Trắng tay vì... án hết thời hiệu
Vụ án chia tài sản thừa kế ở Từ Liêm, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Người được thi hành án trong vụ này là chị Nguyễn Thị H, ở Cổ Nhuế. Theo bản án đã có hiệu lực, chị H. được chia một căn nhà cấp IV và 10m2 tường rào.
Tháng 8/2009, cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế buộc ông Nguyễn Hồng T. (người đang quản lý tài sản) phải trả cho chị H. số tài sản nói trên. Tuy nhiên, sau khi mọi việc cưỡng chế đã xong xuôi, Tòa án mới có kháng nghị, phiên giám đốc thẩm sau đó trả hồ sơ về cho Tòa sơ thẩm.
Tại quyết định của Tòa án huyện đã tuyên đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu khởi kiện. Lúc này, người phải thi hành án khiếu nại khắp nơi vì “bỗng nhiên” họ mất một diện tích đất mà thi hành án đã cưỡng chế theo án tuyên. Giờ án “hết thời hiệu”, họ cũng chẳng biết làm cách nào lấy lại.
Vụ việc nói trên rắc rối ở chỗ, sau khi được chia đất, người được thi hành án đã xây nhà nghỉ và giao quyền quản lý nhà nghỉ này cho một người khác. Muốn trả tài sản về cho người phải thi hành án lúc đó đã không còn thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp sau khi cưỡng chế, người được thi hành án đã chuyển nhượng tài sản cho nhiều người, khi đó có muốn đòi lại thì cũng phải qua hành trình tố tụng dài lê thê.
Khi Tòa “quên” thi hành án
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Nam Định Phạm Thị Đương cho hay: thực tế có rất nhiều vụ án sau khi có hiệu lực pháp luật đã được thi hành xong các khoản về tài sản, nhưng sau đó bản án, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã hủy án và không tuyên rõ hướng xử lý những khoản đã được thi hành xong trước đó. Vì thế, bản án sơ thẩm, phúc thẩm sau này xét xử lại cũng không đề cập đến hậu quả của việc thi hành án dẫn đến cơ quan thi hành án áp dụng không đúng hoặc không có căn cứ để ra quyết định thi hành án.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Long An cũng chỉ thêm một dạng khó khăn khác khi tài sản đã đem bán đấu giá mới có kháng nghị: “Hiện pháp luật chưa có quy định về cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị, tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc bị hủy để xét xử lại”.
Tổng kết Luật Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thừa nhận: “Không ít bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải xét xử lại nhiều lần, kết quả các lần xét xử lại trái ngược nhau, đặc biệt là có một số vụ việc, cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong, nhưng bản án bị Tòa án kháng nghị hủy bỏ đã gây khó khăn, phức tạp cho việc thi hành án và xử lý hậu quả của việc kháng nghị đó”.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực:
Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự cần bổ sung quy định trước khi xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo kết quả thi hành án. Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án bắt buộc phải giải quyết các hậu quả phát sinh do bản án đã được thi hành, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, trách nhiệm bồi thường vật chất (nếu có).