Không có xây dựng đáng kể?
Ông Tiến cho biết, các khu vui chơi ở khu vực bãi đá sông Hồng đã tồn tại từ cách đây rất lâu, khoảng 7 -8 năm về trước. Ban đầu chỉ là những công trình thô sơ, được xây dựng dần thành khu vui chơi đông khách như hiện nay.
Cũng theo ông Tiến, từ nhiều năm nay, mỗi năm lại có 2 – 3 đoàn đến thanh tra, kiểm tra khu vực bãi đá sông Hồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra ghi nhận không có xây dựng gì đáng kể.
Mặc dù vậy, cuối năm 2013, UBND phường Nhật Tân, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội và các phòng ban liên quan đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa và sau đó yêu cầu những người có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng.
Đặc biệt, năm nay, đã có đoàn kiểm tra của Thành ủy Hà Nội về thị sát khu vực bãi đá sông Hồng. Cho đến nay, cơ quan Thành ủy Hà Nội chưa có thông tin hay kết quả gửi về UBND phường Nhật Tân.
Cũng theo ông Tiến, hiện nay, việc dẹp bỏ các công trình vi phạm ở khu vực bãi đá sông Hồng là việc nằm ngoài khả năng của phường Nhật Tân. Mặc dù chính quyền phường Nhật Tân là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc xử lý các vi phạm này.
Các lực lượng chức năng của phường rất mỏng, không thể thường xuyên, sát sao kiểm soát các sai phạm ở khu vực bãi đá. Vì thế không tránh khỏi các sai phạm được tiếp diễn.
“Đây là vấn đề nhức nhối đối với UBND phường Nhật Tân. Không chỉ ảnh hưởng đến khu vực hành lang đê điều, chủ đầu tư nơi đây ngang nhiên sử dụng đất công mà không đóng thuế cho địa phương. Chúng tôi muốn đứng ra thu thuế cho ngân sách cũng không được vì các khu vui chơi trên vốn không được cấp phép đăng ký kinh doanh” – ông Tiến bức xúc.
Hiện tại, UBND phường Nhật Tân cũng chưa xác định rõ chủ đầu tư thực sự của những khu vui chơi đó là ai. Mỗi lần ra kiểm tra, nhân viên ở đây lại báo với cơ quan chức năng khu vui chơi có một chủ khác, phường không thể kiểm tra được.
Khu vực hành lang thoát lũ
Theo tài liệu của UBND phường Nhật Tân, bãi đá sông Hồng là khu vực nằm trong hành lang thoát lũ. Vì vậy các công trình trên đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.
Mặc dù các công trình trên đã bị giải tán từ năm 2013, nhưng vì UBND phường Nhật Tân không thể kiểm soát hết được nên các công trình lại mọc lên.
Khu vực vui chơi, chụp ảnh được nhiều người ưa thích lại nằm trên hành lang thoát lũ |
“Ở khu vực đó có nhiều cách để xây dựng “chui”. Có thể họ (các hộ dân- PV) xây dựng vào những ngày nghỉ, khi cơ quan chức năng không thể tục trực liên tục. Thậm chí họ vận chuyển nguyên vật liệu bằng đường sông thì chính quyền cũng đành bó tay”- ông Tiến bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch UBND phường Nhật Tân) cho biết: Trước tình trạng trên, UBND phường Nhật Tân, phòng Kinh tế quận Tây Hồ đã lập đề án gửi lên UBND TP Hà Nội xin được cải tạo khu vực bãi đá sông Hồng để làm khu sinh thái.
Theo ông Tài, việc biến khu vực trên thành khu du lịch sẽ khiến Nhà nước không bị thất thu ngân sách, tránh việc đất công bị sử dụng trái phép.
Trong trường hợp đề án trên không được UBND TP Hà Nội chấp thuận, phường Nhật Tân sẽ tiến hành việc cưỡng chế, đưa máy ủi đến san phẳng, trả lại hiện trạng ban đầu cho bãi đá sông Hồng. Còn việc các công trình có tiếp tục mọc lên hay không, phường Nhật Tân không thể khẳng định được.
“Khó khăn nhất trong việc quản lý khu vực bãi đá sông Hồng là không thể kiểm soát hết được việc các hộ dân tự ý xây dựng. Chúng tôi đã tính đến phương án xây dựng hàng rào xung quanh, nhưng không khả thi vì đây là khu vực hành lang thoát lũ, không được phép xây dựng bất cứ thứ gì.” – ông Đặng Hữu Tiến cho biết.
Trả lời câu hỏi: Liệu có trường hợp cơ quan chức năng “bảo kê” cho chủ đầu tư khu vui chơi ở bãi đá sông Hồng vi phạm pháp luật, ông Đặng Hữu Tiến khẳng định là không có, bởi vì bản thân chính quyền địa phương cũng rất nhức nhối về tình trạng trên./.