Người cả đời nặng lòng với Lệ Chi Viên

Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người xây dựng nên khu di tích Lệ Chi Viên
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người xây dựng nên khu di tích Lệ Chi Viên
(PLO) - Lịch sử đã minh oan cho cái chết tức tưởi của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Thế nhưng, dấu vết Nguyễn Thị Lộ dần bị xóa nhòa với thời gian. Và nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, “người suốt đời cầm đuốc soi vào quá khứ, đã xây đền, dựng tượng, tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ”.
Từ thiên chuyện tình diễm lệ đến nỗi đau bậc nhất trong lịch sử 
Nhắc đến thiên tình sử này, hẳn ai cũng nhớ đến giai thoại làm thơ “ghẹo” người đẹp của Nguyễn Trãi khi bắt gặp cô hàng chiếu xinh đẹp:
“Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
Cô bán chiếu gần như chẳng cần nghĩ suy nhiều, đã đáp lại rằng:
“Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!”
Chẳng ngờ, cô gái bán chiếu ngoài nhan sắc mặn mà còn có học thức, có tâm hồn thi phú với tài đối đáp sắc sảo. Điều này khiến Nguyễn Trãi mê đắm và cưới cho được cô làm thiếp. Và cũng từ đó họ dệt nên một thiên tình sử diễm lệ và đẫm nước mắt cho hậu thế sau này. Mối tình và cả nỗi đau của họ sau thảm án Lệ Chi Viên đã được nhắc đến nhiều trong cả chính sử và dã sử. Thậm chí còn được thêu dệt thành những huyền thoại để tụng ca và cảm bày nỗi xót thương cho những oan nghiệt mà họ phải gánh trong đời.
Theo chiều dài lịch sử, mối oan ấy rồi cũng được giải sau bao đớn đau bằng máu và nước mắt. Nhưng cái lạ là sau này người ta nhắc đến Nguyễn Trãi nhiều, còn cô “bán chiếu”, Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ được nói đến ít hơn. Đó cũng là một thiệt thòi và một sự thiếu công bằng của lịch sử. Cũng may còn có nhiều người đau đáu với điều này và bao năm trời âm thầm, lặn lội đi tìm sự công bằng.
Một trong những người đáng quý ấy là Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (sinh năm 1934) là hậu duệ của nhà văn hóa, nhà cách mạng lỗi lạc Hoàng Đạo Thúy. Mặc dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, trong người mang nhiều trọng bệnh nhưng khi nói về các danh nhân văn hóa, đặc biệt về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, ánh mắt của ông như ngời lên ngọn lửa, ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, ngọn lửa của lòng kính yêu và biết ơn với những người anh hùng dân tộc đã không tiếc máu xương vì non sông đất nước. 
Ông kể: “Tôi vốn là một giáo viên, có chuyên môn về sử, từ ngày nhỏ đọc qua sử sách các triều đại, tôi bị ám ảnh với vụ án Lệ Chi Viên. Cho đến khi nghe theo lời hiệu triệu của Tổ quốc, năm 1959 tôi lên Tây Bắc để dạy học. Những buổi đưa học sinh đi ngoại khóa, mỗi khi kể lại thảm án Lệ Chi Viên, trái tim tôi  lại cảm thấy nhói đau, trăn trở trước nghi án đen tối cả lịch sử Việt Nam. Tôi cứ ấp ủ một khát khao phải làm sao huy động mọi lực lượng trong xã hội, nghiên cứu, trả lại chân giá trị cho người anh hùng dân tộc”. 
Năm 1980, khi Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc nảy sinh ý tưởng thành lập “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ” và cũng từ đó, ông khát khao tổ chức được một buổi hội thảo làm sáng tỏ nghi án gần 600 năm qua. Lịch sử Việt Nam không bao giờ quên ngày 16/8/1442, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ bị xử trảm. Cái ngày mà nhìn lại vụ án Lệ Chi Viên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã thốt lên: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi, vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”.
Hai mươi năm sau, Vua Lê Thánh Tông đã giải oan cho Nguyễn Trãi, khẳng định Nguyễn Thị Lộ không có tội, nhưng những quan lại, những nhà nho xu nịnh và hủ lậu đã không đủ can đảm nhìn vào sự thật. Không ai dám lên tiếng tố cáo Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ bị giết bởi “lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình hèn hạ và ngu muội do chính Nguyễn Trãi đã chiến đấu hơn mười năm gian khổ để góp phần xây dựng nên” (Trần Huy Liệu).
Với Nguyễn Thị Lộ, họ sớm quên rằng chính “Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của Vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền” (Nữ sỹ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền). Còn Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt”.
Chia sẻ về Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc khẽ chau mày, chua xót trước bao điều thị phi đổ lên người phụ nữ trung hậu, đảm đang việc nước, việc nhà: “Gần 600 năm đã trôi qua, biết bao câu chuyện về Lệ Chi Viên được dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác. Nhưng tôi cực kỳ phẫn nộ trước truyền thuyết mà dân gian cho rằng Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ là con rắn đầu thai để trả thù gia đình Nguyễn Trãi, gây ra vụ thảm sát cả gia tộc nhà Nguyễn Trãi. Bao năm tìm tòi, nghiên cứu những câu chuyện nhuốm màu tâm linh một cách cực đoan như vậy, tôi đã ngầm hiểu được rằng, chính những tên quan tham, hay xu nịnh vẽ nên truyện huyền thoại về cụ Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) lỡ tay đánh chết ổ rắn trong vườn nên chúng quay trở về báo oán. Đó là cách mị dân trong thời kỳ còn mông muội, che giấu đi sự oan sai với khai quốc công thần mà nhân dân đời đời mến mộ”.
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (bên trái) tượng đài học sỹ Nguyễn Thị Lộ
Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc (bên trái) tượng đài học sỹ Nguyễn
Thị Lộ 
Nặng lòng với danh nhân
Gần 600 năm trôi qua tưởng như mọi chuyện sẽ nhạt nhòa theo lớp bụi thời gian, nhưng nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, như được sự ủy thác của tiền nhân, một mình chắt chiu từng đồng lương hưu, không quản bệnh tật, đi vận động các nhà khoa học tổ chức một cuộc hội thảo lớn vào năm 2002 tại xã Trần Phú, Khuyến Lương, Hà Nội, do giáo sư Vũ Khiêu và Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam Dương Trung Quốc đồng chủ tọa, thu hút rất nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. 
“Từ năm 1980, khi UNESCO công nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hóa thế giới, tôi mừng lắm, đó như là thời cơ để tôi đứng lên, đi tìm sự đồng tình, ủng hộ của bao con người đam mê, kính phục tài, đức của cụ Nguyễn Trãi và cụ Lộ. Từ đó, tôi đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng cho đến miền núi, hay Côn Đảo xa xôi. Hễ ở đâu có dấu tích của Cụ Nguyễn Trãi, cụ Lộ là tôi đến tìm hiểu. Tôi gặp không biết bao nhiêu nhà nghiên cứu sử và rồi tất cả đều đồng tình lập nên “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ”. Từ đó cho đến năm 2002 là gần 22 năm, tôi mới huy động, tổ chức được buổi hội thảo”.
Từ hội thảo đó, những tiếng nói tự đáy lòng của những người đầy tâm huyết với Danh nhân văn hóa của dân tộc vang lên, trả lại chân giá trị cho những người con của dân tộc Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Sau đó (năm 2004), cuốn sách “Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” được xuất bản đã tôn vinh Nguyễn Thị Lộ: “Một nữ sỹ tài hoa, một nhà giáo nữ sớm nhất được biết tên, văn chương phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Hơn thế nữa, bà đã cùng chồng cứu sống mẹ con hoàng phi Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng tử Tư Thành, bảo vệ cho đất nước một minh quân lỗi lạc của văn hóa Đại Việt: Hoàng đế Lê Thánh Tông”.
Cho đến nay, cái tâm của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã truyền đến biết bao người, để rồi bằng công đức của “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, ba ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã được dựng lên ở Tân Lễ – Thái Bình, Lệ Chi Viên – Bắc Ninh, Khuyến Lương – Hà Nội, trong đó tượng Đức Bà Nguyễn Thị Lộ bằng đồng cao 2,71m đã được dựng ở Tân Lễ – ngay chính quê hương của Đức Bà, làm nức lòng những người yêu kính Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi. Tượng Đức Bà với dung nhan cao quí nhưng gần gũi, nhân từ như những người nông dân một nắng hai sương, tần tảo, bao dung vì gia đình, vì quê hương đất nước, song vẫn toát lên thần thái của một bậc văn tài, tâm đức tỏa sáng như trăng thu vằng vặc. 
