Cho rằng thửa số 58, tờ bản đồ số 7 (cụm 1, khu phố Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Bắc Giang) là do bố mẹ để lại cho mình, ông Nguyễn Văn Cường đã khởi kiện đòi 358,2m2 đất mà vợ chồng người con trai Nguyễn Văn Tráng đang sử dụng và có một ngôi nhà trên một phần diện tích đất này.
Trong khi đó, phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu trên và cho rằng mình là người sử dụng đất ổn định, đã tiến hành xây dựng các công trình trên đất cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, rồi tiến hành khai phá, mở rộng thêm diện tích. Ngoài ra, hồ sơ kỹ thuật thửa đất lập tháng 10/1998 và trích lục bản đồ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Bắc Giang đều thể hiện chủ sử dụng đất là vợ chồng ông Tráng.
Xét xử sơ thẩm (lần 1) vào năm 2009, TAND TP.Bắc Giang chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn khi quyết định cho vợ chồng ông Tráng phần đất đã xây nhà (hơn 80m2). Diện tích còn lại, vợ chồng ông Cường được sử dụng.
Tuy nhiên, bản án này đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy để tiến hành xét xử lại theo thủ tục chung do nhận thấy Tòa cấp sơ thẩm đã có một số vi phạm thủ tục tố tụng, trong đó có việc không đưa Ủy ban nhân dân (UBND) TP.Bắc Giang và người mua đất của vợ chồng ông Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…
Nhưng theo phía bị đơn thì cấp sơ thẩm vẫn còn một vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khác chưa được đề cập và khắc phục. Đó là việc TAND TP.Bắc Giang thụ lý vụ án trong khi chưa tiến hành thủ tục hòa giải tại chính quyền cấp xã nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003.
Chính quyền cấp sổ đỏ khi đất đang có tranh chấp
Diện tích đất tranh chấp trong vụ án này đã được UBND TP.Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất (CNQSDĐ) cho ông Cường năm 2004, nhưng lúc đó diện tích đất này đang có tranh chấp (nay vẫn chưa giải quyết xong). Tuy cho rằng việc cấp Giấy CNQSDĐ này là có sai sót nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm đã không hủy Giấy CNQSDĐ của ông Cường.
Khi tiến hành thụ lý và xét xử lại vụ án vào năm 2010, Thẩm phán Dương Thế Vinh (chủ tọa phiên tọa sơ thẩm lần 2) từng đề cập tới vi phạm này. Tuy nhiên, thay vì phải ra Quyết định “đình chỉ giải quyết vụ án”, trả lại đơn khởi kiện (thuộc trường hợp “chưa có đủ điều kiện để khởi kiện”) thì Thẩm phán Vinh lại ra quyết định “tạm đình chỉ giải quyết vụ án”.
Cho rằng vụ án được thụ lý trái pháp luật, Thẩm phán vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khiến vụ án bị kéo dài một cách vô lý, ông Tráng đã có đơn đề nghị thay đổi Thẩm phán Vinh. Khi không được Chánh án TAND TP.Bắc Giang chấp nhận yêu cầu, ông Tráng có đơn khiếu nại đến Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, trong khi Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì Thẩm phán Vinh đã vội ra quyết định “đưa vụ án ra xét xử” vào ngày 16/9/2013. Cho rằng việc Tòa sơ thẩm tiến hành mở phiên tòa khi chưa có kết quả cuối cùng về việc yêu cầu thay đổi thẩm phán là không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho đương sự nên cả bị đơn lẫn luật sư của mình đều đã không tham gia phiên tòa sơ thẩm ngày 16/9/2013.
Nghịch lý ở chỗ, sau khi phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra được 11 ngày thì Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang mới có quyết định trả lời khiếu nại của vợ chồng ông Tráng.
Trao đổi với phóng viên, ông Tráng cho biết TAND TP.Bắc Giang đã từng một lần hoãn phiên tòa vì lý do: “Cần đợi kết quả giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Bắc Giang đối với tôi. Không hiểu sao khi chưa có kết quả giải quyết khiếu nại mà Tòa này vẫn mở phiên tòa vào ngày 16/9/2013. Việc Tòa cấp sơ thẩm tiến hành xét xử vụ kiện mà vắng mặt vợ chồng tôi và luật sư là vi phạm tố tụng, ra phán quyết bất lợi cho tôi là không đảm bảo khách quan và gây thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng tôi”.