Ồ ạt và… “đánh dấu”
Một nghiên cứu mới đây, bà Ngô Nữ Quỳnh Trang, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình bày tỏ lo ngại sự phát triển du lịch kéo theo việc mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng phục vụ du khách sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho cảnh quan, môi trường Phong Nha - Kẻ Bàng. Bởi việc đầu tư các công trình hạ tầng ồ ạt thời gian qua gián tiếp tạo thuận lợi cho khai thác gỗ, săn bắn thú rừng trái phép.
Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các loài linh trưởng, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Tại một số điểm đón lượng khách lớn như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc..., môi trường bị tổn thương nghiêm trọng bởi ô nhiễm.
Không những thế, những thiết bị lắp đặt chiếu sáng tại các hang động như Phong Nha, Thiên Đường còn có nguy cơ làm giảm tăng trưởng các loài ở đây như tảo, nấm... Lượng khách quá tải trong mùa hè như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái bên ngoài hang động.
Các loài sinh vật vốn xưa nay quen sống trong bóng tối hang động; những “viên ngọc động”, tinh thể canxi được hình thành từ dòng sông ngầm cả triệu năm liệu có còn khi phải đối mặt với những du khách thô bạo thích viết, vẽ lên di sản như một thứ đánh dấu?- là cảnh báo của không ít người.
Không phải nói đâu xa, nhiều “thiên đường hạ giới” chúng ta từng có như Đà Lạt, Hạ Long, Phong Nha... hiện không còn vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn do bị khai thác triệt để. Đến Lam Kinh, nhiều người sững sờ vì trước giờ cứ tưởng Thanh Hóa chỉ có Sầm Sơn!
Và rồi giữa rừng nguyên sinh xanh ngắt và những lăng mộ của triều Lê, những cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi gắn với huyền tích, giữa không khí u tịch, bỗng mọc ra những chiếc ghế đá chữ to tướng ghi tên nhà tài trợ- một ngân hàng đầy phản cảm, phản du lịch.
Hoặc Hạ Long vịnh đẹp - hiếm là thế nhưng xung quanh dường như có gì dùng đó, xấu từ tàu thuyền xấu đi; nhà hàng, khách sạn dường như “không liên quan” tới vẻ đẹp kì vĩ mà thiên nhiên ban tặng. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi khách đến một lần rồi khó quay lại.
Và mới cách đây vài tháng, Sơn Đoòng từng bị lăm le đe dọa bởi dự án cáp treo (bởi dư luận lên tiếng mạnh mẽ nên dự án phải tạm dừng lại) nhưng liệu có vì sự nổi tiếng này mà dự án cáp treo lại được triển khai với lý do phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách, hứa hẹn doanh thu khổng lồ?
Điều dễ nhận thấy, nếu làm cáp treo, mở cửa đại trà, Sơn Đoòng sẽ mất giá thê thảm. Cho dù bội thu về kinh doanh nhưng thất thu về những điều vô giá như một biểu tượng, những giá trị không thể mua được bằng tiền. Một khi môi trường bị xâm hại, những du khách chân chính và thế giới sẽ quay lưng.
GS.TSKH Vũ Quang Côn - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nóng đa dạng sinh học của thế giới chứ không chỉ riêng của Việt Nam. Với giá trị lớn như vậy, chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn.
Theo ông Côn: “Việc mở đường chuyển vật liệu, mở đèn, tiếng động có thể sẽ tác động đến quần thể sinh học, trong đó có động vật. Xây dựng xong sẽ có nhiều người tham quan, vì vậy có thể gây ra những tác động tới môi trường sống của những loài hoang dã trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng. Thêm vào đó là lo ngại về ô nhiễm môi trường.
Vẫn biết rằng quần thể hang là quý, người dân phải được chiêm ngưỡng cái quý của quốc gia nhưng có phải ai chiêm ngưỡng mà không bật đèn sáng, không hướng dẫn cũng hiểu được đâu. Tôi không có ý coi thường dân chúng nhưng tốt nhất những hang động như thế này chỉ nên cho các chuyên gia nghiên cứu, cho các nhà thám hiểm muốn trải nghiệm, khám phá”.
Thực tế, sức hấp dẫn của Sơn Đoòng là yếu tố khó khăn, mạo hiểm của cuộc hành trình, đòi hỏi cao về sức khỏe, tâm lý cộng với ham muốn khám phá và yêu quý thiên nhiên. Nó không dành cho đại bộ phận du khách thông thường không phải là nơi bạn có thể dễ dàng đặt chân đến. Vì vậy, Sơn Đoòng là đích đến và hành trình của những người ưa thích thám hiểm hang động và đáp ứng mọi điều kiện cho một chuyến đi như vậy.
Ngay cả Phong Nha, nơi mỗi năm có hàng trăm nghìn khách du lịch đến thưởng ngoạn, nhưng số người đã đi đến tận cùng của nó thì đến nay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và họ chính là những nhà thám hiểm hang động. Bởi vậy, đi đến Sơn Đoòng là chuyến du lịch đơn giản, theo cách thông thường.
Ở góc độ khác, ông Dương Trung Quốc bày tỏ: Để hài hoà giữa bảo tồn di sản và khai thác, điều quan trọng là quản lý chứ không phải ở chuyện cáp treo hay không cáp treo. Chúng ta nhìn tất cả di sản thế giới, họ vẫn khai thác nhưng khai thác với điều kiện hết sức chặt chẽ. Đương nhiên, đó là lý thuyết còn thực tế nó là cuộc đấu tranh rất khó, nhất là các cơ quan quản lý địa phương.
