- Thưa ông Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã rất rõ ràng, trong đó có cả việc yêu cầu thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền. Tuy nhiên, qua câu chuyện này mới thấy rằng một người đứng đầu trong cơ quan kiểm tra phòng chống tham nhũng mà chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì vụ việc mới được làm rõ. Ông đánh giá thế nào kết luận cũng như công tác kê khai tài sản?
Với tư cách là một đại biểu QH tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của UBKTTW trong vụ việc này. Để đưa ra được kết luận rất hợp lòng dân. Đây là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước nó thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai.
Có một điều đáng tiếc hơn cả đó là người được giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước trong một thời gian dài lại tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng mà lại có những sai phạm như vậy thì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước rất rõ.
Tuy nhiên qua vụ việc này tôi cho rằng chúng ta vẫn còn có sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Tôi nghĩ rằng nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm mà được thực hiện nghiêm túc mà chính thanh tra Chính phủ là người tham mưu việc đó thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi.
- Như ông vừa nói xuất hiện những kẽ hở và thực tế kiểm tra 6 ngôi nhà đều cho thấy sai phạm cả 6?
Tôi không có điều kiện điều tra xác minh cụ thể. Mà cho đến giờ việc điều tra xác minh có nhiều sai phạm đến vậy, tôi nghĩ rằng trong quá trình thực hiện kê khai tài sản lần đầu và những lần sau đã không trung thực. Nếu nó được thực hiện trung thực thì các cơ quan đã phát hiện được ra. Điều đó cho thấy việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức là như vậy.
Chúng ta quản lý cán bộ không chỉ quản lý lúc đương chức mà còn phải quản lý ngay cả lúc về hưu đặc biệt là đối với Đảng viên bởi vì rất nhiều trường hợp sau khi về hưu mới phát hiện được và người có sai phạm cho rằng mình đã hạ cánh an toàn nên đến lúc về hưu mới bung ra vì cho rằng không ai làm gì được mình cả. Tôi nghĩ đây là việc tạo ra tiền lệ để xử lý và cảnh tỉnh cho những người nào đã sai phạm trong thời kỳ đương chức thì đến lúc về hưu hãy dè trừng.
- Câu chuyện này rút ra bài học gì quý giá nhất, thưa ông?
Bài học có lẽ không có gì lớn hơn việc quản lý cán bộ công chức. Mà đặc biệt việc thực hiện giải pháp trong phòng chống tham nhũng đó là bài học đắt giá nhất. Qua vụ việc này cũng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên giải quyết vụ việc này triệt để sẽ giúp lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng, đối với pháp luật. Triệt để ở đây có nghĩa là sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện đến đâu phải được xử lý đến đó. Ví dụ như nếu như tài sản bất minh phải được thu hồi, rồi tài sản không thực hiện chính đáng mà có sai phạm một phần thì xử lý một phần – tùy từng trường hợp cụ thể.
- Xin cám ơn ông!
ĐB Trương Trọng nghĩa (TP.HCM): “Cả luật pháp của Nhà nước và qui định quản lý cán bộ của Đảng hiện hành đều không có chuyện “về hưu thì chấm hết trách nhiệm đối với sai phạm”. Thực tế đã cho thấy, có nhiều người trong thời gian đương chức, đương quyền, có sai phạm và có thể tránh né được việc xử lý vi phạm. Nhưng theo pháp luật, khi về hưu nếu có tố cáo hoặc cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm mà vẫn còn thời hiệu xử lý thì cá nhân sai phạm vẫn phải chịu trách nhiệm và trong qui định quản lý cán bộ của Đảng cũng không có qui định nào cho thấy “về hưu là chấm hết trách nhiệm”. Nhưng việc truy ra và xử lý sai phạm của một số CB về hưu như trường hợp của ông Trần Văn Truyền cho thấy, các cơ quan chức năng đã thực hiện những qui định hiện hành về xử lý trách nhiệm cán bộ và tôi cho rằng, từ đây “về hưu không còn là lá chắn an toàn cho người có sai phạm đến mức phải xử lý” theo qui định”