Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng kéo dài, trong khi cuộc sống không thể đóng băng. Do đó, mọi người khi hòa nhập lại cuộc sống nên chủ động cảnh giác, phòng tránh dịch bệnh theo những chỉ dẫn của Bộ Y tế về vệ sinh...
Cần có ngay kế hoạch phục hồi kinh tế
Sau những thành công không thể phủ nhận trong chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “mở mặt trận thứ hai” để cứu nền kinh tế. Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải đạt được mục tiêu kép, “làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết”, không thể và không được để tăng trưởng quá thấp.
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được đẩy lùi. Tuy nhiên, không được chủ quan. Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ cảm ơn những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân.
Nhấn mạnh mục tiêu kép, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, đặc biệt cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh (19 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề làm sao tăng trưởng, nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4%. Bên cạnh kinh tế, Thủ tướng cũng đề nghị bàn về các vấn đề xã hội, trong đó có việc làm sao tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, an toàn, chất lượng.
Các thành viên Chính phủ cần đánh giá, thảo luận các biện pháp khắc phục các bất cập như công nghiệp giảm mạnh, các dịch vụ như hàng không, lữ hành, khách sạn, ăn uống sụt giảm, hay giải pháp để làm sao doanh nghiệp phát triển khi mà thời gian qua số lượng doanh nghiệp giảm mạnh. Đặc biệt, theo Thủ tướng, làm sao các công trình xây dựng cơ bản, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, phải được khởi động.
Vừa qua, tại Hải Phòng, Thủ tướng nhắc lại: Nhất định chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên tất cả các mặt trận, không chỉ trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19, mà còn chiến thắng trên lĩnh vực kinh tế, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết đối với lịch sử dân tộc và trách nhiệm đối với gần 100 triệu dân.
Việt Nam chuẩn bị chuyển sang trạng thái “bình thường” mới
Có thể nói, Việt Nam đang từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh và khôi phục sản xuất kinh doanh dịch vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, một tư duy mới về sống chung với dịch Covid-19 dần được hình thành, đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng như từng người dân.
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã chọn mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giữ tăng trưởng kinh tế. Đến lúc này, ở mặt trận phòng, chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 với những giải pháp ứng phó nhanh chóng, linh hoạt và quyết liệt.
Còn trên mặt trận kinh tế, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chưa từng có trong lịch sử đã được ban hành như các gói giải pháp tiền tệ, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đơn vị, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 hay việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid -19….
Một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cũng dần được hình thành. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Thế giới đang thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Sau dịch bệnh, bộ mặt nền kinh tế, các vấn đề giao thương giữa con người với nhau, giữa các quốc gia với nhau thay đổi toàn diện. Việc tái đào tạo và đào tạo mới cho cán bộ nhân viên, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế mới là vô cùng quan trọng.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi phải xây dựng được một kế hoạch hành động để đưa nền kinh tế trở lại bình thường cũng như phấn đấu các mục tiêu phát triển của năm 2020. Riêng về công tác khơi thông thị trường, chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng để đánh giá lại các cơ hội cũng như các dư địa của thị trường, kể cả thị trường trong nước và ngoài nước để phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm của các ngành sản xuất - các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản…”.
Cùng với đó, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, việc ban hành những chính sách mới hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tổng thể và đồng bộ để tạo sức bật cho những đầu tàu của nền kinh tế là các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển sau đại dịch là cần thiết. Bởi nền kinh tế thế giới sau giai đoạn dịch bệnh sẽ có thay đổi tương đối căn bản. Các chuỗi giá trị được thiết lập lại, các dòng vốn đầu tư thương mại sẽ đảo chiều.
Các mô hình kinh doanh mới sẽ nảy sinh và phải chuẩn bị một nền tảng thể chế, nền tảng về cơ sở nhân lực thật tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích ứng và tận dụng được những cơ hội mới cũng như đương đầu với thách thức. Để tận dụng được các dòng vốn đó, chúng ta phải sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao về nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như thể chế.
Và có một tín hiệu tích cực với nước ta, đó là nhiều công ty lớn muốn chuyển đến đầu tư ở Việt Nam vì chống dịch tốt. Như thế, để có những ngày bình thường tất cả chúng ta đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để vượt qua vô số trở ngại trong những ngày tháng không bình thường.
Trải qua thời gian “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”... đến nay ai cũng thấy rõ giá trị của những ngày bình thường trước đây. Người lớn dần tới công sở, gặp gỡ bạn bè, hàng quán bắt đầu mở trở lại, trẻ nhỏ tới trường…
Mặc dù, chúng ta xác định “sống chung với lũ”, khi chưa biết thực sự lúc nào mới đẩy lùi được Covid -19 khi một loạt quốc gia như Hoa Kỳ và các quốc gia G7 vẫn đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh bùng phát. Không ai có thể ngờ, có tới hàng vạn người thiệt mạng và số ca mắc đến con số triệu người ở các nước đó…
Rồi đây, có thể những bài học và giải pháp chống dịch của Việt Nam được áp dụng vào nhiều lĩnh vực để cuộc sống an toàn hơn, kinh tế phát triển bền vững hơn, an sinh xã hội được bảo đảm hơn như sự kỷ luật, tính tự giác, sự nhất quán trong nguyên tắc chỉ đạo thực hiện, sự vận hành đồng nhất và sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của các ngành, các cấp... để chúng ta có những ngày bình thường mới an toàn vừa phòng, vừa chống dịch, vừa từng bước vận hành kinh tế…
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có báo cáo đánh giá và đưa ra những khuyến nghị chính sách kinh tế gửi đến Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương đối với nền kinh tế. Những kiến nghị nhằm khắc phục tác động tiêu cực cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi vượt qua dịch bệnh.
Những chính sách hỗ trợ:
+ Đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các hộ gia đình mất thu nhập lâu dài không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động tự do không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm.
+ Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng:
i). Tiền tệ: nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua khó khăn;
ii). Tài khóa: hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội… Giai đoạn này nên ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém.
+ Có những hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp đối với hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động; tranh chấp hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đối tác trong xuất nhập khẩu hàng hóa...