Cảnh báo trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống KT do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/8 tại Hà Nội. Đáng lo hơn khi các nước trên thế giới đã thực hiện những giải pháp phòng, chống KT từ rất lâu, còn Việt Nam mới bắt đầu lên kế hoạch...
Kháng thuốc ở mức báo động…
Việt Nam chưa có một cuộc tổng điều tra toàn diện về vấn đề KT, tuy nhiên số liệu báo cáo tại nhiều BV cũng như kết quả giám sát về thực trạng này tại một số cơ sở cho thấy, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ KT ngày càng gia tăng và hiện ở mức báo động…
Ths Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế lo ngại cảnh báo, gánh nặng do KT ngày càng gia tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Trong tương lai, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Cùng với những khó khăn trong công tác điều trị cho những bệnh nhân lao đa kháng thuốc (Việt Nam hiện đứng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên thế giới), số bệnh nhân kháng thuốc điều trị HIV cũng xuất hiện và ngày càng có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó là những quan ngại về tình hình sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi; nhiễm khuẩn tại các BV…
Theo ông Thái, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Sử dụng thuốc không phù hợp; thầy thuốc kê thuốc không đúng, quá liều; sử dụng nhiều kháng sinh cùng một lúc; chất lượng thuốc không bảo đảm; kiểm soát nhiễm khuẩn BV chưa tốt; nhất là tình trạng tự ý sử dụng về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của cả người bán thuốc và người dân còn rất thấp, nhất là các vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn. Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn. “Tình trạng phổ biến nhất là các phụ huynh tự chẩn đoán bệnh, rồi tự mua kháng sinh về điều trị viêm đường hô hấp trên cho con em, dẫn đến nguy cơ bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn, kéo dài hơn và bệnh sẽ tái đi tái lại…” - Ths Cao Hưng Thái nhận định.
Đừng chần chừ trong việc chống kháng thuốc
Trước nguy cơ của việc quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau. Ngày Sức khỏe thế giới năm 2011, WHO đã lấy khẩu hiệu phòng chống KT là: “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và kêu gọi các quốc gia phải có kế hoạch kịp thời để đối phó với tình trạng KT.
“Chúng tôi sẽ tập trung và quyết liệt giải quyết tình trạng này” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống KT giai đoạn 2013 – 2020. Cụ thể, theo bà Xuyên, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống KT, các hướng dẫn để sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiến tới thành lập Ban Chỉ đạo chống nhiễm khuẩn BV, đồng thời ra quyết định thành lập Khoa Nhiễm khuẩn tại các BV, chỉ đạo các cơ sở phòng, chống tình trạng lây chéo trong BV (tập trung vào các BV chuyên khoa như lao phổi, sốt rét, HIV…); đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân cũng như cán bộ y tế sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Nhằm giải quyết và đẩy lùi vấn nạn thầy thuốc kê đơn bất hợp lý, người dân tự ý mua thuốc, dược sỹ bán thuốc lung tung…, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cũng như đại diện Cục Quản lý KCB đều khẳng định sẽ chấn chỉnh từng bước một với lộ trình cụ thể.