Yêu hơn phố Hội ngày xuân

Yêu hơn phố Hội ngày xuân
(PLO) - Tết gõ cửa phố Hội (TP. Hội An, Quảng Nam). Những con hẻm bỗng xôn xao. Rồi hoa kéo nhau về. Mai, đào, mãn đình hồng, cúc vàng, quất kiểng… khoe sắc khiến ai từng một lần đến phố Hội dịp này, đều phải mê mẩn hay say sưa chụp hình.
Trong màn sương lãng đãng, phố cổ Hội An hiện ra như bức tranh bình dị mà sâu lắng. Rêu nảy lộc trên từng ngõ phố, bật mầm trên từng mái ngói cũ xưa gieo nhớ thương, neo lòng du khách trong khoảnh khắc mùa xuân…
Nơi gần gủi, khó quên
Đã thành thông lệ, bước vào ngày đầu tháng Chạp hằng năm, phố cổ trở về với không gian truyền thống: những câu đối giăng mắc, những lễ hội dân gian còn trong tư liệu hình ảnh và cả được phục dựng…Như lời giới thiệu “đậm chất văn” của ông Võ Phùng, Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thể thao TP. Hội An, từ ngày 24 tháng Chạp, các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu, Ngô Gia Tự… được Hội hoa xuân phủ sắc xanh tươi. Hội An trở nên trong veo. 
Trên các tuyến đường ngập tràn hương của muôn hoa. Phố cổ cũng đang hối hả theo nhịp bước người đi thưởng lãm…như thể, muốn ôm trọn Tết mang vào nhà trước đêm 30. Đã là người con phố Hội hay ai từng lưu trú nơi đây 1 lần, chắc sẽ muốn về. Về mà dạo ngang qua những con phố có mái ngói rêu phong, thả mình trong ánh sáng huyền hoặc, đẹp mê hồn của những chiếc lồng đèn về đêm… 
Ông Phùng cho biết, trong vài năm trở lại đây, tết phố cổ Hội An còn ghi dấu bằng sự tái hiện hoạt động dựng cây nêu, nét đặc trưng của ngày tết dân tộc tại các di tích, đình, miếu, nhà thờ tộc… Sau khi lễ hội hoa xuân được khởi động, ngày hội “Bánh tết vì người nghèo” với các nội dung thi làm bánh lăn, làm mứt và tặng quà tết…lần lượt diễn ra từ ngày 27 cuối năm. 
Riêng hội thi gói và nấu bánh tét được tổ chức tại từng xã, phường. Các gia đình, hàng xóm cùng quây quần bên nồi bánh tét, tạo điểm nhấn cho bức tranh xuân luôn rộn ràng, tươi mới. Ngoài ra, điểm nhấn Tết phố cổ Hội An không thể thiếu đèn lồng, với đủ loại kiểu dáng, sắc màu xuất hiện từ cuối đông cho đến xuân.
Khi thời khắc chuyển giao năm mới vừa điểm, các hội quán, đình, chùa đồng loạt gióng chuông, trống, hòa chung sự giao thoa của đất trời. Lúc này, thành phố cũng bắn pháo hoa tại 2 địa điểm vườn tượng An Hội và cảng Cửa Đại. Cũng từ đầu tháng Chạp, hàng chục lễ hội ở Hội An đua nhau chờ vào mùa như: giỗ tổ, tế đình của cộng đồng làng xã. 
Trong làn sương lạnh sớm mai, dòng người vui xuân bắt đầu lũ lượt kéo về Lễ hội Cầu Bông của cư dân làng rau truyền thống Trà Quế, để mong cho một mùa hoa trái tốt tươi. Hình ảnh, cờ hội làng Trà Quế dong cao với trống chiêng, cổ nhạc cùng già trẻ, gái trai khênh kiệu hoa, mâm ngũ quả, án thờ diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm…  luôn hút mọi sự ánh nhìn của du khách. 
Khách nước ngoài rất thích thú với ẩm thực phố Hội.
 Khách nước ngoài rất thích thú với ẩm thực phố Hội.
