Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho địa phương
Năm 2013, toàn ngành THADS đã thi hành xong 492.975 việc (tăng 24,71% so với năm 2012), đạt tỷ lệ 86,53%; giải quyết xong trên 28.965 tỷ đồng (tăng hơn 18.620 tỷ đồng, bằng 180% so với năm 2012), đạt tỷ lệ 73,17%. Mặc dù không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng năm 2013 là năm THADS có số việc, số tiền thi hành xong cao nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu Tổng cục THADS phải nhìn nhận, đánh giá, mổ xẻ những nguyên nhân thuộc về chủ quan để có biện pháp khắc phục. |
Năm 2014, Tổng cục THADS xác định ưu tiên xây dựng và hoàn thiện Luật THADS sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội xem xét, quyết định và chuẩn bị xây dựng các đề án, văn bản hướng dẫn thi hành Luật (sau khi được thông qua); chỉ đạo triển khai các công việc có liên quan đến Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đặc biệt đối với 13 địa phương thuộc diện thực hiện thí điểm; xây dựng 2 Thông tư liên tịch, triển khai Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tại TP.Hồ Chí Minh; chỉ đạo quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp về công tác THADS.
Năm nay, ngành THADS cũng sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ, giúp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chuyên môn nghiệp vụ để hướng dẫn địa phương, nhất là việc thực hiện Nghị định số 125/2013/NĐ-CP; đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải quyết có hiệu quả, dứt điểm, hạn chế phát sinh mới các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư và tập trung giải quyết những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tổng cục.
Thảo luận tại Hội nghị, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân chính của những tồn tại là do công tác chỉ đạo, điều hành vẫn còn có hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao; vẫn còn hiện tượng “chạy” theo sự việc, làm theo kiểu đối phó; đề xuất các giải pháp, có ý kiến đề nghị việc thực hiện chức năng của các đơn vị trong Tổng cục cần tuân thủ theo kế hoạch đã được phê duyệt; đồng thời có kế hoạch giám sát quá trình thực hiện. Công tác kiểm tra của Tổng cục cần tập trung hơn để phát huy hiệu quả; trong công tác xây dựng văn bản cần có sự định hướng thống nhất giữa các bên liên quan...
Tăng cường kiểm tra
Một trong những giải pháp Tổng cục THADS tập trung thực hiện là hoàn thành “Đề án cơ cấu, tổ chức và xác định vị trí công tác trong hệ thống cơ quan THADS địa phương giai đoạn 2012-2015”, trên cơ sở đó tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tại cơ quan Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương; đồng thời nghiên cứu xây dựng tiêu chí phân loại án có điều kiện có tính đến các trường hợp loại trừ, tiêu chí xác định án chuyển kỳ sau… bảo đảm rõ ràng, minh bạch, trên cơ sở đó xây dựng phương án giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS hợp lý, phù hợp với khả năng, tạo điều kiện cho các cơ quan THADS địa phương có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; xây dựng các Thông tư về giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, trong đó có đưa vào các nội dung của Quy trình ra thông báo chấm dứt giải quyết đối với các vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật và Quy định xác định tiêu chí các vụ việc tồn đọng, kéo dài…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ghi nhận những kết quả trong công tác THADS năm 2013 với ý nghĩa đặc biệt là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác tư pháp. Bộ trưởng vui mừng vì “sự chuyển biến cơ bản, bền vững” trong công tác thi hành án (THA), tuy nhiên Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những vi phạm về THA ở cơ quan THA địa phương. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục phải nhìn nhận, đánh giá, mổ xẻ những nguyên nhân thuộc về chủ quan để có biện pháp khắc phục.
Năm 2014, bên cạnh việc phải hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục phải sâu sát hơn với địa phương, tăng cường sự kiểm tra của Tổng cục với các Cục; tăng cường phối hợp với các ngành, tiếp tục quan tâm, hoàn thiện thể chế, pháp luật về THADS; nâng cao năng lực làm việc từ lãnh đạo đến nhân viên.