Đầu năm học mới, các cô giáo Trường Tiểu học Nghĩa Mai B cũng như cán bộ, nhân dân xã Nghĩa Mai lại “vật lộn” với con đường đất dài hơn 5km từ trung tâm xã đến điểm trường. Cô Cao Thị Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Mai B - chia sẻ:
“Con đường dài khoảng 5km nhưng có đến hơn 1km là đường trơn trượt, mùa mưa đến là cơ khổ, đi từ 5h sáng để đến trường là phải mang theo bộ quần áo khác để thay vì ngã xe. Năm nào cũng rứa, cứ đến mùa mưa là không chỉ giáo viên mà nhân dân cả xã lại sợ nhất con đường này…”.
Tuyến đường liên xã từ UBND xã Nghĩa Mai đến trường bùn đất lầy lội. Chứng kiến cảnh các cô giáo, thầy giáo ngã xõng xoài trên nên đất đỏ, màu áo dài trắng nhuộm bùn đỏ thành màu “cháo lòng” vào mỗi sáng thứ hai nếu gặp trời mưa, ai cũng không khỏi xót xa.
Nhiều người ví von khi đi qua đoạn đường này là “bơi”, bởi vì mưa kéo theo bùn non trơn trượt mà không có ai trượt ngã. Những ngày mưa, nếu có người đau ốm thì việc đưa người ốm qua đoạn đường này cũng là một vấn đề nan giải. Cũng có một tuyến đường vòng nhưng mưa lớn thì những con suối cũng không thể qua được.
“Nhiều bữa có người ốm, chở xe máy qua đoạn đường ni hết khổ, có người đau nặng thì mới phải đưa ra khỏi vùng chứ đau sơ sơ thì không dám đưa ra vì đi qua đây khiếp quá…” - một người dân Nghĩa Mai cho biết.
Ông Hoàng Văn Nhường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: “Tuyến đường có hơn 1km trơn trượt, đi qua đoạn đường này chỉ có nước đi bộ là khỏe nhất. Hàng ngày không riêng gì các cô mà chính tôi cũng đi qua đây đi làm tôi biết vất vả và khó khăn như thế nào. Dân chất vấn trong HĐND xã, chính quyền xã cũng đã nhiều lần chất vấn và đề xuất phương án trong các phiên họp HĐND huyện, HĐND tỉnh nhưng vẫn chưa có giải pháp nào. Mong các cấp quan tâm để nhân dân có con đường giao thông đi lại thuận lợi hơn trong mùa mưa lũ tới…”.
Ngoài đoạn đường trên thì tuyến đường về 6 xóm bên ngoài cũng vất vả không kém, đất đỏ badan gặp mưa thành “nỗi ám ảnh” của người dân nơi đây. Những em học sinh đi xe đạp đến trường cứ hễ đi được một đoạn là đất bám đầy xe, bánh xe chẹt cứng không thể đẩy được nên việc các em đến chậm giờ cũng thường xuyên xảy ra sau mỗi trận mưa.
Nghĩa Mai là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của địa phương, với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số Thanh, Thái, Thổ… sinh sống, vì thế việc tự bỏ kinh phí cho việc nâng cấp sửa chữa nằm ngoài tầm tay của địa phương.
Sau mỗi đợt mưa, xã lại vận động nhân dân san lấp lại con đường để tiếp tục đi lại, nhưng đây cũng chỉ có thể là giải pháp tạm thời. Không riêng các giáo viên mà toàn thể nhân dân trong xã Nghĩa Mai có chung mong muốn con đường này được sửa sang cải tạo để có thể trở thành một đường giao thông thực sự, không còn là nỗi ám ảnh của người dân.