Những rẫy đệp a-hăm, đệp cù -cha của người Pa Cô như Kăn Năng ở lưng chừng núi càng ít dần đi. |
Đệp a-hăm, đệp cù-cha là nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của các loại bánh truyền thống như “peng a-chooih”, “peng ta-măr”, “peng a-koat”… và rượu cần men lá trong các dịp lễ hội Puh Boh (lễ canh giữ rẫy), A-ya (lễ hội mùa), Ariêu Piing (lễ cất bốc mồ mả)… của người dân tộc Pa Cô tự bao đời.
“Hạt ngọc” giữa lưng chừng núi
Chập choạng tối, chúng tôi tìm gặp ông Kray Sức – cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) – một người am tường bậc nhất về cuộc sống và văn hóa truyền thống của người Pa Cô ở tỉnh này, để được nghe về đệp a-hăm, đệp cù-cha trước khi tận mắt thấy.
Ông Kray Sức bắt đầu câu chuyện về hai loại lúa nếp ấy: “Xưa tổ tiên nâng niu chúng như ngọc quý. Gọi là đệp a-hăm và đệp cù-cha bởi “đệp” theo tiếng của dân tộc Pa Cô miềng có nghĩa là “gạo nếp”, còn “a-hăm” là máu huyết và “cù-cha” là than. Là bởi khi cho vào cối giã tách vỏ, đệp a-hăm có màu huyết dụ ở trong lõi hạt, còn đệp cù-cha có màu đen nhạt và bóng.
Muốn trồng được đệp a-hăm, đệp cù-cha thì khi người dưới xuôi ăn xong cái Tết Nguyên đán, cũng là lúc người Pa Cô chọn những triền đồi cao chặt cây, phát sim mua, cỏ dại để làm một cái rẫy. Đợi nắng lên khô hết cây thì quây lại, châm lửa đốt thực bì. Tháng 4 dương lịch mới đưa hạt giống lên trồng. Đàn ông đi trước dùng cái dùi chọc những cái lỗ trên đất, phụ nữ đi sau tra hạt giống xuống rồi lấp lại. Qua nửa mùa nắng, nửa mùa mưa chăm sóc, khoảng đến tháng 10- 11 là vào vụ gặt”.
Theo ông Kray Sức, cứ gieo 1 gùi đệp a-hăm, đệp cù-cha mà gặt được khoảng 7 gùi thì đã là được mùa to. Giống 2 loại lúa nếp này phải trồng ở lưng chừng những đồi núi cao, dù nắng cháy hay rét buốt, sương giá khắc nghiệt đến mấy vẫn phát triển xanh tốt. Nhưng nếu mang xuống gieo ở ruộng trồng lúa nước, hạt giống không bao giờ nảy mầm.
Có lẽ do điều kiện sinh trưởng đặc biệt nên theo ông Kray Sức: “Xét về chất lượng tinh bột, vị ngọt bùi, độ dẻo và thơm của đệp a-hăm, đệp cù-cha là nhất. Chưa từng thấy một loại lúa nếp nào sánh được. Đây còn là bài thuốc của đồng bào để chữa các bệnh về đường ruột cho trẻ mới ốm dậy ăn lại sức hoặc phụ nữ sau sinh đẻ”. Ngoài việc dùng cho lễ hội của bản làng và làm thuốc, sự hiện diện của hai loại lúa nếp này trong bếp ăn của người Pa Cô là để tiếp khách quý hoặc các lễ cúng tổ tiên.
Cụ Kăn Tươi (74 tuổi, ở xã A Ngo) là một trong số ít những người còn giữ được đệp a-hăm trong nhà sàn. |
Cả bản chỉ vài người trồng gạo “ngọc”
Chúng tôi rong ruổi khắp các bản làng, từ A Đăng, Vực Leng… (của xã Tà Rụt), đến A Roang, A Đeng (của xã A Ngo) thuộc huyện Đakrông – thủ phủ của người Pa Cô ở Quảng Trị. Gặp ai, chúng tôi cũng hỏi thăm người trồng đệp a-hăm, đệp cù-cha nhưng chỉ nhận được những nụ cười thèn thẹn cùng tiếng trả lời “ít lắm” hoặc “không biết nữa” và cái chỉ tay lên phía mấy ngọn đồi thấp thoáng trong màn mưa rừng bàng bạc.
