29 sản phẩm đạt OCOP 4 sao
Hiện, tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; 110 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận cấp tỉnh; 42 sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận cấp khu vực; 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận cấp Quốc gia.
Các chủ thể đã đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, các sản phẩm OCOP của Cà Mau mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng.
Sản phẩm OCOP của HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong từng khâu sản xuất, xây dựng quy trình kiểm mẫu định kỳ cho từng sản phẩm. |
Bà Mai Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Thời gian qua, HTX xây dựng cộng đồng vùng nuôi trồng tôm, cua bền vững ở vùng ngập mặn, tạo ra hệ sinh thái trong lành thuận theo tự nhiên. Sản phẩm sạch là hàng tươi sống, đông lạnh, chế biến như tôm khô, thịt cua tách sẵn... Đặc biệt, các sản phẩm vẫn giữ được chất lượng tự nhiên hoàn toàn đúng hương vị của con tôm, cua sống tự nhiên dưới tán rừng.
Trong quy trình sản xuất, HTX luôn tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong từng khâu sản xuất, xây dựng quy trình kiểm mẫu định kỳ cho từng sản phẩm, sản phẩm được công bố đúng theo quy định, bao bì sản phẩm được ghi thông tin đầy đủ đúng theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa”.
“Bên cạnh công tác hoạt động xã hội, HTX đã tạo công việc làm cho phụ nữ địa phương, hỗ trợ kỹ thuật, con giống, thiết bị cho nông dân liên kết… Đồng thời, hướng dẫn nông dân liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu; duy trì hệ sinh thái rừng bền vững, tạo tác động cho cộng đồng có ý thức về môi trường”, bà Mai Thị Thùy Trang cho biết thêm.
Năm 2018-2024, HTX Tài Thịnh Phát Farm đã được chứng nhận Tiêu chuẩn Hữu cơ (là hoạt động đánh giá, phân tích, kiểm chứng độ sạch và an toàn của sản phẩm thực phẩm sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ của quốc gia hay thế giới); chứng nhận HACCP (là hoạt động đánh giá, xác nhận một tổ chức/doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn phù hợp với các yêu cầu, nguyên tắc của HACCP đặt ra).
Trong đó, các sản phẩm đã được chứng nhận 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm OCOP 3 sao vào các năm 2022 -2023; Danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2021.
Bánh phồng tôm HTX Cái Bát (nâng OCOP 4 sao). |
Cùng với đó, HTX Cái Bát đã được cấp chứng nhận ISO 9001:2015 (ngày 26/12/2023) cho nhà xưởng sơ chế và chế biến-sản xuất. Đặc biệt là HTX có vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và chứng nhận hữu cơ; được đánh giá vùng nuôi tôm, cua an toàn thực phẩm, các ao nuôi truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu.
Hiện, HTX có 5 sản phẩm: chả cá rô phi (OCOP 3 sao); cua sống (OCOP 3 sao); bánh phồng tôm (nâng OCOP 4 sao); tôm khô (nâng OCOP 4 sao). Riêng tôm sú đông (OCOP 4 sao) được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ĐBSCL năm 2023, sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Ông Nguyễn Hoàng Ân - Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát cho biết: “Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, các thành viên của HTX luôn kiên định việc lấy vùng nuôi là điều kiện quan trọng nhất để tạo ra nguyên liệu làm nên sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, các sản phẩm làm ra được tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Cà Mau; TP.Cần Thơ; TP.HCM; Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt là có mặt trong siêu thị AEO ở Long Biên, Hà Đông…”.
Hỗ trợ các DN và HTX nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau, thời gian qua, Saigon Co.op đã có những hoạt động hỗ trợ tích cực để giúp tỉnh Cà Mau nâng cao giá trị các sản phẩm… |
Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, Saigon Co.op đã có những hoạt động hỗ trợ tích cực để giúp tỉnh Cà Mau nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng như tôm, cua, cá và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi không chỉ là đơn vị phân phối, mà còn là đối tác chiến lược trong việc phát triển chuỗi cung ứng và hỗ trợ các hợp tác xã trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP”.
“Thời gian tới, Co.opmart tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã của Cà Mau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ để cải thiện năng suất, giảm chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, sẽ mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho người sản xuất, giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, cũng như cách thức để quản lý và phát triển sản phẩm bền vững”, Phó Giám đốc Co.opmart Cà Mau cam kết.
Nhiều sản phẩm OCOP của HTX và doanh nghiệp được Co.op Mart Cà Mau ký kết. |
Hiện, Co.op Mart Cà Mau đã ký kết với các nhà cung cấp sản phẩm OCOP tư doanh như: Cơ sở Thúy Lực; Công ty TNHH sản xuất thương mại SK NONI; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hùng Khánh; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trà Thu Hà; Hộ kinh doanh Quách Tệch và Hợp tác xã Cái Bát.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau còn gặp khó khăn như chưa được đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối; bán lẻ còn phụ thuộc vào mùa vụ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung. Điều này khiến các sản phẩm chưa phát huy hết tiềm năng, khó mở rộng thị trường và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các kênh phân phối lớn.
Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hội nghị xúc tiến thương mại là tìm kiếm thị trường mới để thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, kết nối với các kênh phân phối hiện đại và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Hội nghị xúc tiến thương mại là tìm kiếm thị trường mới để thúc đẩy xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Đồng thời, các hoạt động Hội nghị kết nối trực tiếp tại Cà Mau còn giúp các doanh nghiệp, đối tác và nhà phân phối hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất, giá trị sản phẩm của Cà Mau. Qua đó, giúp các doanh nghiệp Cà Mau nắm bắt kịp thời các thông tin, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới, từ đó tạo cơ hội cho các bên hợp tác kinh doanh và trở thành các đối tác chiến lược trong tương lai”.