…Hôm nay, bằng tấm lòng của những người kính yêu và mến mộ đức độ danh nhân Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, Lệ Chi Viên như được “tái sinh”, nỗi oan khiên ngày ấy thêm một lần được rửa sạch và thêm một lần khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt.
Đài tưởng niệm Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi làm bằng đá cao 11m |
Gặp và nói chuyện với nhà giáo Hoàng Đạo Chúc - Hội chủ Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ - về “vụ án vườn vải” đã cướp đi hàng trăm sinh mạng vô tội, tôi chợt thấy xót xa…
Trước đây, vua Lý Công Uẩn chọn Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng Hành cung, đến đời nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà. Vua Lê Thái Tông trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho cụ cai quản vùng Đông Bắc và cung Yên Hà. Khi sinh sống ở đây, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều vải.
Cuối tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương ghé qua nơi ở của Nguyễn Trãi rồi đến Lệ Chi Viên, Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi) vì có tài văn chương nên luôn được vua Lê Thái Tông cho theo hầu. Tại Lệ Chi Viên, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà ở tuổi 20 tuổi.
Bị đặt điều, xàm tấu, nhà Lê vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tội giết vua còn Nguyễn Trãi là chủ mưu với hình phạt tru di ba họ Nguyễn - Nhị - Khê, gây ra vụ án oan kinh động nước Đại Việt ngày ấy! Vì thế, người đời sau không muốn nhắc đến cung Yên Hà mà chỉ gọi là Lệ Chi Viên (Vườn Vải); và lịch sử cũng gọi vụ án oan này là “vụ án Lệ Chi Viên”.
Năm 1464, khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Ngay sau đó, nhân dân ta đã lập đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên.
Tượng đài Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại khu du tích Lệ Chi Viên |
Lệ Chi Viên nằm gần trung tâm một vùng đất Kinh Bắc dày đặc trầm tích văn hóa - lịch sử lâu đời vào bậc nhất của nước ta… Sau những biến cố lịch sử với những cuộc chiến tranh kéo dài, sự tàn phá của thiên nhiên, Lệ Chi Viên xuống cấp, di tích hầu như đã không còn gì nữa. Vào thời điểm năm 2008, Lệ Chi Viên chỉ còn lại một miếu thờ nhỏ đổ nát và mấy cây cổ thụ quanh miếu…
May thay, lịch sử đã minh oan cho những danh thần và hôm nay, những con người đương đại cố gắng gìn giữ di tích, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống nhớ về cội nguồn. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã dành trọn đời mình sưu tầm tư liệu, tìm kiếm lại những dấu tích của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, lập nên “Hội những người kính yêu cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, cùng chung tay tu bổ lại các khu di tích, đặc biệt là Lệ Chị Viên.
“Đây là nơi mà mỗi người con nước Việt khi tới thăm viếng sẽ thấm hơn công sức, máu xương của những người đã ngã xuống vì non sông đất nước. Mà một trong những ý tưởng ấy được gửi gắm qua biểu tượng “Giọt lệ Lệ Chi Viên” bằng đá hoa cương, đấy là giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên, còn là Trái tim nhân ái của người anh hùng dân tộc còn mãi với thời gian, như luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sống, biết yêu thương, biết tha thứ khoan dung, nhân ái. Bởi những người anh hùng của dân tộc ấy không bao giờ khóc cho riêng mình, mà khóc bằng dòng máu thắm hồng cho nỗi khổ đau của muôn dân trong hành trình nhân thế”.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (bên phải) đang giảng giải về vụ án Lệ Chi Viên |
Đến với Lệ Chi Viên, từ sông Lai tới Bến Cả; từ vườn Quan tới vườn Rậm; từ khu Ba Tòa tới Màn Đông, đến Màn Tiên rồi tới Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Cống,...tất cả đã và đang được những con người yêu chính nghĩa, quý trọng giá trị thời gian “tái sinh” lại. Vườn vải xưa đang “hồi sinh” bởi hàng nghìn cây vải từ khắp nơi được đưa về Lệ Chi Viên trồng, tất cả đều mang một ước nguyện khôi phục vườn vải..
Nhìn những thế hệ “măng non” cần mẫn bên tượng đài Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ hay ngắm nhìn “Tượng Đài Lệ Chi Viên”, ai cũng cảm giác vui mừng khó tả. Ông Vũ Thế Nhân - người được coi là pho sử sống của Lệ Chi Viên - cũng mừng khôn xiết: “Đã bao năm tôi trăn trở, phải ghi lại được lịch sử Lệ Chi Viên cho các thế hệ con cháu hiểu về lịch sử của quê hương, hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, nay điều ước ấy đã thành hiện thực. Chúng tôi rồi cùng lùi vào quá khứ, xin gửi lại lịch sử quê hương cho mai sau”.
Bịn rịn rời Lệ Chi Viên, bước trên bờ đê sông Đuống trong sương phủ mù mịt, ẩn hiện đôi chiếc thuyền câu...xa xa Núi Thiên Thai mờ ảo như còn ấp ủ nỗi niềm riêng tư. Lệ Chi Viên nằm gọn giữa xóm làng bình dị, như tự ngàn xưa vẫn xanh ngắt bãi dâu, ruộng lúa, vườn khoai…/.