Người lạ xăm trổ xuất hiện ở quê nghèo
Từ trung tâm huyện Cờ Đỏ vượt gần 30km mới tới “điểm nóng” bán thận, khu vực giáp ranh với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Ngay giữa trưa, lân la các tụ điểm có nhiều thanh niên đang bàn tán xôn xao về chuyện bán thận. Bắt chuyện với một nhóm khoảng 10 thanh niên đều ngụ ấp 5 (xã Thạnh Phú) tại nơi nghỉ chân dưới dốc cầu, câu chuyện càng thêm sôi nổi.
Một thanh niên cho biết: “Ở vùng này còn nghèo lắm, nông dân có đất chỉ biết trồng lúa mà lúa đang rớt giá, nên càng nghèo hơn. Mà đâu phải ai cũng có nhiều đất. Bởi vậy, nhiều người ngoài việc làm ruộng, rẫy cho gia đình mình, muốn đủ sống còn phải đi xịt thuốc, bón phân, cắt lúa mướn. Nhiều người bỏ quê lên thành phố làm công nhân. Nhiều thanh niên nghèo, lấy vợ vài ba năm, không đất sản xuất, con cái ra đời thì lâm cảnh nợ nần chồng chất. Nghèo quá, không nghề nghiệp ổn định, trong khi được chèo kéo nếu bán thận sẽ có 100 - 200 triệu đồng, số tiền ấy là cả gia sản lớn với nhà nông, nên có ai đó tặc lưỡi thì cũng không quá khó hiểu”.
Nhưng khi đề cập cụ thể đến ai ở địa phương đã từng đi bán thận hoặc ai là người giới thiệu, rủ rê… thì không khí bỗng trầm hẳn. Những người đang bàn tán rôm rả bỗng dè dặt, dần dần chuyển sang “tám” chuyện khác. Dường như ai cũng có ý lảng tránh không muốn điểm tên, chỉ mặt một người nào để tránh rắc rối. Chỉ có một vài người rụt rè cho biết: Gần đây xuất hiện những người lạ mặt, xăm trổ đầy mình, thường chạy xe máy tới lui trên đường làng hoặc tụ tập ở các quán cà phê. Khi câu chuyện bán thận đã trở nên ầm ĩ, họ từ đâu đến làng này làm gì không rõ?
Người đến động viên đổi thận lấy tiền
Được biết, tại ấp 5, 6, 7 xã Thạnh Phú, vì hoàn cảnh túng thiếu, có chín người bán thận lấy tiền. Éo le nhất là anh Danh Lan (32 tuổi, ngụ ấp 7). Trưởng ban nhân dân ấp 7 xác nhận: Danh Lan là người dân tộc Khmer, gia cảnh rất khó khăn, vợ chồng ở nhờ trên đất của mẹ vợ cũng là người Khmer. Vợ chồng có ba đứa con nhỏ, nhưng không đất sản xuất, đi làm mướn để kiếm sống. “Nó đi bán thận năm 2012. Lúc đầu giấu nhưng sau này thì nó thừa nhận rồi. Và cả ấp này đến nay chỉ có mình nó đi bán thận, nó là trường hợp bị rủ rê” - ông Nhơn cho biết.
Ba đứa con của Danh Lan |
Nhà anh Danh Lan cách trụ sở UBND ấp 7 khoảng 4km đường đồng. Trong căn nhà tạm bợ chưa đầy 20m2, phía trước chỉ vừa để một cái giường, một bàn nước và cái tủ nhỏ, ba đứa trẻ (hai gái, một trai) nheo nhóc đang đòi mẹ cho ăn cơm. Danh Lan vừa đi làm mướn về đến nhà, dáng vẻ chậm rãi, người gầy nhom, xanh xao... Căn nhà không có đủ ghế cho ba người khách ngồi. Chủ nhà nói: “Thật sự nhà em khổ lắm, bán thận về.... giờ còn khổ hơn”.
Cảnh nghèo, đông con, ốm đau liên miên, lại thêm đống nợ gần 100 triệu đồng tiền vay mượn cất nhà và lo trị bệnh cho vợ con, tiền vay mua gạo hàng ngày... Trong cảnh khốn khó đó, một người quen tên Phú Anh (ở ấp 5) xuất hiện, ngỏ ý giúp gia đình vượt khó bằng cách sang Trung Quốc bán thận...
“Chính Ngô Phú Anh (con ông Ngô Văn Y ở ấp 6, xã Thạnh Phú) đã kéo áo của mình lên cho em xem vết mổ trên bụng, nói là đã sang Trung Quốc bán thận được 100 triệu đồng, có bệnh tật gì đâu. Lúc đầu em còn do dự, nhưng Phú Anh thường xuyên gặp, động viên, thuyết phục nên em quyết định về bàn với vợ... làm liều. Vợ em lo lắm, nhưng trước số nợ của gia đình và sự thuyết phục của em nên cũng làm thinh. Em quyết định đi bán thận, lúc đó khoảng tháng 6/2012”.
Sang Trung Quốc bán thận cho... người Việt
Phú Anh liên lạc với người trên TP.HCM, sau khi móc nối xong, một mình Danh Lan lên TP.HCM để làm các thủ tục xét nghiệm. Vừa đến Sài Gòn, Danh Lan được một người tên Nghĩa đến đón tại bến xe và tìm nhà trọ nghỉ qua đêm để hôm sau xét nghiệm. “Mỗi ngày ông Nghĩa đưa đón em bằng một chiếc xe máy khác nhau. Ông Nghĩa còn một tên khác là Út” - Danh Lan kể.
Một tháng sau, ông Nghĩa điện kêu Danh Lan lên TP.HCM, thông báo đã tìm được người mua thận, hướng dẫn cách đi đứng. Về giá cả thì Phú Anh đã giao kèo hết. “Em chỉ biết người mua thận tên Phú, hơn 50 tuổi. Sau đó em về Cần Thơ, được Phú Anh dẫn đi làm hộ chiếu” Danh Lan kể.
Ngày 25/9/2012, Danh Lan cùng đi với người mua thận, con gái của ông ta và một ông người Việt Nam sinh sống ở Trung Quốc về nước làm nhiệm vụ dẫn đường từ Việt Nam sang bệnh viện tại TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
“Qua bên đó, em được nghỉ, ăn ở tại bệnh viện. Sau khi làm lại các xét nghiệm thì em và ông Phú lên bàn mổ. Em nằm tại bệnh viện một tuần rồi ra ngoài nghỉ dưỡng gần 10 ngày nữa mới về Việt Nam vào ngày 13/10/2012. Khi vừa đến TP.HCM thì ông Nghĩa đưa em 100 triệu đồng, người dẫn đường cho thêm 15 triệu nữa. Vừa nhận tiền thì Phú Anh lấy của em 5 triệu và mượn thêm 15 triệu nữa, đến nay vẫn không trả và cũng không liên lạc được. Còn ông Phú lúc đó vẫn còn ở lại Trung Quốc dưỡng sức và em không liên lạc với ông ấy từ đó đến nay”, Danh Lan kể.
Anh Danh Lan nằm viện một tuần và nghỉ dưỡng tiếp 10 ngày ở Trung Quốc sau khi “hiến” thận |
Ông Nghĩa và Phú Anh còn căn dặn Danh Lan cố gắng tìm, giới thiệu thêm người mới, sẽ được trả công hậu hĩnh. Nhưng anh này chưa giới thiệu ai và đã tiêu hết số tiền bán thận. Cuộc sống lại thiếu thốn, vay mượn, chỉ khác sức khỏe không còn như trước, thường hay mắc bệnh viêm nhiễm, đau lưng âm ỉ...
“Giờ ai vận động bán thận là báo công an bắt liền”
Trong khi đó, tại xã Thạnh Phú, ngày càng xuất hiện thêm nhiều người nghèo bán thận. Ông Hồ Văn Tranh (45 tuổi, ấp 6) hơn ba tháng trước cũng “hiến” thận cho một người ở TP.HCM. Ông Tranh khá dè dặt về manh mối cũng như có hay không đối tượng vận động mình đi “hiến” thận.
Tuy nhiên, trước tình trạng sức khỏe suy giảm của mình, ông kể: Khi mổ xong đang nằm điều trị ở bệnh viện có một người lạ đến thăm và mua cho bọc trái cây, đề nghị ông về quê vận động thêm người đi bán thận, nếu có sẽ được cho tiền bồi dưỡng. “Giờ tôi mà thấy ai đến vận động là tôi báo công an bắt liền, tiền ăn rồi cũng hết, giờ không có sức khỏe chẳng làm được gì. Giờ mà cho tôi được chọn lại, bạc tỉ tôi cũng không bán thận”, ông Tranh nói.
Theo tìm hiểu, người đầu tiên ở ấp 6 bán thận là ông Nguyễn Văn Bình (39 tuổi), em rể, nhà kế bên ông Tranh. Năm 2013 ông Bình đi “hiến” thận cho một người ở TP.HCM được trả 100 triệu đồng, một thời gian sau thì bỏ đi đâu không rõ. Ngoài ra, còn có anh Lê Văn Giòn (36 tuổi) cũng đi bán thận hồi trước Tết, làm đơn hiến thận cho người nhà nhưng không rõ ràng nên chính quyền ấp 6 không chấp nhận. Người thân của anh Giòn phản ánh: “Sau Tết đến giờ Giòn đi đâu không biết và cũng hiếm khi liên lạc về gia đình. Trong nhà không có ai bệnh tật gì liên quan đến thận mà sao nó hiến cho ai không biết...”?
Đặc biệt, theo nguồn tin từ Công an huyện Cờ Đỏ, gia đình ông Ngô Văn Y (ấp 5) có 5 người “hiến” thận, trong đó có Ngô Phú Anh (39 tuổi) là người đã “giúp” Danh Lan nói trên. Sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi vẫn không gặp được những người con của ông Y do họ đều làm thuê xa, đi từ rất sớm và về lúc đêm muộn. Còn ông Y thì ngạc nhiên trước thông tin trên.
Ông nói: “Vì con đông, đất ít nên làm hoài chỉ đủ ăn. Nhưng các con tôi không đứa nào cờ bạc, quậy phá, nghiện ngập. Chuyện bán thận, có hay không vợ chồng tôi hoàn toàn không hay biết gì; cũng không nghe đứa nào nói gì đến chuyện này. Nói thật, nếu có, tôi biết là tôi cản liền”.
Theo xác minh của Công an huyện Cờ Đỏ, các trường hợp nêu trên đều làm hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận rồi đến Bệnh viện 115 (TP.HCM) tiến hành các thủ tục cắt, ghép. Sau khi hoàn tất, những người hiến được những người nhận thận trả 120 triệu đồng… Do có đủ hồ sơ nên họ không vi phạm pháp luật. Hiện chưa phát hiện trường hợp vận động bán thận để hưởng hoa hồng hoặc liên quan đến tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, việc người dân mất đi quả thận, sức khỏe yếu kém, không còn khả năng lao động suốt đời đang là thực tế tại vùng nông thôn nghèo này.