Mẹ tôi hay người đàn ông đang lâm trọng bệnh sắp mất hết trí nhớ này?

- Ai chỉ cho cháu đến đây?

Người đàn ông vẫn nhìn tôi tha thiết. Tôi bỗng thấy chân tay mình như nhũn ra trước ánh nhìn đục mờ mà đau đáu ấy. Có cái gì đó như thôi thúc, lại như thức tỉnh. Tôi ngập ngừng:

- Mẹ cháu… gửi lời hỏi thăm bác…

Lại một tràng cười. Dòng tin nhắn hai mươi chín chữ ấy lại cuộn lên trong tâm trí tôi. Tôi bỗng không thấy sợ hãi nữa. Tôi xích ghế lại gần, run run cầm lấy đôi tay gầy guộc, nhăn nheo, xám ngắt và òa khóc…

- Đừng khóc, con gái. Cảm ơn con vì đã đến đây với ba. Bấy lâu nay, vì muốn giữ yên bình cho tất cả, ba đã không muốn khơi lại quá khứ. Cái đêm ấy… Cái bản hợp đồng ấy… Những tấm ảnh mờ mờ ảo ảo ấy… Chức trưởng phòng rơi vào tay Trung. Còn ba thì nhận bản án 5 năm tù vì tội làm thất thoát công quỹ. Những ngày ở trong tù, ba đã nung nấu ý định trả thù, nhưng rồi khi biết mình có một đứa con gái, ba đã nuốt hận vào trong. Vì xét cho cùng, Lê cũng chỉ là một quân cờ... Nhưng khi mắc trọng bệnh cũng là lúc ba biết mình mất tất cả. Hai đứa con trai mà bấy lâu ba coi là niềm tự hào, là động lực để làm lại cuộc đời, đều không phải giọt máu của ba. Và ba đã liều mình nhắn tin cho mẹ con… Vì với ba, con là điều có ý nghĩa duy nhất trong những ngày ba còn hiện hữu trên cõi đời này. Ba muốn gặp con một lần…

Nước mắt tôi vẫn tuôn rơi nhưng tôi thấy lòng mình dần ấm lại. Mọi bí mật được hé lộ qua những lời nói ngập ngừng ngắt quãng mà da diết, đau đáu như trút gánh tâm tư. Sai lầm chỉ có thể được hóa giải bằng sự bao dung, thứ tha. Những tính toan vị kỉ được hóa giải bằng sự chấp nhận, nín nhịn, hy sinh. Bởi hạnh phúc hay khổ đau là do mỗi người tự lựa chọn. Tôi sinh ra như một “sự cố” ngoài ý muốn trong kế hoạch toan tính ấy. Nhưng tôi hiểu sự tồn tại của mình suốt hai mươi sáu năm qua cũng có khả năng chế ngự nhiều cung bậc cảm xúc trong những trái tim bộn bề nỗi niềm. Quá khứ đã vùi sâu trong sự dịu dàng khéo léo của mẹ, sự chăm chút thật lòng của bố dành cho tôi và nhất là sự bao dung của người đàn ông tiều tụy, đáng thương này. Tôi đã được tận hưởng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, dẫu hạnh phúc đó giống như chiếc áo choàng xa hoa khoác lên những tấm thân nhọc nhằn vì tâm bệnh.

Tâm bệnh hay thân bệnh cũng đều đáng thương và cần được cảm thông, thấu hiểu. Chẳng nên khơi tàn lửa dưới sông sâu. Mọi người đã âm thầm giữ bí mật về thân phận thật của tôi suốt bao nhiêu năm qua. Ấy là một sự lựa chọn hạnh phúc, là cách sống ít tổn thương nhất cho tất cả và tôi thầm cảm ơn điều đó.

Tôi nhìn ra phía cửa sổ. Thành phố lung linh ánh đèn như sao sa. Tôi lại nghĩ về cái tên của mình, cái tên ẩn chứa niềm hy vọng hay sự trăn trở, đau đáu, tôi cũng chẳng bận tâm nữa. Ngày mai, tôi sẽ đăng kí làm thủ tục xét nghiệm máu. Một tia hy vọng mong manh chợt lóe lên giữa miên mải yêu thương…

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Ảnh chụp màn hình phim Yêu tinh)

Trái tim... giấy

(PLVN) - Phi ngồi thẫn thờ bên cửa sổ, nhìn vơ vẩn dãy nhà cùng những cụm mây đen che lấp nền trời. Theo thói quen, anh liếc mắt qua ô cửa đối diện. Đăm đăm dán mắt vào khung cửa khép kín, Phi tin tưởng rằng nếu cứ nhìn mãi như vậy, một lúc nào đấy nó sẽ được mở ra bởi đôi tay trắng muốt. Nhưng rõ là vô vọng, Hân chuyển đi được gần một tuần. Cô đã gặp Phi để nói lời từ biệt, còn tặng anh chiếc lọ thủy tinh đựng những ngôi sao giấy.

Đọc thêm

Mẹ - Tình yêu vĩ đại không bao giờ phai nhạt

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Tôi còn nhớ, ngày ấy tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ, ngây ngô chưa biết gì về sự vất vả của mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, nhân hậu và luôn dành trọn tình yêu thương cho đàn con thơ.

Nghĩ ngợi ngày gió về

Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)
(PLVN) - Sáng thấy trời lạnh, tôi nói với con trai để ba chở đi học cho đỡ lạnh. Bình thường con trai tôi đang học lớp 6 phải đạp xe chừng 2km để tới trường. Con bảo, thích vậy cho chủ động và không phải ba mẹ đón đưa.