Đi dọc theo sông Hoài, cả ngày lẫn đêm du khách đều có thể tận hưởng hương sắc của một vùng đất qua hàng gánh ẩm thực nơi đây. Ông Phùng và rất nhiều người đã không ít lần chia sẻ, có lẽ, chỉ có đô thị cổ Hội An mới biến những gánh hàng rong thành một bữa tiệc buffet thịnh soạn, thường gọi “buffet gánh”. Kiểu tiệc đậm chất dân dã nhưng không kém phần sang trọng, hiện đại. Bên nếp phố xưa, dưới sông, hoa đăng trôi lung linh; trên bờ, những gánh hàng ẩm thực mộc mạc cùng tiếng nhạc cổ truyền văng vẳng trong không gian. 
Các món ẩm thực nổi tiếng của xứ Quảng và Hội An như bánh bao, bánh vạc, chả giò, cao lầu, mì Quảng, hay nuớc chè lá được những bà mẹ, những thiếu nữ Hoài Phố dâng mời… từ lâu đã biết níu giữ chân khách thập phương… “Tiếng rao, cách bài trí hay cả những thói quen trong ăn uống sinh hoạt lễ tết này, đã góp phần hữu hình hóa Hội An, làm cho phố cổ trở nên gần gũi, khó quên trong mỗi dịp Xuân về”, ông Võ Phùng tự hào
Lễ Tết giản dị nhưng đặc sắc
Vào phố cổ dịp Tết, không khí đường phố cũng rộn ràng không kém với nhiều trò chơi dân gian như đập nồi, chuốt gốm, ngâm thơ, trong đó nổi bật có hát bài chòi... Nói như nhà thơ nhà văn Trần Kỳ Trung (SN 1953, ngụ TP. Hội An), bài chòi xứ Quảng đã thấm vào máu thịt và len lỏi vào cả giấc ngủ của bất kỳ người con nào phố Hội đang sống nơi đất khách.
Có lúc tỉnh dậy nghe điệu bài chòi, nhìn chiếc lồng đèn đem từ quê nhà mang vào treo nơi góc phòng mà bỗng cay xè đôi mắt. Những lúc như vậy, họ chỉ muốn chạy ngay về, để rúc vào ngực mẹ như hồi xưa bé dại và tỉ tê: con nhớ quê nhà, nhớ mẹ quá…
Đặc biệt, loanh quanh ra biển Cửa Đại, dọc dài trên con phố đi bộ, nhiều người còn muốn tìm những gánh hàng rong, để được nghe tiếng rao đậm chất Quảng: “đậu hủ đây”!, hay “ôm lấy” hình ảnh mẹ già bán những con giáp tò he. Ngồi ở mép sông Hoài, cụ Lê Thanh Hương (70 tuổi, ngụ Cẩm An, Hội An) cho biết, bà bán món hàng này đã mấy chục năm, không lời lãi bao nhiêu nhưng dường như cái nghề đã thành cái nghiệp, nên cứ mãi đeo mang, ngay cả lúc về già. 
Con cháu bảo: “Năm ni mẹ 70 rồi, đừng đi bán chi cho cực khổ”, nhưng mẹ nào có chịu: “Mình bán tò he để góp phần làm nên nét cổ của phố Hội…Cứ nghe cái “triết lý” đó của mẹ Hương, nhà văn, nhà thơ Trần Kỳ Trung phải buộc miệng: “nó khiến cho con dân phố Hội đều thấy yêu hơn, thiết tha hơn với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, với hai từ thiêng liêng trong tim mỗi người: Quê hương!
Cho đến nay, không ngoa khi nhiều người khẳng định, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hòa cùng nếp sống hiện đại đã và đang tạo nên một bản sắc riêng cho Tết ở phố cổ Hội An. Theo ông Võ Phùng, những năm qua, điều này còn được cô đọng lại trong chương trình tour homestay “Đón Tết cùng người Hội An” mỗi năm một lần, được TP. Hội An đề xướng và đang thu hút đông đảo du khách cùng tham gia, trải nghiệm.
Từ 29 tháng Chạp, ngôi làng chài Thanh Nam (Hội An) rợp bóng tre và cây xanh mở cửa đón khách, chủ yếu người ngoại quốc. Cũng trang trí nhà cửa, làm bánh in, gói bánh tét, bánh chưng... sau đó họ được chính chủ nhà giới thiệu về những phong tục đón Tết của người Việt Nam, người Hội An. Đêm, bên dây trầu quấn quanh cây cau, dưới ngọn nến, chủ nhà còn kể chuyện cổ: “Sự tích trầu cau”. Cùng câu chuyện, du khách học cách têm trầu rồi mời nhau nếm thử cho răng cùng đỏ thắm. Trong ngày 30, mọi người tham gia cúng tất niên, rước ông bà và không quên quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa mừng năm mới. 
