Hành trình đến với nghề
Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, một vùng quê cách mạng của tỉnh Kiên Giang, năm 1994, anh Lê Chí Công vào ngành với vai trò là Thư ký Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận. Năm 2010, anh được bổ nhiệm làm Phó Chánh án và đến tháng 10/2017, được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án nhân dân huyện An Minh.
Địa bàn nơi đây đã có nhiều cải thiện, nhưng do là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, kênh rạch chằng chịt và giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn và nhận thức pháp luật hạn chế nên lượng án thụ lý ngày càng tăng. Nếu tính số lượng 1.233 vụ vào năm 2024, có thể thấy con số đã gấp đôi so với năm 2017 khi anh Công nhận nhiệm vụ.
Mặc dù biên chế không tăng (vẫn chỉ có 12 người) và cán bộ phải luân phiên đi học, anh Công và đội ngũ của mình đã phải đối mặt với khối lượng công việc rất lớn và đa dạng: từ xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đến giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại và hành chính, xử lý vi phạm hành chính, thực hiện công tác hòa giải – đối thoại.
Trong điều kiện thách thức đó, được sự ủng hộ từ gia đình, cùng với sự nhiệt huyết và quyết tâm, anh Công đã phát huy tinh thần “làm hết việc, không hết giờ”, tranh thủ cả buổi trưa, buổi tối và cả những ngày nghỉ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chất lượng cao nhất.
Từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2024, Tòa án huyện An Minh đã giải quyết, xét xử xong 3.076/3.146 vụ, đạt tỷ lệ 97,76%. Trong đó, án hình sự đạt tỷ lệ giải quyết 100% với 393 vụ và 701 bị cáo, án hôn nhân và gia đình đạt 99,72% với 1.424 vụ. Đây là kết quả rất ấn tượng, chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chánh án Công và đội ngũ của mình.
Với tư cách là Chánh án, anh Lê Chí Công không chỉ lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra mà còn trực tiếp làm Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, xử lý 940 vụ việc trong giai đoạn 2020 - 2024.
Trung bình mỗi năm, Chánh án Lê Chí Công giải quyết 188 vụ việc, mỗi tháng gần 16 vụ, không có vụ án nào quá hạn do lỗi chủ quan hay bị tạm đình chỉ không căn cứ, và chất lượng xét xử luôn được đảm bảo.
Kết hợp lý và tình
Trong quá trình xét xử, một trong những quan điểm luôn được Chánh án Lê Chí Công áp dụng, đó là kết hợp giữa lý và tình.
Chẳng hạn, trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa anh Trường ở xã Đông Hưng, huyện An Minh và chị Kim Anh, anh Trường kiện đòi chị Kim Anh phải trả lại mảnh đất mà cha của chị đã mượn trước đây. Về lý mà nói, mượn thì phải trả, nhưng do gia đình chị Kim Anh đã có công gìn giữ và cải tạo mảnh đất này, hơn nữa hoàn cảnh gia đình chị Kim Anh đang gặp khó khăn.
Vì vậy, Chánh án Lê Chí Công đã kiên trì động viên và tạm dừng phiên tòa để hai bên có thời gian thương lượng trên tinh thần "nhường cơm sẻ áo". Kết quả là anh Trường đã nhường cho gia đình chị Kim Anh 150m² đất ở.
Không chỉ nổi bật trong công tác xét xử, Chánh án Lê Chí Công còn là người tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp hòa giải sáng tạo, giúp giảm bớt căng thẳng và xung đột trong nhân dân. Hòa giải là một công cụ quan trọng trong hệ thống tư pháp, giúp giảm tải số lượng án thụ lý và xây dựng hòa bình trong cộng đồng.
Trung bình mỗi năm, Chánh án Lê Chí Công giải quyết 188 vụ việc, mỗi tháng gần 16 vụ |
Nhờ những sáng kiến và sự lãnh đạo của đồng chí, Tòa án huyện An Minh những năm qua luôn là đơn vị dẫn đầu trong ngành Tòa án tỉnh Kiên Giang, được Báo Công lý và Báo Kiên Giang đánh giá cao, đưa tin nhiều lần về công tác hòa giải.
Tòa án huyện đã xây dựng phòng hòa giải đối thoại riêng biệt, được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho hòa giải viên. Đồng thời, đồng chí Công còn đề xuất bổ nhiệm và tổ chức tập huấn cho 5 hòa giải viên, giúp họ nắm vững Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các văn bản hướng dẫn. Nhờ vậy, tỷ lệ hòa giải thành tại Tòa án huyện An Minh đạt 73,44% với 1.009/1.374 đơn đủ điều kiện hòa giải, một kết quả vượt chỉ tiêu thi đua của Tòa án nhân dân tối cao.
Hòa giải tại tòa án thành công không chỉ giảm số lượng án thụ lý mà còn giảm mâu thuẫn trong cộng đồng, tạo nền tảng cho sự đoàn kết và hòa thuận. Các thẩm phán, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Công, đã ban hành 949 quyết định công nhận kết quả hòa giải thành khi đương sự yêu cầu, đạt 100%, giúp các bên tranh chấp được giải quyết nhanh chóng và bền vững.
Đặc biệt quan tâm tới công tác trợ giúp pháp lý cho người yếu thế
Cho đến nay chưa có chế tài xử lý những trường hợp xem nhẹ, bỏ sót diện được trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng do lỗi chủ quan của thẩm phán (trừ trường hợp chỉ định Trung tâm TGPL nhà nước bào chữa cho người thuộc diện được TGPL theo Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự), nhưng Chánh án Lê Chí Công luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc TGPL cho những người yếu thế theo quy định của Luật TGPL là một việc làm đáng quý và trân trọng.
Trong 3.146 vụ việc thụ lý, Tòa án huyện An Minh đã rà soát trên 6.000 trường hợp và giải thích bằng biên bản để đảm bảo rằng tất cả mọi người thuộc diện được TGPL khi tham gia tố tụng với tư cách bị cáo, bị hại, đương sự, hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí từ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh.
Một ví dụ là vụ án của Danh Đa ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, bị buộc tội tàng trữ trái phép các chất ma túy. Trong quá trình xét xử, đồng chí Công nhận thấy Đa thuộc diện người dân tộc thiểu số (Khmer) nhưng do sơ suất từ giai đoạn tố tụng trước, vậy nên đã cho dừng phiên tòa để liên hệ với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh.
Sau khi nhận được xác nhận rằng, Đa thuộc diện “Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn” được TGPL theo Điều 7 Luật TGPL, đồng chí Công đã hoãn phiên tòa để cử người bào chữa miễn phí cho Đa. Kết quả là, nhờ có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý, Đa được hưởng mức án thấp nhất trong khung hình phạt 01 năm tù.
Kết quả trong 5 năm qua, đã có 250 người thuộc diện TGPL được Tòa án huyện An Minh thông báo bằng văn bản (kèm theo là Đơn yêu cầu TGPL và giấy tờ chứng minh thuộc diện được TGPL) cho Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, xét đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở cai nghiện.
Sự tận tụy và quyết tâm của Chánh án Lê Chí Công trong công tác phối hợp này không chỉ góp phần thực thi hệ thống pháp lý công bằng và minh bạch, mà còn tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại khi người được TGPL không cần phải đi đến Trung tâm TGPL để làm thủ tục.
Trong công tác, Chánh án Lê Chí Công cũng là người luôn đón đầu những thay đổi trong cải cách tư pháp, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác xét xử và hòa giải. Trong điều kiện hệ thống kết nối để tổ chức phiên tòa trực tuyến của Trung tâm TGPL nhà nước, Trại tạm giam, Viện kiểm sát,…trang bị chưa đồng bộ, nhưng Tòa án nhân dân huyện An Minh đã tổ chức được 22 phiên tòa trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả tòa án lẫn các bên liên quan là một sự nỗ lực rất lớn. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân huyện An Minh cũng thường xuyên sử dụng phần mềm Trợ lý ảo tòa án để tra cứu thông tin nhanh chóng và chính xác, nâng cao hiệu quả làm việc.
Nhận xét về Chánh án Lê Chí Công, ông Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang, người đã có nhiều năm theo dõi và tham gia bào chữa/bảo vệ cho người được TGPL trong các vụ án do Thẩm phán Lê Chí Công xét xử cho biết: “Tòa án huyện An Minh là đơn vị tiêu biểu nhất trong tỉnh Kiên Giang về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng”; “đồng chí Công thực sự là hiện thân của tinh thần ‘Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư’, luôn gần gũi và giúp đỡ nhân dân.”
Ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong công tác, năm 2022 và 2023, Tòa án nhân dân huyện An Minh được trao tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Tòa án nhân dân tối cao tối cao tặng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”. Năm 2024, đơn vị tiếp tục được đề nghị công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Bản thân Chánh án Lê Chí Công liên tục được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho công tác TGPL giai đoạn 2017 - 2022 và năm 2023 được tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.