Ví dụ như Yên Tử không có cáp treo thì cứ tưởng tượng hàng vạn con người đi trên đường mòn truyền thống thì sẽ có bao nhiêu rác xả ra, những hàng tùng hai bên đường sẽ như thế nào với số lượng người đến tham quan đông như vậy, hay những người già, người yếu sẽ ra sao? Những vấn đề này cáp treo giải quyết được.
Vấn đề ở đây là cần phải quản lý thật tốt khi người ta không hình dung được cáp treo đi qua đâu và có mất đi tính linh thiêng của nó hay không? Đó chính là những áp lực để người ta chọn cách bảo tồn chứ không phải phương án tối đa về hiệu quả kinh tế.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật họcViệt Nam tự hào: Hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới từng được phát hiện cho tới thời điểm này. Hang là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam tọa lạc gần biên giới với Lào, được hình thành bởi quá trình địa chất từ hàng triệu năm.
Các nhà khoa học địa chất thế giới nhận định Sơn Đoòng là hang động kỳ vĩ nhất hành tinh. Với vẻ đẹp huyền bí, việc du lịch, thám hiểm, khám phá hang Sơn Đoòng luôn hấp dẫn khách du lịch ưa mạo hiểm và các nhà khoa học tìm tới nghiên cứu.
Hiện nay, du lịch khám phá đối với người Việt Nam đúng là chưa phổ biến. Trước đây, đời sống vật chất của người dân còn khó khăn. Nhưng dần dần cuộc sống càng ngày càng được cải thiện, con người sống hạnh phúc không chỉ có ăn và mặc, mà hạnh phúc chính là ở đời sống văn hóa, xu hướng gần gũi với thiên nhiên.
Ông bày tỏ: “Tôi không phản đối việc tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến khám phá hang Sơn Đoòng. Nhưng đâu nhất thiết cứ phải di chuyển bằng cáp treo. Chúng ta có thể tạo đường đi xuyên rừng, có chỗ nghỉ, nhà tạm, nhà sinh thái. Đó có thể cũng là những nơi thực hiện chiến dịch truyền thông khi dọc đường đi có thuyết minh. Như vậy, thời gian giữ chân khách du lịch sẽ được lâu hơn, lại vừa có lợi cho các dịch vụ của khu du lịch”.
Nếu nói không có cáp treo, khách du lịch sẽ đến ít? Không sao, trước mắt bảo tồn được hệ sinh thái. Đó là di sản thiên nhiên. Giữ lại di sản thiên nhiên để thu hút du khách, hãy để nó đi vào dấu ấn, trí nhớ của du khách, từ đó chúng ta mới phát triển được - GS. TS Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Thêm nữa, ông cho rằng người dân Quảng Bình, nơi có Tượng đài Mẹ Suốt và vị Đại tướng của dân tộc, mảnh đất đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đói khổ mà vẫn giữ được hệ thống hang động đẹp nhất hành tinh như thế, có lẽ nào chúng ta lại không giữ được sự kì vĩ, hoang sơ lâu dài cho các thế hệ con cháu sau này…
“Chúng ta giữ giá trị di sản thiên nhiên cho không chỉ Việt Nam mà đó cũng là tài sản chung của thế giới. Đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu. Phục vụ nhu cầu khám phá của con người nói chung. Không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, phá hoại hệ sinh thái tự nhiên mà thế giới đã từng ca tụng”, ông bày tỏ…
Có thể nói, cho tới lúc này, câu hỏi đau đáu của dư luận Sơn Đoòng sẽ được bảo vệ như thế nào trước làn sóng du lịch đại trà khi nó đã được truyền thông ca ngợi bởi rất nhiều mỹ từ, như một điểm đến “không thể bỏ qua trước khi chết” vẫn chưa có lời giải? Sẽ có nhiều công ty như Oxalis và những đoàn người từ những vùng quê nghèo khắp đất nước về đây làm cửu vạn. Dẫu cho dưới góc nhìn khoa học, du lịch sẽ là một “sát thủ” đối với Sơn Đoòng, và chúng ta không thể tin vào một lời hứa về cái gọi là du lịch hạn chế ở Việt Nam.
Bởi không phải ai cũng có cái nhìn như Mỹ Huệ, cô gái đầu tiên đặt chân tới Sơn Đoòng: “Tôi nhìn những “viên ngọc động” lung linh ấy với một suy nghĩ duy nhất trong đầu lúc đó là phải nhớ như in vẻ đẹp này sâu trong tâm trí. Chúng tròn trĩnh, mịn và sáng lấp lánh, lấp lánh khi ánh đèn pin chiếu vào khiến bất kỳ ai cũng bị mê hoặc và thèm muốn được sở hữu một viên ngọc đẹp đẽ như thế, tôi cũng không ngoại lệ.
Nhưng tôi nghĩ đến việc sẽ còn rất nhiều người đến đây, nếu ai cũng cầm một viên ngọc đem về “khoe chiến tích” thì sau này con cháu mình làm sao thấy được cảnh đẹp như thiên đường này khi họ xứng đáng được thưởng thức nó sau khi đã vượt qua chặng đường trắc trở mà tôi đã từng trải nghiệm qua. Tôi tôn trọng tất cả những điều đó nên đã không lấy đi viên ngọc nào…”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com