Tự do xây dựng, thu lời
Khu bãi đá và bãi cát nổi ven sông Hồng thuộc phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích rộng trên 3ha, bao bọc bởi lau sậy và cỏ dại. Theo người dân, từ nhiều năm nay, tại khu vực này xuất hiện một nhóm người tự xưng là “Ban quản lý”, không rõ thuộc cơ quan chức năng nào đã ngang nhiên lấn chiếm phần đất bãi này để cải tạo, xây dựng nhà nghỉ, sân vườn, đài phun nước, đèn cao áp, lắp đặt các đạo cụ hỗ trợ chụp ảnh trong khuôn viên bãi đá. Cũng từ đó tới nay, rất nhiều khách, đặc biệt là các bạn trẻ đã đến đây chụp ảnh, tham quan, vui chơi giải trí.
Khu vui chơi được xây dựng khá khang trang ngay tại khu vực gần sông Hồng
Ghi nhận của PV PLVN tại khu vui chơi mọc lên ngay tại bã đá sông Hồng là khuôn viên, cơ sở hạ tầng được xây dựng khá hoành tráng và công phu của chủ đầu tư.
Khi chúng tôi tiếp cận khu vực vui chơi trên, ngay lập tức, một người đeo biển “Ban quản lý” chạy đến hướng dẫn chỗ để xe và thu 10.000 đồng/ xe máy. Cách đó không xa, những người đi xe ô tô thì phải đóng 30.000 đồng/xe/giờ. Khi PV thắc mắc về mức thu tiền gửi xe cao thì người trong xe sẵng giọng: Tiền trông xe, phí và các dịch vụ ghi rõ trên vé rồi, đồng ý thì vào, không thì dắt xe ra”.
Mạo hiểm vui chơi trong khu vực nguy hiểm
Bị chặt chém ngay khi bước vào khu vui chơi tự phát trên khiến không ít người bức xúc. Nguyễn Thanh Tuấn (Sinh viên Đại học Thương Mại) phàn nàn: “Giá gửi xe ở chỗ hoang sơ này đắt ngang bằng ở nội thành Hà Nội”.
Ngoài tiền xe, mỗi khách còn phải đóng thêm 10.000 đồng tiền vào cửa. Theo quan sát, những ngày cuối tuần ở đây phải có đến gần 1.000 lượt khách đến vui chơi, chụp ảnh. Chỉ riêng những khoản “phụ thu” đó đã mang đến cho chủ đầu tư khu vui chơi trên một nguồn thu không hề nhỏ.
Theo nhiều bạn trẻ tới khu bãi đá sông Hồng vui chơi, khu vực này là điểm vui chơi khá hấp dẫn vì khá hoang sơ, nhiều cây cỏ, khác xa cảnh ồn ào đông đúc trong nội thành. Hơn nữa, giá cả nếu so với trong thành phố thì cũng là rẻ.
Hàng quán mọc lên nhiều tại khu vui chơi
Anh Nguyễn Tường Lâm (người dân địa phương) cho biết: “Mùa hè nước sông Hồng cạn, một số kè đá và bãi cát nổi lên, bao quanh là các lạch nước sâu. Những bãi cát do sông bồi đắp nên độ ổn định của địa tầng không cao, thường xuyên xảy ra các vụ sụt lún rất nguy hiểm.
Cũng theo anh Lâm và người dân ở đây, ngay cả những người dân sông nước địa phương cũng không dám tiếp cận khu vực bãi đá và cát nổi vì thường xuất hiện các điểm sụt lún bất ngờ. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong những năm qua đều là học sinh, sinh viên từ nơi khác đến đây chơi chứ không phải người địa phương.