Thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 8.500 trường hợp sốt rét, 21 ca sốt rét ác tính, 1 người tử vong tại Gia Lai. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt rét giảm 35%.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trước đây tỷ lệ sốt rét kháng thuốc là 16%, nay lên tới 20-22%. Ngoài kháng artemisinin, vốn được coi là hiệu quả nhất trong điều trị sốt rét; ký sinh trùng sốt rét còn kháng cả một số loại thuốc điều trị thế hệ mới. Thông thường, người bệnh chỉ điều trị 3 ngày là hết, nhưng nay phải tăng số ngày điều trị và phải phối hợp với các loại thuốc khác vì sau 3 ngày điều trị liên tục vẫn còn ký sinh trùng sốt rét.
Tại một số địa phương, nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại khá lớn, nhất là ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ, vùng sâu, vùng xa... Mới đây, tại Bình Phước và Đắk Nông đã ghi nhận các ca sốt rét. Đáng nói, các chuyên gia cảnh báo về tình trạng sốt rét kháng thuốc đang có chiều hướng gia tăng.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng Trung ương, Bộ Y tế, tình trạng kháng thuốc sốt rét đã xuất hiện ở miền Trung nước ta như tại Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông và Quảng Nam. Theo đó, thời gian điều trị tiêu diệt ký sinh trùng lâu hơn trước. Hiệu quả điều trị của thuốc artemisinin vẫn cao nhưng tỷ lệ còn ký sinh trùng ngày D3 (ngày thứ 3 điều trị) tăng liên tục ở mức báo động.
Tỷ lệ còn ký sinh trùng sốt rét vào ngày thứ 3 điều trị liên tục tăng ở mức báo động. Như tại Gia Lai, tỷ lệ còn ký sinh trùng ngày D3 là 11% vào năm 2010 nhưng chỉ 2 năm sau đã tăng gấp đôi. Tương tự tại Bình Phước cũng tăng từ 15% lên gần 31%.
Theo tiến sĩ Dương, tình trạng sốt rét kháng thuốc ở mức rất đáng báo động và cần có những can thiệp để giảm nguy cơ này. Hiện nay, một kế hoạch quốc gia về ngăn chặn sốt rét kháng artemisinin đã được xây dựng và đang chờ sự phê duyệt của Bộ Y tế. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành văn bản cấm sử dụng phác đồ đơn trị liệu artesunate để điều trị sốt rét. Đồng thời hạn chế sản xuất thuốc này dưới dạng đơn trị liệu.