Thênh thang phố

Thênh thang phố
(PLVN) - Sống làm gì nữa khi bao quanh chỉ toàn những cực hình. Đầu óc Hân chìm trong mông lung ảo mờ. Lúc nào cũng chỉ nghe thấy sự xúi giục từ phía thùy não, vốn đã trở nên xơ cứng, u tối. Mắt cô lòe nhòe nhìn ra vô định.

Sau bão

Sau bão
(PLVN) - Trận bão quét qua làm cây cối ngã quỵ. Vùng vốn nghèo khó nay đối mặt mối nguy sạt lở đất đá. Vì sự cảm thương với bà con mà Hiển ngồi lên chuyến xe này.

Có những kiểu yêu…

Có những mối quan hệ độc hại, đầy rẫy bạo lực và bất bình đẳng nhưng người trong cuộc không dứt ra được, bởi cái cớ “trót yêu”. (Nguồn: FL)
(PLVN) - Lan Anh gục khóc nức nở trên vai bạn. Trên gương mặt cô là đôi mắt sưng húp, không phải do khóc, mà là do một tác động ngoại lực. Bờ môi sưng vêu, tụ máu. Người bạn gái thân thiết nghiến răng: “Đã nói mày bao nhiêu lần, phải bỏ cái thằng vũ phu đó đi, không có ngày nó đánh mày chết, mà mày không nghe”. Lan Anh rấm rứt trong làn nước mắt: “Nhưng tao không bỏ được. Tao yêu ảnh. Ảnh chỉ có tật nóng tính, còn lại rất tốt với tao…”.

Cô gái violon

Ảnh minh họa. (Nguồn: V.H)
(PLVN) - Buông tay khỏi những nốt đàn, Nhật thở dài đứng lên. Người bố đi từ trong phòng ra. Nhìn ánh mắt Nhật, ông nói: “Mới gặp chút khó khăn đã…”. Người bố hiểu tâm trạng con qua tiếng đàn.

Suốt đời học làm thầy

Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Những lúc không bận bịu lên lớp hay bài vở, giáo án, anh vẫn thường miệt mài xem gì đó trên điện thoại, soạn gì đó trên máy tính, lúi húi ghi chép gì đó trong quyển sổ tay nhỏ mang bên người. Bạn bè hỏi, anh bảo anh đang học. Bạn bè đôi khi đùa, sao đi làm thầy giáo rồi mà cứ học học nữa học mãi vậy, định học đến giáo sư à? Thì anh chỉ cười thủng thẳng: Sự học là sự nghiệp suốt đời mà.

Những gì còn lại

Hình minh họa. (Nguồn: JV)
(PLVN) - Thi thoảng thầy kể về một câu chuyện nào đó của những năm về trước vô tình tôi bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó, chỉ thế thôi không cụ thể một niềm nhớ nào.

Thống Linh và tôi

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Lúc còn là trẻ con, chắc hẳn ai cũng thích chơi trò cô dâu, chú rể. Chỉ là sau này đến tuổi biết ngại ngùng, người ta mới đâm ra rụt rè trước những lời gán ghép vợ chồng. Tôi cũng chẳng là ngoại lệ, hồi học lớp một, tôi khoái làm cô dâu vô cùng. Một ngày tôi đòi làm đám cưới cả chục lần với thằng Thống Linh hàng xóm. Thống Linh chắc cũng thích làm chồng tôi, vì chẳng bao giờ nó tỏ ra khó chịu trước lời những đề nghị kết hôn trắng trợn ấy.

Bánh đúc không xương

Bánh đúc không xương
(PLVN) - Sau ngày giỗ đầu của mẹ tôi, bố mời mọi người đến họp gia đình. Trong cuộc họp, tiếng ông nội sang sảng quyền lực, tiếng chú Hảo buông bải nước đôi, tiếng cô Hậu thẽ thọt xa xót. Chỉ có tiếng bố trầm lắng nhưng lại như những nhát búa nện vào trái tim đang tuổi nổi loạn của tôi.

Bay lên từ nước

Bay lên từ nước
(PLVN) - Màn đen hun hút, gió thổi rát mặt đêm. Bà Nhường cảm nhận chuyện chẳng lành với đàn cò nên đã gọi con trai dậy, cầm đèn pin ra vườn.

Sài Gòn trong cơn mưa…

Những cơn mưa Sài Gòn thường chọn cho mình giờ rơi khắc nghiệt nhất, ấy là buổi tan tầm.
(PLVN) - Nhiều người hay bảo thích ngắm mưa rơi. Vì nhìn mưa rơi sao mà tươi mát, mà dịu dàng đến thế, như một bản nhạc của đất trời.

Xuyên bão

Tranh minh họa của Văn Học
(PLVN) - Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, rõa rượi, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít.

Về nhé bạn ơi!

Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)
(PLVN) - Cứ sáng sớm hơn 4 giờ bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về.

Miền thơ ấu

Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)
(PLVN) - Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun.

Báu vật của người già

Ảnh minh họa
(PLVN) - Có một lần, một người bạn của tôi đăng lên mạng thông tin “Tìm bố lạc”. Trong bài viết ấy, bạn nói rằng bố bạn đã bỏ nhà đi mấy hôm nay. Kèm theo thông tin ấy là tấm ảnh một người đàn ông hơn 65 tuổi, trông còn minh mẫn, nét mặt sáng sủa, hiền lành.

Thám tử

Ảnh minh họa - Nguồn: ST
(PLVN) - Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ.