Đó là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Thấm (67 tuổi - trú tại cụm 4, thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội).
Nguồn cơn của sự việc được bà Nguyễn Thị Út (em gái bà Thấm) phân trần: “Từ năm 1953, sau khi bố chúng tôi qua đời, mẹ con chúng tôi đã sinh sống trên thửa đất hiện nay ở cụm 4 Đông Khê. Cho đến khi mẹ chúng tôi là cụ Nguyễn Thị Phèng mất vào năm 1998, chúng tôi cũng không hề tranh chấp đất với ai. Việc kê khai, nộp thuế đất ở nông thôn theo quy định chung. Theo thống kê và thông báo của cán bộ UBND xã thì diện tích nhà đất của chúng tôi đang ở là 300m2. Vì bốn mẹ con đều là phụ nữ, hiểu biết còn hạn chế, hơn nữa cũng vì nguồn gốc đất đai có từ thưở xa xưa nên chị em chúng tôi chưa quan tâm đến việc làm sổ đỏ”.
Tuy nhiên, trong thời gian này, một người anh họ của bà Út đã âm thầm đứng tên trên một phần diện tích đất của chị em bà Út mà họ không hề hay biết.
Đất đang dùng, có người "nhảy" vào đứng tên
Mãi tới năm 2013, khi chính quyền địa phương thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính để cấp Giấy CNQSDĐ thì chị em bà Út mới phát hiện ra sự thật đã bị giấu giếm lâu nay. “Chúng tôi đề nghị UBND xã làm rõ sự việc thì mới hay người anh trong họ chúng tôi là ông Nguyễn Văn Đoán (có em ruột làm nhân viên địa chính xã Đan Phượng từ năm 1987) đã đứng tên trên Giấy CNQSDĐ, chiếm của chúng tôi 141m2 đất ở.”- bà Út cho biết. Điều lạ là trong suốt 26 năm - từ năm 1987, thời điểm ông Đoán được cấp sổ đỏ - đến nay phần đất ông Đoán đứng tên vẫn do gia đình bà Nguyễn Thị Thấm trực tiếp quản lý và sử dụng.
Trả lời thắc mắc của bà Út, tại Công văn số 04/CV-UBND (ngày 15/1/2014), UBND xã Đan Phượng cho biết: tại sổ Mục kê các thửa ruộng đất năm 1967, bà Phèng đứng tên tại thửa đất số 237, diện tích 300m2…Tại sổ danh sách chủ hộ sử dụng đất thổ cư năm 1987, bà Phèng đứng tên thửa đất số 280, diện tích 150m2 và ông Đoán đứng tên thửa đất số 281, diện tích 150m2.
Để xác định được rõ hơn về nguyên nhân việc ông Đoán đứng tên chủ sử dụng đất từ năm 1987, ông Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết thêm: UBND xã đã tìm gặp các cán bộ địa chính công tác qua các thời kỳ và những người có liên quan thì ông Bùi Hà Hải - cán bộ địa chính công tác thời điểm năm 1987 - đã chết.
Đối với cán bộ địa chính công tác thời kỳ năm 2001, là ông Nguyễn Hữu Thưởng, thì ông Thưởng không nhớ thông tin về việc sang tên đất cho ông Đoán tại năm 1987 và chỉ biết tại thời điểm cấp lại giấy chứng nhận (năm 2001), ông Đoán đã có Giấy CNQSDĐ cấp từ năm 1987.
Cán bộ địa chính xã đã “quên quên nhớ nhớ” là vậy, hỏi đến chủ nhân của tấm Giấy CNQSDĐ là ông Nguyễn Văn Đoán thì ông này thừa nhận vào năm 1985, ông được cụ Phèng sang tên một phần thửa đất, nhưng hiện nay ông Đoán cũng không còn giữ được tờ giấy mà cụ Phèng đã cho đất. Như vậy, thông tin cụ Phèng cho ông Đoán phần đất này chỉ là lời khai từ một phía và đây cũng chỉ là lời khai bằng miệng, hoàn toàn không có bằng chứng để chứng minh.
Ủy ban xã: chưa xác định rõ nguyên nhân
Lục tìm lại hồ sơ quản lý còn lưu tại UBND xã thì cơ quan này cũng chỉ được biết thêm thông tin: ông Đoán có sổ đỏ từ năm 1987… đến năm 2001 thì được cấp lại Giấy CNQSDĐ. “Đến nay, UBND xã vẫn chưa tìm thấy giấy tờ nào về việc tại sao ông Đoán đứng tên chủ sử dụng đất từ năm 1987. Từ những vấn đề trên, UBND xã chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao ông Đoán được đứng tên chủ sử dụng đất từ năm 1987.”- ông Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng khẳng định.
Trả lời như vậy có nghĩa là UBND xã chỉ có trách nhiệm thông tin cho chị em bà Út biết: ai đang đứng tên trên phần đất thừa kế của chị em bà và họ được đứng tên từ năm nào. Còn việc vì sao họ lại được cơ quan chức năng cho phép “nhảy” vào thửa đất này cũng như trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc ra sao thì Ủy ban xã coi như…không thuộc thẩm quyền.
Một số ý kiến cho rằng, trả lời trên thể hiện sự quan liêu của cơ quan có trách nhiệm. Bởi lẽ, chính quyền cấp xã là cơ quan nắm rõ nguồn gốc cũng như biến động đất tại địa bàn mình quản lý. Việc đề xuất lên cấp trên để cấp Giấy CNQSDĐ cho cá nhân nào đó cũng do UBND cấp xã. Nhưng theo cách trả lời trên thì UBND xã còn chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao ông Đoán được đứng tên chủ sử dụng đất thì cơ quan nào xác định rõ nguyên nhân này? Có hay không việc cán bộ xã lạm dụng quyền hạn để hợp thức hóa giấy tờ cho người nhà của mình đứng tên trên phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác?
Gửi đơn đến Báo PLVN, chị em bà Út bày tỏ sự bức xúc trước lối làm việc thiếu trách nhiệm của UBND xã và băn khoăn không biết nên làm đơn khiếu nại hay khởi kiện để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?
Về trường hợp trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật gia Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang. Ông Độ nhận định:
“Chị em bà Út nên khởi kiện vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”
Đây là một trong những dạng tranh chấp QSDĐ cũng thường xảy ra ở các địa phương do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khi cấp Giấy CNQSDĐ, chính quyền không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị em bà Út có thể lựa chọn một trong các hình thức khiếu nại hoặc khởi kiện. Cụ thể là, khiếu nại quyết định hành chính, tức là Quyết định cấp Giấy CNQSDĐ và Giấy CNQSDĐ của UBND huyện Đan Phượng cho ông Đoán. Tuy nhiên, thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính này chỉ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày biết được quyết định hành chính đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thời điểm chị em bà Út biết được (năm 2013) ông Đoán có Giấy CNQSDĐ đến nay đã quá thời hạn nên việc khiếu nại UBND huyện là không thực hiện được.
Tuy nhiên, chị em bà Út có quyền khởi kiện Quyết định cấp Giấy CNQSDĐ và Giấy CNQSDĐ của UBND huyện Đan Phượng tại Tòa án, nếu còn trong thời hạn một năm kể từ khi biết được việc này (thời điểm năm 2013 đến ngày khởi kiện). Tuy nhiên, Tòa án chỉ xem xét giải quyết tính hợp pháp của Quyết định cấp GCNQSDĐ chứ không giải quyết việc tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất. Do vậy, lựa chọn tốt nhất cho chị em bà Út là khởi kiện vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” tại Tòa án cấp huyện, nơi có đất đang tranh chấp.
Trước khi tiến hành khởi kiện vụ án trên, chị em bà Út phải có đơn yêu cầu UBND xã Đan Phượng tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 hoặc Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 (nếu sau thời điểm 01/7/2014 mới yêu cầu). Chị em bà Út có thể đứng đồng nguyên đơn hoặc ủy quyền cho một người nào đó là người đại diện cho mình sau khi đã yêu cầu, khởi kiện. Kèm theo đơn khởi kiện đối với bị đơn – ông Đoán (hoặc vợ chồng ông Đoán, nếu ông Đoán có vợ) là biên bản hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành mà không thực hiện và các tài liệu chứng cứ, bản sao giấy tờ nhân thân. Nghĩa vụ chứng minh là của đương sự nên hai bên đều phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, như: ông Đoán phải đưa ra chứng cứ xác lập chủ quyền đất như giấy tờ tặng cho của bà Phèng…Tương tự, chị em bà Út phải đưa ra các chứng cứ cho quá trình 60 năm quản lý và sử dụng đất hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 1987, thẩm quyền cấp Giấy CNQSDĐ thuộc UBND cấp huyện cho người đang sử dụng đất. Do vậy, toàn bộ hồ sơ cấp sổ đỏ do Phòng Địa chính (nay là Phòng TN&MT) sẽ lưu giữ. UBND cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, mà chỉ có thẩm quyền hòa giải nên trong trường hợp này, Chủ tịch UBND hoặc cán bộ địa chính xã đáng lẽ phải hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại hay khởi kiện như trên và cung cấp các tài liệu, chứng cứ như trích lục sổ mục kê, bản đồ địa chính. Nếu nắm rõ quá trình sử dụng đất ổn định của chị em bà Út trong suốt 60 năm, qua kết quả xác minh thì cũng có ý kiến rõ ràng được thể hiện trong biên bản hòa giải của xã; chứng thực chữ ký của công dân trong quá trình họ xác nhận làm chứng cho chị em bà Út…để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết.