Công lý đang đến với ông Chấn

Ông Nguyễn Thanh Chấn. (Ảnh: Quý Đoàn)
Ông Nguyễn Thanh Chấn. (Ảnh: Quý Đoàn)
(PLO) - 10 năm ngồi tù một cách oan ức, điều đó khủng khiếp không chỉ với riêng ông Nguyễn Thanh Chấn trong “vụ án làng Me” mà còn với tất cả những ai ý thức được cái giá của tự do và hành xử đúng pháp luật. 
Sau khi được đình chỉ thi hành án, đã có một quãng thời gian, nỗi oan trái của ông Chấn tưởng chừng như bị chìm vào quên lãng khi mà nhiều ngày sau đó, không có thêm động thái nào mới liên quan tới việc xử lý người làm oan sai. Nhưng tháng 5 này, ông Chấn và công luận đang nhìn thấy, công lý đang được thực thi tuy có phần hơi... từ từ.
Có lẽ không cần phải nhắc lại nội dung “vụ án làng Me” bởi công luận đã “quá thuộc” câu chuyện về người đàn ông 10 năm chịu cảnh tù oan ở Bắc Giang với cái án “giết người”. Chỉ là một anh nông dân, mở quán nước kiếm thêm thu nhập, ông Chấn sa chân vào chốn lao tù chỉ bởi quy trình điều tra vụ án này đã được thực hiện mà không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. 
Ông Chấn không khai nhận đã bị ép phải khai nhận, không thực hiện hành vi giết người đã bị “đạo diễn” và tập “nhuần nhuyễn” cho khớp lời khai và dựng lại hiện trường. Rồi hai cấp Tòa xử cũng theo “phong cách” ép cho được, cho nhanh...
Hơn 3.000 ngày oan trái
Với 10 năm ngồi thi hành án giết người, tính lại, ông Chấn phải trải qua 3.650 ngày tù, nếu cứ như người đời nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” thì ông Chấn đã “bị cướp” quá nhiều tự do, mà mất tự do một cách hoàn toàn vô lý. 
Khoảng thời gian này đủ cho một đứa trẻ sinh ra, lớn lên và đàng hoàng cắp sách đến trường; đủ cho các cán bộ tham gia điều tra, truy tố, xét xử phấn đấu bước lên những vị trí cao cấp hơn trong bộ máy công quyền một tỉnh nhưng... quá thừa để khiến gia đình ông Chấn tan nát.
10 năm sau quay về nhà, trước mắt ông là mái đầu bạc phơ của mẹ già, là tiếng nấc nghẹn của người vợ nhưng cũng thiếu vắng gương mặt của đứa con gái yêu nay đã quyết bước chân ra đi “kiếm tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố”. 1 ngày oan trái, con người ta tưởng chừng đã uất nghẹn lắm rồi, mà đây ông Chấn phải uất nghẹn hơn 3.000 ngày, dẫu so sánh là khập khiễng nhưng không so sánh thì ai có thể hình dung, cái khốn nạn của nỗi oan nó lớn đến chừng nào?
Tìm lại công lý
Công luận - chứ không riêng ông Chấn và gia đình - đã bật tiếng reo mừng khi hay tin VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can có liên quan đến vụ án oan sai của ông Chấn. Ông Đặng Thế Vinh - Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang - và Thượng tá Trần Nhật Luật - Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình “làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 Bộ luật Hình sự khi trực tiếp tham gia điều tra vụ án giết người hơn 10 năm trước. Thời điểm đó, ông Luật là Đội trưởng Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang), còn ông Vinh là kiểm sát viên, người trực tiếp điều tra vụ án.
Như thế, rõ ràng là cơ quan pháp luật không im lặng “để cho chìm xuồng” như dư luận vẫn băn khoăn, lo lắng. Đã rõ ông Chấn bị oan sai, nhưng cũng cần có thời gian xác quyết rằng, các cán bộ, nhân viên công quyền nào có lỗi gây nên oan sai cho ông Chấn, lỗi nếu có thì vi phạm điều nào của Bộ luật Hình sự và mức độ lỗi đến đâu. Oan sai của ông Chấn chắc chắn sẽ được cởi bỏ, được đền bồi xứng đáng nhưng cũng nhất định không thể để xảy ra thêm những oan, sai khác với những cán bộ, nhân viên công quyền có liên quan. 
Có lỗi, có tội thì phải chịu sự trừng phạt, phải trả giá nhưng tội lỗi phải được xác định đúng, làm cơ sở cho việc trừng trị đúng, để không chỉ người chịu trừng phạt mà ngay chính chính công luận nhìn vào cũng phải “tâm phục khẩu phục”. Ở đây, nếu nói “công lý đang đến... từ từ” thì chính là theo nghĩa, phải thật sự thận trọng khi xác định danh tính, mức độ của những người gây nên oan sai bởi chỉ có như thế, mới có thể khép lại hồ sơ, chấm dứt nỗi ám ảnh kéo dài từ “vụ án làng Me” năm nào.
10 tỷ đền bù, thử luận xem sao...
Oan thì phải kêu, ông Chấn và gia đình đã “kêu oan” liên tục cả 10 năm trời nhưng đáp trả chỉ là sự im lặng. Chỉ đến khi hung thủ thật sự - Lý Quý Chung - bước ra ánh sáng, đầu thú về hành vi của mình, oan sai của ông Chấn mới chấn động các cơ quan bảo vệ pháp luật, chấn động dư luận và nóng hừng hực trên các trang báo.
Sau hơn 10 ngồi tù oan, ông Chấn đã chính thức lên tiếng yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật và các cá nhân đã tham gia điều tra vụ án trước đây bồi thường  cho mình 10 tỷ đồng. Số tiền này có ý nghĩa gì? Tính trung bình, mỗi năm ngồi tù oan, ông Chấn xin bồi thường 1 tỷ đồng thì mỗi ngày tù ấy “có giá” chưa đến 3 triệu đồng. 
Một người nông dân khó lòng kiếm thu nhập đều đặn 3 triệu đồng mỗi ngày trong hơn 10 năm liên tục, nhưng liệu có ông tỷ phú nào dũng cảm trả số tiền đó hàng ngày liên tục 10 năm chỉ để người ta bỏ tù mình không? Hay có ai dám đứng ra nhận tội giết người, rồi ngồi tù - với mức án chung thân như đã tuyên với ông Chấn - mà không biết ngày nào được minh oan, để rồi có thể lên tiếng như ông Chấn mà đòi 10 tỷ đồng bồi thường không?
Luận đủ mọi nhẽ như thế để thấy một điều, với con người, tự do là giá trị thiêng liêng nhất, không được xâm hại trái phép sự tự do của bất cứ con người vô tội nào. 1 ngày mất tự do một cách oan uổng, hỏi đã có sách vở, quy định nào “phiên ngang” sang tiền cho được thật sòng phẳng? Ngồi tù thì mất thu nhập, mất lương bổng, nhưng cái sự tổn hại tinh thần thì thang bảng nào đo đếm được như từng đo đếm lương bổng, thu nhập? 
Một ai đó có thể nhẫn tâm mà kỳ kèo rằng “sao mà đòi cao thế”, thử hỏi nếu chính ông/bà hay người thân trong gia đình ông/bà gặp cảnh trái ngang như ông Chấn và gia đình đã gặp, thì ông/bà nghĩ sao, đòi hỏi những gì? 10 tỷ đồng là số tiền rất lớn, nhưng... tiền nào cũng có số, nghĩa là cũng có hạn chứ ông Chấn chẳng đòi đền bù vô hạn. Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là thái độ, là tình người với nhau, là trách nhiệm của cơ quan, cán bộ làm oan sai và cũng là nghĩa vụ của công chức, cơ quan Nhà nước - những công bộc - với người dân. 
Tiền - không lo quá nhiều hay quá thiếu mà lo quá ít, quá thiếu sự đồng cảm, chia sẻ giữa người với người bởi dẫu có được đền bù số tiền nhiều lần lớn hơn số yêu cầu mà ông Chấn không thật sự thấy được cởi bỏ gánh nặng mặc cảm, sự ức chế tâm lý thì rõ ràng, việc đền bù oan sai chưa được “tận bờ sát góc”.
Và còn chuyện... “mất người”
Ông Chấn đã được ra tù, được sống bình yên bên gia đình, người thân của mình. Nhưng, đổi lại đã và sẽ còn một loạt cán bộ, công chức phải gánh chịu trách nhiệm vì để xảy ra oan sai trong quá trình thực thi pháp luật, chắc chắn phải mất tự do để “đền bù” cho những gì mình đã gây ra.
Chắc chắn không có sự hả hê ở ông Chấn, gia đình và công luận khi xử lý những cán bộ làm oan sai, mà chỉ có sự tiếc nuối, xót xa! Là những cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án, nhiệm vụ của họ là tuân thủ pháp luật, hành xử theo pháp luật để bảo vệ người dân, bảo vệ sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật. 
Tiếc rằng, quy trình điều tra, tố tụng dẫu có nhưng không được những cán bộ này tuân thủ; được đào tạo bài bản nghiệp vụ điều tra, kiểm sát, xét xử nhưng không được vận dụng tốt; trách nhiệm công vụ được xác định rõ ràng nhưng không được họ ý thức đầy đủ và quan trọng hơn, các cán bộ chấp pháp trong “vụ án làng Me” đã thiếu hẳn cái tâm, cái tình, cái đức độ cần có của những người được quyền nhân danh pháp luật, bảo vệ công lý. 
Họ quên rằng nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về họ, dựa trên nhân chứng, vật chứng khách quan chứ không phải mớm, ép, dạy cho ông Chấn khai nhận hành vi phạm tội. Họ quên rằng, trước khi bị kết án, ông Chấn là một công dân với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp. Họ càng không nhớ, ngay cả khi đối diện với tội phạm thực sự thì ưu tiên hàng đầu vẫn là thuyết phục, cảm hóa tội phạm để kẻ phạm tội nhận chân được hành vi của mình, ý thức được hậu quả mình làm, từ đó mà ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tâm phục hình phạt dành cho hành vi mình đã gây ra.
Người làm oan sai đã và đang phải lần lượt trả giá, nhưng công luận rất lấy làm đáng buồn, đáng tiếc bởi họ đã không thường xuyên rèn luyện chính mình, nay phải chịu bắt giam - và có thể sau này là thi hành án phạt tù - đã để lại thiệt hại lớn cho danh dự của mình, tiếng tăm của gia đình, uy tín của ngành mình, cơ quan mình.
So với việc ngân sách phải bỏ ra 10 tỷ đồng - giả sử như yêu cầu của ông Chấn được chấp nhận - thì mất người, mất cán bộ, mất uy tín của cơ quan chấp pháp mới thật sự là thiệt hại to lớn, nghiêm trọng nhất, khó bù đắp nhất, là vết nhơ vết xấu có thể che lại, xếp lại trong kệ hồ sơ lưu trữ nhưng không bao giờ xóa bỏ được!
Công lý đang đến với ông Chấn và gia đình, niềm tin đang trở lại với người dân và công luận. Thôi thì “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, “vụ án làng Me” năm nào rồi cũng sẽ đi đến một ngày sáng tỏ và công bằng với tất cả. Dẫu có ai đó trách rằng công lý... từ từ chậm rãi thì hãy tin rằng, công lý dù sao vẫn đang đi đến chứ không đứng im hay quay lưng lại với người dân, với công luận. Khi đã công bằng với tất cả, sẽ không còn oán giận, hờn ghen, thế thôi...!

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.