Tiềm năng bỏ ngỏ
Có một thực tế là hiện nay nhiều sao Việt “đổ bộ” làm đại sứ du lịch, quảng bá cho ngành du lịch nước bạn, câu hỏi đặt ra là phải chăng ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa nắm bắt hết cơ hội?
Mới đây, tại cuộc họp giữa đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Nếu khai thác tốt nguồn tài nguyên là các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực để mời họ cùng tham gia xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, thì du lịch Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều khách hơn”. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với người nổi tiếng mới là đề tài rộ lên gần đây nhằm tạo ra hướng đi mới quảng bá du lịch nước nhà.
Trước Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã sử dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch của nước họ một cách hiệu quả. Đơn cử là các chiến dịch quảng bá du lịch Bhutan gắn với nhiều tên tuổi nổi tiếng Việt Nam như MC Nguyên Khang, Phan Anh, người mẫu Quang Đại, ca sĩ Bảo Anh, Hồ Quang Hiếu… cùng mặc trang phục truyền thống Gho và Kira và trải nghiệm văn hoá nước này.
Điều này đã góp phần thu hút một bộ phận không nhỏ du khách Việt Nam đến Bhutan. Ngoài ra, có thể kể đến, năm 2017, Noo Phước Thịnh được Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí du lịch và đại diện hình ảnh cho các chiến dịch xúc tiến du lịch Nhật Bản.
Cùng năm này, gia đình diễn viên Huy Khánh cũng được bổ nhiệm giữ cương vị Đại sứ du lịch tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) nhân sự kiện kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trước đó, ca sĩ, diva Mỹ Linh cũng từng được bổ nhiệm làm Đại sứ danh dự quảng bá du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tất cả các ví dụ trên cho thấy nỗ lực của các nước này hướng tới thị trường mục tiêu là Việt Nam như thế nào. Việc mời các “ngôi sao”, người nổi tiếng của làng văn nghệ Việt quảng bá du lịch, rõ ràng nhắm vào thị trường cụ thể, trước hết là lượng người hâm mộ của những người nổi tiếng đó.
Thực tế cho thấy, tour du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng thân thuộc với du khách Việt với đủ các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm, shopping…; còn du lịch Bhutan chủ yếu thu hút dòng khách du lịch về nguồn cội, du lịch tâm linh, du lịch Phật giáo…
Ca sĩ, diễn viên, người mẫu…, nói chung là người nổi tiếng trong showbiz, không chỉ có lượng người hâm mộ theo dõi đông đảo trên các trang mạng xã hội, mà một số còn nhận được sự công nhận của người hâm mộ quốc tế. Việc họ chia sẻ những trải nghiệm du lịch cá nhân trên Internet có thể gây nên hiệu ứng lan toả đối với người hâm hộ, một hình thức quảng bá có thể không làm cho người xem cảm thấy gượng ép, khó chịu.
Các chuyên gia cũng nhận định, dù hình ảnh người nổi tiếng gắn với du lịch Việt Nam từ trước đã có nhưng nhìn chung chưa tạo hiệu ứng lớn. Sự xuất hiện của những nhân vật nổi tiếng trong các sản phẩm du lịch sẽ giúp hành trình khám phá Việt Nam cũng như Hà Nội trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nỗ lực tiếp thị, quảng bá của doanh nghiệp lữ hành là chưa đủ, phải có kế hoạch dài hạn để du khách tham khảo, và vấn đề về truyền thông được coi là cốt yếu.
Cần có định hướng, kế hoạch dài hạn
Từ khi đưa ra đề án xây dựng sản phẩm du lịch gắn với người nổi tiếng, ngành du lịch cũng đã đạt được những bước đi đầu tiên. Cụ thể, đầu tháng 8/2019, chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) có sự góp mặt biểu diễn của một số diễn viên trong bộ phim “Về nhà đi con” như Trung Anh (vai bố Sơn), Bảo Thanh (vai Thư), Khánh Linh (vai Linh) thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách.
Tiếp đó, đầu tháng 10 này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với huyền thoại biểu diễn bong bóng thế giới Fan Yang (người Mỹ gốc Việt) tổ chức giới thiệu sản phẩm du lịch mới mang tên “Nghệ thuật Bubble Show” diễn ra liên tục ở Hà Nội. Ngay sau đó, chương trình biểu diễn bong bóng của huyền thoại Fan Yang sẽ có tên trong lịch trình tour của các doanh nghiệp lữ hành, hứa hẹn sẽ mang đến một lựa chọn mới mẻ, thú vị cho du khách muốn khám phá Hà Nội.
Không thể phủ nhận, phát triển du lịch gắn với người nổi tiếng có thể tăng tính lan tỏa, nâng sức hút với du khách trong nhiều lĩnh vực hội họp, tham quan, khám phá. Song, khách quan nhận định, các chương trình trên đây mới chỉ là bước đầu cho một kế hoạch dài hạn, việc xây dựng sản phẩm du lịch sao cho hấp dẫn và khai thác thế nào cho hiệu quả bền vững vẫn là một bài toán cho các nhà làm du lịch.
Bởi, ngành du lịch còn thiếu sự chủ động trong việc mời người nổi tiếng làm đại sứ. Điều này là do các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến vẫn chỉ chú trọng đến nguồn tài nguyên sẵn có trong xây dựng sản phẩm du lịch, rồi đưa vào hành trình tour, tuyến.
Trả lời báo chí, ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, lý giải, du lịch nước nhà lại không có nhiều sản phẩm sáng tạo, có thể khai thác dưới góc độ du lịch.
Theo đó, đa số người nổi tiếng chủ động chọn chương trình và điểm đến khi họ thấy phù hợp, vậy nên các doanh nghiệp lữ hành nên chủ động xây dựng sản phẩm du lịch có sự tham gia của họ. Các sản phẩm du lịch phải chạm đến nhiều điểm chạm về cảm xúc của du khách, một chương trình nghệ thuật của người nổi tiếng sẽ phải thể hiện được tính du lịch văn hóa, giáo dục đậm nét hơn chứ không phải chỉ là sự giải trí đơn thuần.
Bên cạnh vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch, thì vấn đề về truyền thông, quảng bá cũng cần có định hướng, kế hoạch dài hạn, được triển khai cụ thể qua các giai đoạn.
Nhưng quan trọng hơn hết, nhìn từ du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, hay một quốc gia nhỏ như Bhutan, không chỉ xét đơn thuần là cảnh đẹp, những ai từng đi du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Bhutan... đều phải công nhận cách họ làm du lịch dồi dào và phong phú, khiến du khách cảm thấy hài lòng khi rời đi và muốn quay trở lại.
Quả thực, mời sao, siêu sao hay nhiều người nổi tiếng tới Việt Nam trải nghiệm, thực hiện MV, dự án phim ảnh với những cảnh quay “đẹp như mơ” là điều không khó khăn với ngành du lịch Việt.