Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai hiện có nhiều sản phẩm nông sản, chăn nuôi, thuỷ sản có lợi thế cạnh tranh cả trong nước và thị trường xuất khẩu, vì có diện tích lớn, tổng đàn cao.
Việc mở rộng diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tổng đàn vật nuôi được chứng nhận GAP sẽ góp phần kiểm soát và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản; đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và môi trường, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việc kết nối nối tiêu thụ nông sản vào bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là cơ hội để nhà cung cấp mở rộng, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm, giúp các bếp ăn tiếp cận được với nguồn nông sản an toàn, chất lượng và bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Hội nghị này nhằm để các bên kết nối với nhau, tìm ra giải pháp để phối hợp cho hiệu quả, đặc biệt để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt chất lượng cao sau COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, kết quả thực hiện chứng nhận GAP trên địa bàn tỉnh đang gia tăng. Trong đó trồng trọt có 2.770 ha đạt chứng nhận, tăng 717 ha so năm 2022 (12,2 ha hữu cơ). Tỉnh đã xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tương ứng với 1.454 ha.
Về chăn nuôi, toàn tỉnh có 125 trang trại và 7 tổ hợp tác (53 hộ) được chứng nhận VietGAP. Trong đó, sản lượng thịt 124.607 tấn (heo đạt 92.359 tấn; gà đạt 32.248 tấn), đảm bảo nguồn cung trứng gà thương phẩm VietGAP là 283,166 triệu quả. Với thuỷ sản, đã có 14 vùng nuôi đạt chứng nhận VietGAP tương đương 15.282 tấn. Tuy nhiên VietGAP của thuỷ sản đã hết hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi thăm quan gian hàng đạt chuẩn GAP |
Cũng theo ông Sinh thời gian tới Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền và đào tạo GAP theo hướng: nội dung trọng tâm, đúng đối tượng, hình thức phù hợp. Đồng thời, liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ tuần hoàn gắn với mô hình quản lý cộng đồng cùng giám sát, ký kết hợp tác Win - Win và áp dụng công nghệ giống- hoàn thiện quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ cao và chuyển đổi số.
Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Tổng Giám đốc NHONHO trình bày tham luận tại hội nghị |
Tại hội nghị, các đơn vị đã trình bày các tham luận, trong đó, nổi bật là tham luận đến từ đơn vị cấp chứng nhận GAP của Công ty TNHH Công nghệ NHONHO.
Các địa phương thông tin về thực trạng cũng như giải pháp để phát triển chăn nuôi để đạt chứng nhận GAP tại địa phương. Đơn cử, UBND huyện Xuân Lộc cho biết, huyện luôn xác định việc “Phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp bền vững” là tiêu chí hàng đầu. Để đạt được những mục tiêu đó thì huyện đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp như tuyên truyền, quy hoạch các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, cũng như hỗ trợ để đưa hộ sản xuất mặt hàng nông sản chủ lực được chứng nhận GAP trên sàn thương mại điện tử...
Các đơn vị ký kết giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt( GAP) |
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã chứng kiến việc ký kết giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với 3 nhóm chính gồm trồng trọt, chăn nuôi và cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng Hội nghị đã đạt được mục đích kết nối giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất với tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập của người sản xuất, chứng minh được ngành nông nghiệp của Đồng Nai có khả năng tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương chủ động thực hiện các nội dung được giao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình triển khai Chương trình số 08/CTr-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2022 của UBND tỉnh. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trước hết là các sản phẩm chủ lực, lợi thế, sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, trong suốt quá trình sản xuất từ khâu trồng trọt, nuôi trồng, chăn nuôi, thu hoạch, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường đến các bàn ăn của học sinh tại trường học, của công nhân trong các doanh nghiệp, của từng hộ gia đình và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đồng hành thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh; kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.