Và sáng 20/12/2013, sau gần 7 năm xây dựng, trùng tu di tích Lệ Chi Viên, tại thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc bước lên bục phát biểu, trịnh trọng đọc diễn văn khánh thành công trình Khu di tích đền Lệ Chi Viên tưởng niệm Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Công trình Lệ Chi Viên đã nhận “Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố”, sự kiện to lớn này làm nức lòng những người yêu kính Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Ý nghĩa tâm linh và giá trị di sản của công trình chính là tượng đài được xây nên tại nơi từng xảy ra vụ án Lệ Chi Viên oan nghiệt và đau lòng.
Đài Lệ Chi Viên
Đài Lệ Chi Viên 
Để có được thành quả đó, nhà giáo Hoàng Đạo Chúc làm việc không biết mệt mỏi, quên cả tuổi tác, bệnh tật, vận động các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm cùng các nhà hảo tâm cố gắng hoàn thành khu tưởng niệm Lệ Chi Viên cho xứng với tầm vóc lịch sử. Đây không chỉ là khu tưởng niệm mà còn là khu du lịch sinh thái, là nơi mà mỗi khi thăm viếng, mỗi người đều thấm hơn công sức, máu xương của những người anh hùng dân tộc đã ngã xuống vì non sông đất nước. Mà một trong những ý tưởng ấy được gửi gắm qua biểu tượng “Giọt lệ Lệ Chi Viên” bằng đá hoa cương, đấy là giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của những người con Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa, đồng thời đó còn là Trái tim nhân ái của người anh hùng dân tộc còn mãi với thời gian, như luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sống, biết yêu thương, biết tha thứ khoan dung, nhân ái. Bởi những người anh hùng của dân tộc ấy không bao giờ khóc cho riêng mình, mà khóc bằng dòng máu thắm hồng cho nỗi khổ đau của muôn dân trong hành trình nhân thế.
Trong hành trình phục hồi các di tích cho danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ đã vận động, xây dựng được các di tích:
1. Đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở Khuyến Lương, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nơi từng có ngôi nhà của vợ chồng Nguyễn Trãi, “Góc thành Nam, lều một gian”, khởi công năm 2003, khánh thành năm 2004.
2. Đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ ở thôn Hải Triều (còn gọi là làng Hới Chiếu) xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đây là quê hương của bà, lồng lộng ẩn hiện ở một khoảng trời xanh, mây trắng cao 2m71.
3. Đền thờ Lệ Chi Viên, tại thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, động thổ năm 2006, năm 2013 khánh thành.

Đọc thêm

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị: tạo đà cho những bước tiến xa. Kỳ 3: Cần khung khổ pháp lý mới để hiện thực hóa mục tiêu đường sắt đô thị

Dự án tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vừa hoàn thành tuần thứ tư của giai đoạn vận hành thử nghiệm. (Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội)
(PLVN) - Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 là khả thi nếu có tư duy mới, thực sự đột phá cùng một khung khổ pháp lý mới, “may đo” riêng cho 2 TP tiệm cận với cơ chế phổ biến của các nước đã phát triển thành công hệ thống đường sắt đô thị.

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

84 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).

Quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 23/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan để quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thủ tướng đề xuất đưa ASEAN thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu

Toạ đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Các cựu chiến binh, cựu TNXP dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 23/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, trang trọng tổ chức cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiếp tục củng cố cơ sở về giao thông thông minh

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” về lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.