Ông Võ Phùng dẫn chứng, đã có rất nhiều gia đình người nước ngoài, sau khi trãi nghiệm đã ghi lại cảm nghĩ trong tập lưu bút lưu tại Trung tâm văn hóa Hội An: “Mùng 1 Tết, tôi có thể mặc trang phục truyền thống, khăn đóng áo dài Việt Nam cùng với gia đình đi viếng chùa, thắp nhang tại Hội quán, đình làng. Lưu trú tại đây 5 đêm, chúng tôi thấy Hội An rất đẹp và con người thân thiện. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ ở 2 đêm thôi nhưng mọi người đã cho chúng tôi những ngày nghỉ ấm cúng trong dịp Tết với nhiều câu chuyện cổ tích cảm động!”. 
Hay như một du khách Pháp đã viết: “Không gian mùa xuân Á đông đậm đặc hơn ở phương Tây chúng tôi. Đến đây đúng dịp Tết, tôi càng thấm thía hơn các nét đẹp văn hóa của người bản địa, sinh động chứ không cứng nhắc như trong sách, báo mà chúng tôi từng lướt qua. Rêu, hoa, cây cảnh thi nhau khoe sắc dưới nắng vàng ngày đầu năm thật quyến rũ”. 
Còn với anh Toni Taylor, du khách đến từ nước Mỹ, nay đang tiến hành thủ tục xin tạm trú dài hạn tại Hội An để làm việc, những ngày qua, gặp ông Võ Phùng cứ phải thốt lên: “Chỉ với diện tích khoảng hai cây số vuông, Hội An thật nhỏ bé so với đô thị cổ Bến Nghé - Sài Gòn - Gia Định. Chỉ với lịch sử khoảng năm trăm năm hình thành, phát triển, lịch sử Hội An quá khiêm tốn so với Kẻ Chợ - Kinh Kỳ - Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội hàng ngàn năm văn hiến. Hội An cũng không có các quần thể di tích lịch sử đồ sộ như cố đô Phú Xuân - Huế. Vậy mà tại sao mỗi người đã đến đây đều mong muốn có dịp trở lại, thậm chí không ít người chỉ định tới tham quan du lịch nhưng đã ở lại và trở thành cư dân của phố cổ nhỏ bé này giống tôi”. 
Nở nụ cười thân thiện, ông Võ Phùng đáp lại như một lời tri ân: “Hội An rất thân quen, ai đến một lần rồi cũng dễ dàng mường tượng và “vẽ” ra trong tâm tưởng của mình từng lối phố, từng nhà cổ, từng món ăn, giọng nói. Dung dị vậy nhưng tại sao du khách lại cứ quyến luyến khi chia xa Hội An và tìm cách quay lại cho thỏa nỗi… nhớ khi lễ hội được tổ chức? Tôi không cắt nghĩa được rạch ròi nhưng có thể “cảm” được câu hỏi của anh Toni Taylor, không khí, không gian phố cổ Hội An qua lễ Tết cổ truyền, giản dị nhưng đặc sắc. như chính đời sống nội tâm của mỗi người vậy”.

Tin cùng chuyên mục

Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”. (Ảnh: TL)

Những khúc ca mùa xuân đi cùng năm tháng

(PLVN) - Những ngày giáp Tết thật rộn ràng bởi những khúc ca xuân. Trong đó, không thể nào thiếu những ca khúc bất hủ đã đi cùng âm nhạc Việt nhiều thập kỉ. Đó không chỉ là bản hòa ca của niềm vui, tình yêu mà còn là giai điệu của những kí ức hào hùng đẹp đẽ, của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Đọc thêm

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.