Tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển
Không thể phủ nhận thực tế hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong nỗ lực đóng góp vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế đất nước, trong đó có những khó khăn về thể chế.
Phát biểu tại Toạ đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh Hương Giang) |
Thứ trưởng cũng cho biết: Hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa. Và đây là nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc phát triển.
Doanh nghiệp dân tộc - lực lượng hùng hậu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã chia sẻ những ý kiến quý báu về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc như quy định về chế độ lãnh cho các doanh nghiệp; xác định những trọng điểm ưu tiên…. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nếu ta không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình”, ông Thịnh khẳng định.
Chuyên gia Kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh Hương Giang) |
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu - khẳng định: Nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật. Ông cũng đề nghị cần xem lại các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để không có sự chồng chéo, đồng thời ông cũng cho rằng cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn.
Đặc biệt, ông Hiếu có đề xuất khi xây dựng chính sách cho doanh nghiệp dân tộc, cần lưu ý đến những người Việt ở nước ngoài: “Ở một khía cạnh khác của hội nhập quốc tế, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình – vươn mình ở sân chơi quốc tế. Một thành phần của dân tộc rất quan trọng là số người Việt sinh sống ở nước ngoài. Đây là lực lượng rất đáng kể. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp có các chương trình để người Việt hội nhập nhiều hơn với quốc gia. Không thể loại trừ khái niệm Việt kiều, doanh nghiệp của người việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu. (Ảnh Hương Giang) |
Ưu tiên nhưng không vi phạm nguyên tắc quốc tế
Đồng quan điểm cần đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc, nhưng PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ lại bày tỏ lo lắng trong việc xây dựng pháp luật, để các quy định của Việt Nam không vi phạm các nguyên tắc của quốc tế, như nguyên tắc đối xử bình đẳng của WTO.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đã dẫn chứng một số quy định cụ thể liên quan đến các doanh nghiệp, cần phải nghiên cứu để có dư địa phát triển sự ưu tiên hay không. Như quy định về thủ tục thành lập; việc tiếp cận nguồn tài nguyên; quy định về thuế; chính sách về xuất nhập khẩu…“Thực sự là một cuộc đấu trí tuệ của các nhà làm luật để có chính sách ưu tiên, nhưng không vi phạm WTO”, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ nói về vai trò của những người làm luật.
Ông cũng lưu ý nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế - đây là những lĩnh vực mà ông cho rằng còn nhiều dư địa cho sự phát triển các quy định ưu tiên.
Ông đề nghị Bộ Tư pháp cần thúc đẩy vai trò của Luật sư công trong vấn đề này. Với vai trò chuyên môn, ông Sỹ khẳng định không thể có một đạo luật riêng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp dân tộc, nhưng có thể đưa quy định về sự hỗ trợ vào tất cả các luật liên quan.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ. (Ảnh Hương Giang) |
Doanh nghiệp dân tộc tự tin để phát triển
Đóng góp với Tọa đàm những ý kiến rất quý báu dưới góc nhìn một chuyên gia pháp lý, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp nhận định: 40 năm, chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp tạo việc làm cho 85% lực lao động, nguồn thu nhập của người dân Việt Nam. Với 40 năm như vậy, chúng ta rất tự hào, chúng ta tự tin để phát triển.
Từ thực tế nghiên cứu vấn đề này, ông đề nghị một số lưu ý để doanh nghiệp dân tộc có môi trường phát triển: Làm truyền thông thật tốt để có thể loại bỏ những quan điểm chưa công bằng với doanh nghiệp tư nhân; Phải có hành động cụ thể, kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp dân tộc, phải có đầu mối, giao việc cụ thể; Rà soát, lắng nghe trăn trở của các doanh nghiệp, để thấy điều gì chưa ổn thì thay đổi; Tạo không gian tự do, rộng mở cho khu vực kinh tế tư nhân, lập “chỉ giới đỏ” cho những hành vi bị cấm, tránh những rủi ro cho doanh nghiệp; Nâng cấp công nghệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nhân…
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp (Ảnh Hương Giang) |
Đặc biệt, ông lưu ý các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp cần phải tôn trọng luật sở hữu trí tuệ: “Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với đề nghị của các doanh nhân về việc tham gia xây dựng pháp luật. Bởi những chính sách cần thiết, phù hợp nhất phải được chính các doanh nhân đề xuất”.
Tới dự và chủ trì Toạ đàm hôm nay có TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Đồng Chủ trì và điều hành Toạ đàm là TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo PLVN; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...