Mãi đến khi gặp Kăn Năng (Kăn là danh xưng chỉ người phụ nữ đã có chồng, con – PV) ở bản A Đang của xã A Ngo, chúng tôi đã mừng như bắt được vàng khi nghe trả lời: “Ơ, miềng vừa mới từ rẫy đệp a-hăm về đây”. Buổi bình minh của đại ngàn Trường Sơn sau cơn mưa dài từ chiều qua khoáng đạt lắm. Trời xanh thẳm, chan hòa và núi rừng dần ươm vàng khi những sắc nắng đầu ngày hắt xuống.
Đúng hẹn, chúng tôi trở lại A Đang. Kăn Năng và Kăn Lịch (người cùng bản) đã đợi sẵn để dẫn đường. Trên những lối mòn nhỏ uốn lượn qua các triền núi để lên rẫy, Kăn Năng kể: “Người Pa Cô xưa trồng đệp a-hăm, đệp cù-cha nhiều lắm, đến mùa lúa nếp chín vàng ruộm cả những triền đồi. Khi mùa nắng đẹp không còn nằm trên đầu núi nữa, là lúc bà con gặt về, phơi khô rồi cất giữ trên những nóc bếp nhà sàn”.
Lên tới triền đồi nằm tựa vào đỉnh núi cao sừng sững, vai áo đã ướt đẫm mồ hôi, cũng là lúc chúng tôi chạm chân vào rẫy đệp a-hăm. Khác với hình ảnh mà chúng tôi hứng khởi tưởng tượng, trên mặt rẫy khoảng hơn 1 sào là lởm chởm những gốc cây to còn sót lại, đệp a-hăm mọc lưa thưa, thân cao từ 60- 70cm, đã sắp cho thu hoạch. “Giữ được rẫy đệp a-hăm, đệp cù-cha là may lắm rồi. Nay chẳng còn mấy ai trồng đâu.
Cả xã A Ngo đông người Pa Cô lắm, nhưng cuối mùa rẫy, chỉ có vài sàn nhà là có quà của Giàng ban mà gác bếp thôi. Mà nhà có trồng thì cũng chỉ để mùa gặt vài gùi để dành cho lễ hội. Cả bản A Đang chỉ có miềng với Kăn Năng bàn với nhau rằng, đệp cù-cha, đệp a-hăm không thể làm no cái bụng của bà con, nhưng mùa nào cũng phải trồng để mong còn giữ được giống mà truyền lại cho con cháu mai sau”, Kăn Lịch lo lắng bộc bạch.
à Kăn Kinh (43 tuổi, ở xã Tà Rụt) đang chuẩn bị đệp cù-cha để làm bánh phục vụ lễ hội. |
Giữ hồn người Pa Cô
Từ rẫy đệp a-hăm trở về, chúng tôi lại tìm ông Kray Sức để tìm câu lý giải cho việc ngày càng hiếm người Pa Cô trồng hai loại lúa nếp này. “Có lẽ do năng suất thấp và việc gieo trồng phải tìm những ngọn núi cao. Đồng bào bây giờ tập trung chọn lúa nước, sắn, ngô… cho năng suất cao, đất đai dễ tìm và lại dễ trồng”, ông Kray Sức cho biết.
Hết lý giải, ông Kray Sức lại xót xa: “Một ngày nào đó không xa, khi người Pa Cô chẳng còn ai trồng những hạt ngọc quý ấy nữa thì các lễ hội Puh Boh, Ariêu Ping, A-ya biết lấy gì làm peng a-chooih, peng ta-măr, peng a-koat và rượu men lá để cúng trình Giàng? Nét truyền thống của đồng bào không giữ được khác nào con suối trong rừng Trường Sơn không có cái nguồn. Không lẽ trong các lễ hội sau này, con cháu người Pa Cô lại cúng dâng Giàng bằng rượu trắng có nhãn, đóng chai và các loại bánh chưng, bánh nếp bán ngoài chợ huyện?”.
Hành trình đỏ mắt tìm gạo “ngọc” chúng tôi đã trải qua khiến những trăn trở của ông Kray Sức không phải không có lý. “Chỉ mong rằng ngành nông nghiệp của huyện, của tỉnh sớm có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại lúa nếp quý này cho phù hợp để vực dậy truyền thống trồng đệp cù-cha, đệp a-hăm cho đồng bào. Chứ cứ đà này, chúng sẽ tuyệt chủng mất thôi” - ông Kray Sức hy vọng.
Thêm một vụ gặt đệp cù-cha, đệp a-hăm nữa lại về. Nhưng số lượng rẫy trồng trên núi cao cứ ít dần, liệu loại gạo “ngọc” có mất hút vào chốn lưng chừng núi hoang hoải mưa nắng đại ngàn?